Vào nội dung chính
BELARUS - KHỦNG HOẢNG

Khủng hoảng Belarus: Tổ Chức OSCE đề nghị làm trung gian hòa giải

Trong bối cảnh áp lực dân chúng mỗi ngày mỗi mạnh đòi tổng thống Belarus từ chức, Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE ngày 17/08/2020 đề nghị giúp hai bên đối thoại và kiểm lại phiếu bầu. Tại chỗ, phong trào đình công lan đến lãnh vực truyền thông Nhà nước. 

Người dân Belarus biểu tình ngày 17/08/2020 sát  nhà máy sản xuất xe công cụ MZKT gần thủ đô Minsk (Belarus). Khẩu hiệu được giơ cao ghi "Loukachenko từ chức".
Người dân Belarus biểu tình ngày 17/08/2020 sát nhà máy sản xuất xe công cụ MZKT gần thủ đô Minsk (Belarus). Khẩu hiệu được giơ cao ghi "Loukachenko từ chức". REUTERS - Vasily Fedosenko
Quảng cáo

Sáng kiến của OSCE được công bố vào chiều thứ Hai 17/08/2020,  một ngày sau khi ít nhất 200.000 người tham gia cuộc xuống đường đông đảo nhất từ khi Belarus độc lập. Khủng hoảng chính trị tại Belarus cũng làm cho Liên Hiệp Châu Âu triệu tập thượng đỉnh bất thường vào ngày mai 19/08 tại Bruxelles. Lãnh đạo 27 nước thành viên sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt giới chức chính quyền Belarus vi phạm nhân quyền.

Chính phủ Đức, chủ tịch luân lưu Liên Hiệp Châu Âu, sau một thời gian do dự, đã chọn thái độ ủng hộ đối lập trước sức ép của công luận Đức.

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibault phân tích :

 "Sự im lặng của Angela Merkel là thái độ ô nhục". Lời công kích này không xuất phát từ một tờ báo triệt để chống nữ thủ tướng Đức mà là của một nhật báo bảo thủ Frankfurter Allgemeine. Thái độ kềm chế của Berlin cho đến nay được diễn giải là do e ngại không muốn đẩy Belarus vào vòng tay của Matxcơva.

Ngày hôm qua, trước hàng loạt câu hỏi chất vấn của các nhà báo, cuối cùng phát ngôn viên của thủ tướng Angela Merkel mới cho biết là đã có liên lạc với nữ ứng cử viên đối lập Belarus (Svetlana Tikhanovskaia) trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 09 tháng 08. Trái lại, Berlin bác bỏ tuyên bố của tổng thống Lukachenko, theo đó ông có điện đàm với thủ tướng  Đức hồi cuối tuần qua.

Phát ngôn viên thủ tướng Đức kêu gọi chính quyền Belarus từ bỏ dùng bạo lực đàn áp người biểu tình, trả tự do vô điều kiện những người đang bị giam cầm và tiến hành đối thoại.

Berlin đe dọa sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt của  Liên Hiệp Châu Âu đối với quan chức chế độ: "Những người biểu tình có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của Liên Hiệp Châu Âu. 27 thành viên đã đồng thuận thông qua các biện pháp trừng phạt các quan chức Belarus vi phạm nhân quyền và đương nhiên là có thể mở rộng hơn để nhắm vào các viên chức khác".

Mặt khác, Berlin cũng thẩm định rằng Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE có thể đóng vai trò quan trọng với một phái bộ có nhiệm vụ làm trung gian hòa giải và kiểm chứng kết quả bầu cử tổng thống ngày 09 tháng 08 vừa qua.

Tại chỗ, hôm nay cũng như hôm qua là hai ngày khó khăn đối với tổng thống Loukachenko. Hôm qua, dùng trực thăng đi thăm một nhà máy chế tạo Kali, ông bị hàng trăm công nhân đình công giận dữ la ó đuổi đi.

Cùng lúc đó, hai cuộc biểu tình diễn ra song song tại nhà giam chồng của nữ ứng cử viên Svetlana Tikhanovskaia và trước trung tâm tạm giam hiện còn nhốt hàng trăm người biểu tình của ngày trước.

Hôm nay, đến lượt đài truyền hình Nhà nước đình công ủng hộ phong trào đối lập. Lần đầu tiên người dân Belarus được xem phỏng vấn những người đình công.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.