Vào nội dung chính
PHÁP - NGA - BELARUS

Putin điện đàm với Macron và cảnh báo ‘không thể chấp nhận’ việc can thiệp vào Belarus

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua 30/09/2020 khi điện đàm với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron về vấn để Belarus, đã nói rằng mọi ý định can thiệp vào công việc của một quốc gia có chủ quyền là « không thể chấp nhận được ».

Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron qua cầu truyền hình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron qua cầu truyền hình. via REUTERS - Sputnik Photo Agency
Quảng cáo

Điện Kremlin nhấn mạnh, đó là quan điểm mang tính nguyên tắc của Nga. Cuộc nói chuyện giữa hai nguyên thủ diễn ra sau khi tổng thống Pháp tiếp khuôn mặt hàng đầu của đối lập Belarus, bà Svetlana Tikhanovskaia tại thủ đô Litva, tuy nhiên thông cáo của Kremlin không hề nhắc đến sự kiện này.  

Tổng thống Emmanuel Macron chủ trương đối thoại với Nga, quan điểm này đôi khi bị các đồng minh Liên Hiệp Châu Âu chỉ trích. Tuy nhiên gần đây ông Macron đã xích gần lại chính sách cứng rắn của Đức, nhất là từ khi bộ Ngoại Giao Pháp tuyên bố việc đầu độc nhà đối lập Alexei Navalny là « hành vi tội phạm ».

Về hồ sơ Belarus, từ Litva tổng thống Pháp hứa giúp hòa giải cuộc khủng hoảng chính trị tại Minsk, nơi hàng tuần người dân vẫn biểu tình đông đảo chống lại tổng thống Loukachenko, đã tại vị sáu nhiệm kỳ. Ông Macron cho biết : « Mục tiêu là một sự chuyển đổi hòa bình, thả các tù nhân chính trị, và tổ chức bầu cử tự do dưới sự giám sát của quốc tế ». Tổng thống Macron nói rằng quan hệ với Nga lâu nay đã căng thẳng hơn do Matxcơva can thiệp vào Ukraina, nhưng ông cũng muốn có một dạng bình thường hóa.

EU kêu gọi Chypre không phủ quyết về việc trừng phạt Belarus

Về phía Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm nay 01/10/2020 cố gắng ra khỏi ngõ cụt trong hồ sơ Belarus. Họp thượng đỉnh hai ngày tại Bruxelles, các nhà lãnh đạo sẵn sàng tỏ ra cứng rắn với Chypre – một trong những quốc gia thành viên nhỏ nhất của EU.

Chypre đã bác bỏ quyết định trừng phạt Belarus của Liên Âu, đòi hỏi trước hết phải trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì vấn đề khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải. Các nhà ngoại giao cho rằng do cần có sự đồng thuận của cả 27 nước thành viên trong mọi quyết định, nên những ngáng trở kiểu này làm mất đi tính khả tín của toàn khối.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.