Vào nội dung chính
THẾ GIỚI - VŨ KHÍ HẠT NHÂN

SIPRI: Các cường quốc hạt nhân tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí

Theo một báo cáo của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI tại Thụy Điển, công bố hôm nay 15/06/2020, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của mình. SIPRI đã lên tiếng cảnh báo trước viễn cảnh “u ám” của việc kiểm soát vũ khí nguyên tử.

Bản đồ các nước sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Bản đồ các nước sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới. © Wikimedia Commons
Quảng cáo

Giám đốc chương trình kiểm soát vũ khí hạt nhân tại Viện SIPRI ông Shannon Kile, đồng tác giả bản báo cáo, báo động về việc Nga và Mỹ đã dừng đối thoại trong bối cảnh hai nước này chiếm đến hơn 90% kho vũ khí nguyên tử của thế giới. Điều này có nguy cơ dẫn đến “một cuộc chạy đua mới về vũ khí nguyên tử”.

Chuyên gia Kile nói đến tương lai của hiệp ước Mỹ-Nga New Start, đúc kết năm 2010 và sẽ hết hiệu lực vào đầu năm 2021. Đây là hiệp ước hạt nhân cuối cùng giữa hai cường quốc, nhằm mục tiêu duy trì kho vũ khí của hai bên dưới mức thời kỳ chiến tranh lạnh.

Các chuyên gia của SIPRI cũng ghi nhận rằng “các cuộc thảo luận nhằm gia hạn hiệp ước New Start đã không có tiến triển trong năm 2019”. Trong khi đó các cường quốc hạt nhân tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của mình, còn Trung Quốc và Ấn Độ thì gia tăng số lượng vũ khí hiện có.

Trung Quốc, theo các chuyên gia này, lần đầu tiên phát triển “bộ ba hạt nhân”, gồm những loai tên lửa mới có thể mang đầu đạn hạt nhân, bắn đi từ đất liền, từ trên biển và từ phi cơ.

Điều đáng ngại, theo SIPRI, là cho đến nay Trung Quốc vẫn từ chối lời mời của Mỹ tham gia vào các cuộc đàm phán về giới hạn cuộc chạy đua vũ khí.

Trong toàn cảnh đáng lo ngại kể trên, theo bản báo cáo của SIPRI, số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã giảm nhẹ trong năm qua.

Tính đến đầu năm 2020, Hoa Kỳ, Nga, Anh Quốc, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel, BắcTriều Tiên nắm giữ 13.400 vũ khí hạt nhân, tức ít hơn gần 500 so với đầu năm 2019.

Mức giảm trong những năm gần đây chủ yếu đến từ Mỹ và Nga. Nếu tương lai của hiệp ước New Start hiện nay vẫn mờ mịt, hai bên vẫn giữ những cam kết ghi trong hiệp ước.

Viện SIPRI khẳng định “lực lượng hai bên vẫn ở dưới mức giới hạn nêu trong hiệp ước”. Nhưng hai quốc gia này “đang có những chương trình lớn và tốn kém để thay thế và hiện đại hóa đầu đạn hạt nhân, hệ thống hỏa tiễn, máy bay mang vũ khí nguyên tử và các cơ sở sản xuất”.

Năm nay 2020, Hiệp Ước Không Phổ Biến Hạt Nhân (TNP) mừng sinh nhật thứ 50. Số lượng vũ khí nguyên tử đã giảm sụt nhiều từ đỉnh cao những năm 1980, từng lên đến 70.000 đơn vị. Tháng Ba vừa qua, Washington, Bắc Kinh, Matxcơva, Paris, Luân Đôn – 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đều khẳng định sự “gắn bó” với hiệp ước này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.