Vào nội dung chính
ARMENIA - AZERBAIJAN - LIÊN HIỆP QUỐC

Thượng Karabakh: Liên Hiệp Quốc kêu gọi chấm dứt ngay chiến sự

Trong bối cảnh chiến sự bùng lên dữ dội từ nhiều ngày qua giữa lực lượng ly khai ở vùng Thượng Karabakh được Armenia hậu thuẫn với quân đội Azerbaijan, vào hôm nay 30/09/2020, thủ tướng Armenia Nikol Pachinian cho rằng vẫn còn quá sớm để mở hòa đàm với Azerbaijan, dưới sự bảo trợ của Nga - cường quốc khu vực. Tuyên bố dè dặt của lãnh đạo Armenia được đưa ra một hôm sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố kêu gọi các bên đình chỉ ngay các trận đánh.

Một người đàn ông ra khỏi hầm trú bom tạm thời ở làng Sahlabad, ngoại ô thành phố Tartar, Azerbaijan, ngày 29/09/2020.
Một người đàn ông ra khỏi hầm trú bom tạm thời ở làng Sahlabad, ngoại ô thành phố Tartar, Azerbaijan, ngày 29/09/2020. AFP - TOFIK BABAYEV
Quảng cáo

Theo hãng tin Nga Interfax, trả lời báo chí Nga, thủ tướng Armenia Nikol Pachinian xác định: “Nói đến một hội nghị thượng đỉnh ba bên Armenia-Azerbaijan-Nga không thích hợp chút nào khi các cuộc giao tranh dữ dội đang diễn ra”. Đối với ông Pachinian, “để đàm phán, cần phải có bầu không khí và điều kiện thích hợp”.

Kể từ Chủ Nhật 27/09, lực lượng vùng ly khai Thượng Karabakh, được Armenia hỗ trợ về mặt chính trị, quân sự và kinh tế, đã giao tranh dữ dội với quân chính phủ Azerbaijan, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng.

Armenia vào hôm qua 29/09 cho biết một chiến đấu-oanh tạc cơ của Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ cho quân đội Azerbaijan đã bắn hạ một máy bay quân sự của Armenia, điều Ankara và Baku phủ nhận ngay lập tức. Một sự can thiệp quân sự trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn, có nguy cơ kéo Nga vào vòng chiến.

Tình hình chiến sự tại khu vực Thượng Karabakh đã khiến quốc tế hết sức lo ngại và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 29/09/2020, đã yêu cầu các bên "chấm dứt ngay" xung đột.

Thông tín viên RFI, Carrie Nooten, tường thuật từ New York :

Chiến sự leo thang giữa lực lượng ly khai vùng Thượng Karabakh và quân lính Azerbaïjan gây lo ngại ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vì bùng lên ở một vùng then chốt, nơi mà các ống dẫn dầu trọng yếu đối với các thị trường dầu hỏa và khí đốt thế giới đi qua.

Nước Nga, từ lâu nay đã bán vũ khí cho cả 2 phe, được kêu gọi khuyến khích các bên ngưng chiến, trong lúc mà Ankara, phe hỗ trợ cho Azerbaïdjan, bị tình nghi là đã gởi lính đánh thuê từ Syria qua tham chiến. Vào hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ bị tố cáo là đã bắn hạ một máy bay của Không Quân Armenia. Ngay lập tức Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận điều này. Các nhà ngoại giao ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc biết rõ là tình hình căng thẳng có nguy cơ leo thang rất nhanh, điều mà họ từng thấy nhiều lần ở Syria hay Libya, và đã quyết định hành động ngay lập tức.

Bản tuyên bố chung ghi rõ : “Các thành viên Hội Đồng Bảo An lên án nghiêm khắc việc sử dụng vũ lực và lấy làm tiếc về thiệt hại nhân mạng của thường dân, theo lời khẳng định của đại sứ Niger Abdou Abarry, chủ tịch Hội Đồng Bảo An. Hội Đồng Bảo An ủng hộ lời kêu gọi của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu cả hai phe lâm chiến ngưng ngay lập tức các trận đánh, giảm căng thẳng và nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán mang tính xây dựng”.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định "hoàn toàn ủng hộ" Mỹ, Nga và Pháp, các đồng chủ tịch của Nhóm Minsk thuộc Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE, và cam kết làm việc trực tiếp với các nhà ngoại giao của Azerbaïjan và Armenia ở New York, nếu tình hình không được cải thiện.y

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.