Vào nội dung chính
DỊCH BỆNH - TÂY BAN NHA - Ý

Covid-19 : Chút ánh sáng cho Ý - Tây Ban Nha, số ca nặng và tử vong giảm đều

Ý và Tây Ban Nha, hai nước hiện có số tử vong vì virus corona cao nhất thế giới, có thêm một chút hy vọng trong hai ngày 04 và 05/04/2020. Số ca cần chăm sóc đặc biệt tại Ý, kể cả vùng dịch Lombardia, lần đầu tiên đã giảm. Trong khi đó, ngày thứ ba liên tiếp, số người tử vong vì Covid-19 trong vòng một ngày tại Tây Ban Nha cũng đã giảm.

Tượng vua Carlos III tại trung tâm thủ đô Madrid trong phong tỏa ngày 05/04/2020.
Tượng vua Carlos III tại trung tâm thủ đô Madrid trong phong tỏa ngày 05/04/2020. REUTERS - JUAN MEDINA
Quảng cáo

Đối với ông Angelo Borrelli, giám đốc cơ quan bảo vệ dân sự Ý, việc số ca điều trị đặc biệt giảm là « một tin quan trọng vì điều này giúp giảm tải cho các bệnh viện ». Tính đến hết ngày 04/04, Ý có 15.362 người chết vì virus corona và vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca tử vong.

Như nhiều nước châu Âu khác, các biện pháp phong tỏa đã tác động mạnh đến lĩnh vực nông nghiệp, đang vào mùa thu hoạch và bị thiếu nhân công nghiêm trọng. Ý mất khoảng 370.000 lao động nước ngoài, trong đó có rất nhiều người Rumani, do đóng cửa biên giới.

Theo thông tín viên RFI tại Roma, được Ủy Ban Châu Âu chấp thuận, « một hành lang xanh » sẽ được thiết lập giữa Bucarest và Roma để khoảng 110.000 lao động thời vụ Rumani đến Ý làm việc cho đến tháng 12/2020.

Tây Ban Nha có số ca tử vong nhiều thứ hai với 12.418 ca tính đến trưa 05/04, có nghĩa là có thêm 674 người chết trong vòng 24 giờ qua. 

Theo AFP, để tiếp tục chống dịch Covid-19, ngày 04/04, thủ tướng Pedro Sanchez thông báo kéo dài thời gian phong tỏa, áp dụng « nghiêm ngặt hơn », cho đến hết ngày 25/04 vì theo ông, đây là « khoảng thời gian mà hệ thống y tế của chúng ta cần, để hồi phục ».

Ông Sanchez nhắc đến « chút hy vọng » sau ba tuần đầu phong tỏa, nhưng ông nhấn mạnh « nếu bây giờ chúng ta sao nhãng thì kết quả sẽ còn tệ hại hơn ».

Đức : Khẩn trương trợ giúp kinh tế

Song song với mặt trận y tế, đến lúc này được đánh giá là tích cực và hiệu quả ở châu Âu, nước Đức đã cho triển khai chương trình trợ giúp kinh tế rộng lớn để đối phó với những hậu quả tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Chính quyền thành phố Berlin đã chủ động mở quỹ trợ cấp cho những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch là giới nghệ sĩ, những người lao động độc lập.

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibault tường trình :

Chính quyền Berlin tuy nhiên vẫn bị chê trách. Phải mất hàng tuần mới có được hẹn để tiến hành các thủ tục cơ bản. Nhiều công trường đã tiến hành nay không thể hoàn thiện được nữa, chưa kể đến một sân bay mới đang được mong đợi từ nhiều năm.

Các nghệ sĩ, biên dịch và nhiều người lao động độc lập khác đều đang gặp khốn khổ khi thu nhập của họ đều ít nhiều bị mất vì dịch Covid-19. Nhưng thành phố Berlin đã phản ứng nhanh, lập một quỹ hỗ trợ để giúp những người này có thể tồn tại trong nhiều tuần.

Trong một thành phố không có nhiều hoạt động công nghiệp, 11% dân là người làm việc độc lập thì như vậy sức hấp dẫn của thành phố đang gặp thách thức.

Máy chủ của Ngân hàng trung ương IBB đã bị hàng chục ngàn người hết kiên nhẫn ồ ạt truy cập. Nhưng khi hồ sơ của họ đã được khai, đôi khi chỉ trong vòng 24 giờ là tiền đã được rót về tài khoản, đỡ phần nào gánh nặng cho nhiều người. 150 nghìn đơn đã được đáp ứng và 1,3 tỷ euro đã được chi cho các nghệ sĩ và nhiều người lao động độc lập.

Nhiều vùng khác cũng đã triển khai các hỗ trợ tiền tương tự và sẽ không phải hoàn trả. Chính quyền liên bang cũng đã đưa ra một chương trình dành cho những đối tượng trên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.