Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Để ngỏ khả năng bầu cử trước kỳ hạn: Hỏa mù của tổng thống Belarus?

Đăng ngày:

Tổng thống Belarus lần đầu tuyên bố có thể bầu cử sớm, trong bối cảnh chính quyền tiếp tục trấn áp đối lập. Phim Hoa Mộc Lan quay tại vùng Tân Cương, Trung Quốc, nơi có các trại giam người Duy Ngô Nhĩ, bị tẩy chay. Cháy rừng chưa từng có ở California, bầu trời như ngày tận thế. Kênh đào Panama khô cạn, chính quyền bỏ 2 tỉ đô la để tiếp nước. Trên đây là chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

Tổng thống Belarus Alexander Loukachenko trả lời truyền thông Nga, Minsk, ngày 08/09/2020.
Tổng thống Belarus Alexander Loukachenko trả lời truyền thông Nga, Minsk, ngày 08/09/2020. © Nikolai Petrov/BelTA/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Tại Belarus, dân chúng liên tục phản kháng từ hơn một tháng nay, đòi hủy kết quả bầu cử tổng thống, bị lên án là ngụy tạo. Bế tắc chính trị. Tổng thống Loukachenko – cầm quyền với bàn tay sắt từ 26 năm nay - dường như đang tìm kiếm ngả thoát, ngoại trừ việc chấp nhận đàm phán với đối lập. Vụ bắt cóc táo tợn, hôm 07/09, cùng những đe dọa hung hãn nhắm vào bà Maria Kolesnikova, được coi là nhà đối lập tiêu biểu cuối cùng còn bám trụ ở Belarus, dường như cho thấy tổng thống Loukachenko vẫn hoàn toàn làm chủ tình thế.

Loukachenko : Quyền lực của tổng thống « quá lớn »

Tuy nhiên, bên cạnh vụ bắt cóc gây chấn động nói trên, cùng với hàng loạt vụ bắt giữ, đe dọa đối lập khác, trong tuần qua có một sự kiện đáng chú ý khác. Lần đầu tiên, tổng thống Loukachenko nêu khả năng bầu cử sớm. Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Nga, ngày 08/09/2020 (phát ngày 09/09), tổng thống Belarus thừa nhận :

« Quyền lực của tổng thống hiện nay là quá lớn. Một số quyền cần được giao phó cho các tỉnh trưởng, cho Quốc Hội. Vì vậy, tôi thiên về giải pháp tổ chức bầu cử tổng thống trước kỳ hạn. Tôi không loại trừ một khả năng như vậy ! ».

Theo nhiều nhà quan sát, đây là lần đầu tiên nhà độc tài Belarus công khai đặt vấn đề xét lại quyền lực của chính bản thân ông. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nói trên, tổng thống Loukachenko khẳng định, trước khi tổ chức bầu cử tổng thống sớm, cần cải tổ Hiến pháp. Phải chăng đây là bước lùi chiến thuật của tổng thống Belarus, một động tác tung hỏa mù ?

Mỗi Chủ Nhật hàng tuần vẫn hơn 100.000 người xuống đường, đoàn kết dưới lá cờ Trắng Đỏ truyền thống của Belarus. Biểu tình vẫn tiếp diễn, trong lúc gần như toàn bộ các gương mặt tiêu biểu của đối lập đã bị chính quyền bắt giữ hoặc gây áp lực để buộc phải ra nước ngoài tị nạn. Trước áp lực của dân chúng, trong cuộc phỏng vấn nói trên, tổng thống Belarus nhấn mạnh ông « không sợ hãi » và báo trước là cả gia đình « sẽ không lẩn trốn ». Loukachenko một lần nữa giương lá bài đe dọa phương Tây, « nếu Belarus đổ, tiếp theo sẽ là Nga », để khẳng định lòng trung thành và tầm quan trọng của ông với điện Kremlin.

Loukachenko nổi tiếng khéo đi dây giữa Nga và phương Tây. Để chống lại áp lực đường phố, tổng thống Belarus quyết định ngả sang Nga, sau một giai đoạn xích gần với phương Tây và tỏ ra hết sức cảnh giác với Matxcơva. Cải tổ Hiến pháp là một đòi hỏi của đối lập, nhưng cũng chính là yêu cầu của điện Kremlin. Ngay từ ngày 23/08, ngoại trưởng Nga đã tuyên bố « cải tổ Hiến pháp là giải pháp bền vững cho khủng hoảng chính trị tại Belarus ». Vấn đề là cải tổ theo hướng nào, và ai sẽ lãnh đạo Belarus trong giai đoạn hậu cải tổ Hiến pháp ?

Trấn áp « đối lập thân Nga » để dễ mặc cả với Matxcơva ?

Trong bối cảnh ông Loukachenko tìm cách bám lấy tổng thống Nga Putin, và nhiều khả năng chính quyền Minsk sẽ chấp nhận những nhượng bộ lớn với Matxcơva để đổi lấy sự ủng hộ (kể cả việc hợp nhất với Nga, theo điều kiện của Matxcơva), vấn đề vai trò của đối lập thân Nga tại Belarus nổi lên hàng đầu.

Nhà đối lập Maria Kolesnikova, người bị bắt cóc đầu tuần, chính là người lãnh đạo chương trình tranh cử của cựu ứng cử viên tổng thống Belarus, ông Viktor Babaryko. Ông Babaryko, bị bắt hồi tháng 6/2020, nguyên lãnh đạo một chi nhánh của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom, được biết như « một doanh nhân thân cận với điện Kremlin ».

Chấp nhận cải tổ Hiến pháp theo đòi hỏi của Nga, cùng lúc để an ninh bắt cóc nhà đối lập thân Nga, tổng thống Belarus dường như đang tỏ ra vừa nhu, vừa cương với Matxcơva. Nhân nhượng Nga, nhưng bịt miệng đối lập thân Nga để bám trụ, để trở thành người duy nhất lãnh đạo Belarus, mà điện Kremlin có thể chấp nhận. Tuy nhiên, vụ bắt cóc nhà đối lập Kolesnikova, và nỗ lực đẩy bà sang Ukraina không thành, đã một lần nữa phơi bày thái độ hèn yếu, sự cô lập và tình trạng bế tắc của chính quyền Loukachenko. 

Vấn đề là : trong cuộc mặc cả sắp tới, điện Kremlin có chấp nhận một lãnh đạo như vậy ? Và nếu điện Kremlin chấp nhận nhà độc tài Loukachenko, nhưng dân chúng không chấp nhận, tương lai Belarus sẽ ra sao ?

Tẩy chay « Hoa Mộc Lan », biểu tượng của điện ảnh thần phục Bắc Kinh

Đầu tháng 9/2020, bộ phim Hoa Mộc Lan (Mulan), do Disney sản xuất, ngay khi phát hành trên mạng đã gây ra một làn sóng tẩy chay. Phong trào tẩy chay « Hoa Mộc Lan » đặc biệt thu hút các nhà tranh đấu Hồng Kông, Đài Loan và Thái Lan, với hashtag #BoycottMulan. Lý do : các nhà tranh đấu vì nhân quyền phát hiện trong phim những lời cảm ơn mà hãng gửi đến công an, chính quyền ở Tân Cương, khu tự trị tây bắc Trung Quốc, nơi từ nhiều năm nay bị tố cáo giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại giam trá hình là trại học nghề.

Từ nhiều năm nay giới nhân quyền, thường xuyên tố cáo việc chính quyền Trung Quốc đàn áp tàn bạo sắc dân thiểu số Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi, bằng đủ mọi hình thức khác nhau, từ giam giữ, tra tấn, lao động khổ sai, buộc theo các khóa học tẩy não, hay triệt sản đối với phụ nữ... Mục tiêu của Bắc Kinh là Hán hóa vùng đất quê hương của sắc tộc Duy Ngô Nhĩ.

Báo Washington Post tố cáo hãng phim Disney cảm ơn công an, cơ quan tuyên huấn ở Tân Cương, vốn nổi tiếng là « một trong những nơi xâm phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên hành tinh ». Họa sĩ Trung Quốc Baduicao lưu vong, sống tại Melbourne, vẽ nhân vật Hoa Mộc Lan trong phim thành cai tù trong một trại cải tạo ở Tân Cương. Họa sĩ Baduicao tố cáo Disney giả dối, khi một mặt ủng hộ phong trào chống bất công xã hội ở phương Tây, như MeToo hay Black Lives Matter, trong lúc nhắm mắt trước những xâm phạm nghiêm trọng ở Trung Quốc. Tất cả chỉ vì thị trường béo bở hơn một tỉ dân. Và không chỉ hãng phim Disney làm điều này.

Hôm thứ Sáu 11/09, Hoa Mộc Lan ra rạp tại Trung Quốc, từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gửi về bài phóng sự :

« Quý vị có thể mua đồ ăn và thức uống tại đây. Nhân viên của rạp kín đáo nói. Trên quầy hàng của rạp có nhiều gói phồng tôm. Rõ ràng là một số chủ rạp phim đã quyết định tỏ ra linh hoạt với các biện pháp phòng dịch. Khi vào rạp không phải kiểm tra nhiệt độ, cũng không có việc dành khoảng cách giữa các ghế ngồi tại tổ hợp giải trí này ở Bắc Kinh.

Tuy nhiên, toàn bộ khách trong rạp chỉ có 11 người. Nữ sinh viên Ju Wang nhận xét : ‘‘Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến rạp kể từ 6 tháng nay. Tôi muốn xem cuộc đời của Hoa Mộc Lan, diễn viên Lưu Diệc Phi (Liu Yifei) quả là tuyệt vời’’. Sự có mặt của Củng Lợi (Gong Li) và Lưu Diệc Phi, hai diễn viên, hai nhân vật trong phim, cũng là điều kích thích các khán giả lứa tuổi 30 đến rạp. Một nữ khán giả bày tỏ : ‘‘Bộ phim này thật là hay, phim mang lại cho con gái chúng tôi nguồn sức mạnh’’.

Các cảnh chiến trận hùng tráng, với phông nền là những ngọn núi huyền thoại và đất cát khô cằn khu tự trị Tân Cương, đã được quay không xa các trại cải tạo giam giữ người Duy Ngô Nhĩ. Đây là điều mà những người lên án bộ phim cho biết.

Việc bộ phim gây phản ứng dữ dội ở nước ngoài khiến cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc quyết định hạn chế việc quảng cáo trên truyền thông cho việc ra mắt bộ phim. Tuy nhiên, một khán giả - nhân viên ngân hàng - khẳng định đã không hề biết là bộ phim bị kêu gọi tẩy chay, cũng như bị kiểm duyệt. Khán giả này đến rạp để xem chuyện đời của Hoa Mộc Lan, người con gái ra chiến trường thay cha già.

Anh nói :  ‘‘Hoa Mộc Lan là một huyền thoại, liên quan đến lịch sử Trung Quốc. Đây là một bộ phim yêu nước : Hoa Mộc Lan chiến đấu vì đất nước ! Chắc chắn là các phép thuật của Củng Lợi và một số chi tiết trong câu chuyện đã bị phóng đại. Tuy nhiên đây là điện ảnh’’.

Một số bình luận cho rằng phim không thật là Trung Quốc (trên mạng Douban, bộ phim nhận được 4,7 điểm trên 10). Tuy nhiên, bộ phim đã chiếm tới 55% toàn bộ số vé bán ra trong ngày thứ Sáu này, tức ngày đầu tiên Hoa Mộc Lan ra mắt ».

Thái độ với phim Hoa Mộc Lan thể hiện sự phân hóa sâu sắc trong xã hội Trung Quốc. Phong trào lên án bộ phim thu hút nhiều người tham gia phản đối, khi nữ diễn viên Lưu Diệc Phi, thủ vai chính Hoa Mộc Lan, ủng hộ việc cảnh sát Hồng Kông đàn áp người biểu tình đòi dân chủ. Nhiều người cho rằng « nhân vật Hoa Mộc Lan thực thụ » phải là thiếu nữ quả cảm người Hồng Kông Chu Đình (Agnes Chow), 26 tuổi, một trong các nhà tổ chức phong trào dân chủ Dù Vàng của giới trẻ Hồng Kông năm 2014. Tháng 8/2020, cô Chu Đình bị bắt sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia với Hồng Kông.

California : Cháy rừng chưa từng có, « bầu trời như ngày tận thế »

Hơn 3 tuần nay, thần lửa hoành hành tại California. Hơn 302.000 hecta rừng bị thiêu trụi, điều chưa từng thấy trong lịch sử. Hơn 500.000 người phải sơ tán. Hơn 20.000 lính cứu hỏa được huy động dập lửa ngày 11/09. Ít nhất 16 người chết trong tuần qua.

Phóng sự của thông tín viên Eric de Salve từ San Francisco :

« Cứ như thể là mặt trời gần như không còn mọc ở San Francisco. Đêm tối giữa ban ngày. Michael bàng hoàng quan sát cả một biển khói mênh mông mầu nâu đỏ nhấn chìm thành phố California trong màn đêm. Ông nói : cứ như cảnh tượng ngày tận thế. Cứ như là đang xem phim của Ridley Scott. Bây giờ là 13g30, mà tất cả các loại xe hơi đều phải bật đèn. Thật là điên rồ.

Xa hơn một chút là Andrea, ngồi trên một chiếc ghế băng, theo dõi tro bụi từ trên trời rơi xuống, đầy lo âu. Khi tỉnh dậy vào sáng nay, người bảo mẫu này tưởng cô bị nhầm giờ. Cô nói : tôi cứ nghĩ là mới 5 giờ sáng, chứ không phải 7 giờ. Thật không thể nào tin nổi. Thật vô cùng đáng buồn. Khô hạn liên tục trong những năm gần đây là do tình trạng khí hậu bị hâm nóng. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Tôi đã sống ở đây từ lâu, và tôi thấy mỗi năm một tệ hơn.

Hỏa hoạn và đại dịch Covid-19 : có nhiều lý do để không nên rời nhà. Một cư dân nhận xét, trong khi chụp hình bầu trời thành phố San Francisco báo hiệu những điều đáng sợ. Người dân này đã liên tục sống trong nhà kể từ tháng 3, do đại dịch ».

Điểm đáng ngạc nhiên là đợt cháy rừng lịch sử ở miền tây Hoa Kỳ, kéo dài và xảy ra trước nhiều so với dịp cháy rừng hàng năm, gần như đã không được nhắc đến trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, cả từ phía tổng thống mãn nhiệm, lẫn đối thủ đảng Dân Chủ (bài « Biến đối khí hậu, chủ đề quan trọng vắng mặt trong cuộc tranh cử tại Mỹ », của AP ngày 11/09/2020).

Mỗi bên, vì lý do riêng, đều thấy bất lợi. Ông Donald Trump khó mở thêm « mặt trận mới », trong bối cảnh đang đương đầu với nhiều khủng hoảng, đặc biệt là Covid-19, thất nghiệp, rối loạn xã hội. Về phần mình, ê-kíp tranh cử của ứng viên Joe Biden không muốn tỏ ra hưởng ứng toàn bộ cương lĩnh chống biến đổi khí hậu triệt để (Green New Deal), vì sợ mất phiếu tại vùng Trung Tây Hoa Kỳ (Midwest).

Theo giáo sư Rebecca Katz, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng, cũng là một nhà tư vấn chính trị, « các chính trị gia Dân Chủ phạm sai lầm chính trị, khi không chỉ ra mối liên hệ giữa những gì diễn ra ở bờ Tây nước Mỹ và thất bại của ông Donald Trump trong vấn đề biến đổi khí hậu ».

Trong một thăm dò của Pew Research Center tại 14 quốc gia phát triển, trong đó có Mỹ, công bố đầu tháng 9, Trái đất bị hâm nóng là hiểm họa số một (trung bình 70% người được hỏi), đứng trên cả dịch bệnh (69%). Tuy nhiên, riêng tại Mỹ, đe dọa Khí hậu xếp hàng thứ 5 (62%), sau các nguy cơ dịch bệnh (78%), chiến tranh tin học (74%), khủng bố (69%) và vũ khí hạt nhân (65%).

Kênh đào Panama cạn nước

Khí hậu Trái đất bị hâm nóng khiến kênh đào xuyên hai biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương thiếu nước trầm trọng. Theo Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama, con kênh huyết mạch của vận tải biển thế giới này thiếu đến một phần ba lượng nước mới có thể vận hành được bình thường.

Hôm 08/09/2020, Cơ quan Quản lý Kênh đào ra thông báo gọi thầu, để bảo đảm cung cấp « tối thiểu 1,4 tỉ mét khối nước bổ sung » cho con kênh dài 77 cây số - nơi 3,5% lưu lượng vận tải biển quốc tế qua lại hàng năm. Các khách hàng chính của kênh Panama là Mỹ, Trung Quốc, và Nhật Bản. Năm 2019, tổng lượng hàng hóa qua kênh đào là hơn 450 triệu tấn, mang lại hơn 3,3 tỉ đô la cho Cơ quan quản lý. Kênh đào Panama hoạt động từ năm 1914, cho phép tàu thuyền từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương tiết kiệm được một chặng đường dài.

Nguyên do trực tiếp của việc thiếu nước là do mưa không đủ. Năm 2019, hồ chứa nước của kênh chỉ nhận được 3 tỉ mét khối nước, thay vì 5,2 tỉ như thường lệ, lượng nước giúp cho kênh có thể vận hành bình thường. Cơ quan quản lý kênh cho biết sẽ đầu tư khoảng 2 tỉ đô la cho dự án cấp nước, bao gồm nhiều biện pháp, như bơm nước từ các mạch nước ngầm, lọc nước biển để sử dụng…

Hệ thống kênh đào Panama, bao gồm hàng loạt âu thuyền khổng lồ, cần rất nhiều nước để vận hành. Mỗi lần tàu đi qua, cần một lượng nước tương đương với 75 bể bơi thế vận hội, để nâng tàu từ mực nước biển lên kênh đào. Nhờ các cải tiến kỹ thuật gần đây, hơn một nửa lượng nước này có thể được tái sử dụng, nhưng lượng nước mất đi vẫn rất lớn, gần 30 bể bơi nước ngọt mỗi lần tàu qua, theo BBC Mundo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.