Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Mùa Nobel kết thúc hoàn hảo với WFP/PAM đoạt giải Hòa Bình 2020

Đăng ngày:

Sau các giải về y học, vật lý, hóa học và văn học, mùa trao giải Nobel đã kết thúc hôm thứ Sáu 09/10/2020 với việc công bố danh tánh giải Nobel Hòa Bình năm 2020. Tại Viện Nobel ở Oslo, thủ đô Na Uy, trước một cử tọa rất thưa thớt vì dịch Covid-19 vẫn hoành hành, bà chủ tịch Ủy Ban Nobel Na Uy đã xướng tên Giải Nobel năm nay: Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc – World Food Program (WFP) theo tiếng Anh hay Programme Alimentaire Mondial (PAM) theo tiếng Pháp.

Ảnh minh họa: Giải Nobel Hòa Bình 2020 về tay Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc – World Food Program WFP / Programme Alimentaire Mondial PAM.
Ảnh minh họa: Giải Nobel Hòa Bình 2020 về tay Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc – World Food Program WFP / Programme Alimentaire Mondial PAM. © Reuters
Quảng cáo

Việc chọn một tổ chức để trao giải được xem là một quyết định khôn ngoan, vì lẽ việc vinh danh một cá nhân luôn hàm chứa rủi ro.

Khả năng rủi ro khi trao giải Nobel Hòa Bình

Gần đây nhất là vào năm ngoái, với thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed được trao giải nhờ đã kết thúc cuộc chiến tranh với láng giềng Eritrea, nhưng hiện nay lại bị cuốn vào cuộc tranh chấp trên đất nước của mình, và đã quyết định hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử.

Xa hơn là trường hợp nhà đấu tranh nhân quyền Miến Điện Aung San Suu Kyi, đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1991, nhưng sau này lại trở thành một lãnh đạo nhắm mắt làm ngơ trước nạn diệt chủng người Rohingya trong nước.

Riêng về Chương Trình Lương Thực Thế Giới, việc tổ chức này được trao giải được cho là rất xứng đáng. Bảng vàng của Ủy Ban Nobel Na Uy ghi nhận các “nỗ lực chống nạn đói, đóng góp vào việc cải thiện điều kiện hòa bình ở các khu vực bị chiến tranh ảnh hưởng và vai trò hàng đầu trong nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh.”

Giải Nobel đã đến rất bất ngờ với giám đốc điều hành Chương Trình Lương Thực Thế Giới David Beasley, người Mỹ. Phản ứng ngay sau khi biết tin, ông không che giấu sự sửng sốt, nhưng rất phấn khởi:

Quả là lần đầu tiên trong đời mà tôi bị nghẹn nói không ra lời. Tuyệt vời thật ! Đây chính là điều gọi là phấn khích nhất có thể xảy ra trong đời ! Một giải Nobel Hòa Bình !

Và đó là nhờ đại gia đình của Chương Trình Lương Thực Thế Giới. Họ luôn ở hiện trường, tại những nơi xa xôi hẻo lánh nhất, những nơi có chiến tranh, những nơi bị thiên tai khắc nghiệt nhất. Dù khó khăn đến mấy họ cũng có mặt ! Họ xứng đáng được giải thưởng này.

Waouh ! Đến giờ tôi vẫn chưa tin nổi rằng đó là sự thật.

WFP/PAM: Tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới

Phải nói là logo của Chương Trình Lương Thực Thế Giới đã trở thành biểu tượng ở một số vùng nhất định trên hành tinh. Trên những chiếc xe tải chở lương thực viện trợ, trên những bao gạo, những hộp sữa mẹ, trong những khu trại dành cho những người phải di dời, ở hàng chục quốc gia, hình bàn tay cầm một bắp ngô được những cành ô liu bao bọc đồng nghĩa với hy vọng, hy vọng có được một bữa ăn.

Chương Trình Lương Thực Thế Giới tự giới thiệu mình là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới. Bộ máy khổng lồ này của Liên Hiệp Quốc bao gồm 17.000 nhân viên, ra đời vào đầu những năm 1960. Năm 2019, WFP/PAM đã cung cấp viện trợ cho 97 triệu người ở 80 quốc gia, tổng cộng là 15 tỷ khẩu phần thực phẩm.

Thiên tai, chiến sự, di dời dân cư, WFP/PAM can thiệp bằng các biện pháp tinh vi. Mỗi ngày đều có 5.000 chiếc xe tải, 20 chiếc tàu và 92 chiếc máy bay hoạt động trên hiện trường để cung cấp thực phẩm cho những người dân gặp nạn.

Tổ chức cũng đang chiến đấu nhằm ngăn không cho một số người sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh. Điều này đã trở thành một trong những hướng hoạt động chủ đạo của tổ chức. Tuy nhiên, với ngân sách 8 tỷ đô la mỗi năm, WFP/PAM không có đủ phương tiện để ứng phó với mọi cuộc khủng hoảng. Và các nhà lãnh đạo của tổ chức thường xuyên phàn nàn rằng họ gặp khó khăn trong việc huy động tài chánh. Vì mọi thứ đều phụ thuộc vào tình đoàn kết quốc tế và các nhà tài trợ.

Trong bối cảnh đó, giải Nobel Hòa Bình có lẽ sẽ giúp nhiệm vụ của Chương Trình Lương Thực Thế Giới  dễ dàng hơn một chút trong tương lai.

Thượng Karabakh: Azerbaijan và Armenia vừa đánh vừa đàm

Vào lúc Na Uy nổi lên thành tâm điểm của hòa binh thế giới với lễ công bố giải Nobel Hòa Bình, tại vùng Thượng Karabakh, chiến sự vẫn diễn ra giữa Quân Đội Azerbaijan và lực lượng ly khai người Armenia, Cộng Hòa Armenia ủng hộ.

Bùng lên từ cuối tháng 9, tính đến sáng ngày 09/10, chiến sự đã khiến cho hơn 400 người chết theo các số liệu chính thức, trong số này có 22 thường dân Armenia và 31 người Azerbaijan. Tuy nhiên, số thương vong có thể cao hơn nhiều, với việc bên nào cũng loan báo là đã loại bỏ được hàng nghìn binh sĩ đối phương. Các cuộc giao tranh đã lan rộng trong những ngày gần đây với các cuộc pháo kích vào các khu vực đô thị ở cả hai bên.

Theo ông Thorniké Gordadze, giảng viên trường khoa học chính trị Sciences Po Paris, cựu bộ trưởng Gruzia chịu trách nhiệm về hội nhập châu Âu, tương quan lực lượng hiện có phần bất lợi cho Armenia. Trả lời ban tiếng Pháp RFI, ông Gordadze phân tích:

Thorniké Gordadze: Azerbaijan đã tăng cường đang kể lực lượng quân sự của mình trong những năm gần đây. Ngân sách quân sự của Azebaijan cao hơn Armenia gấp 4 lần. Tuy nhiên, trên bình diện địa chiến lược, sau cuộc chiến năm 1994, phía Arménia đã chiếm được trên thực địa nhiều vị trí giúp họ có ưu thế.

Nhưng về phương diện kinh tế và chính trị, Azerbaijan đã thay đổi được phần nào tương quan lực lượng. Trên mặt kinh tế, trong những năm 1990, nước này đã trở nên giầu có hơn, đặc biệt nhờ vào việc xuất khẩu dầu khí. Azerbaijan hiện là nước giầu nhất trong khu vực, cho phép họ vừa tăng cường một cách đáng kể tiềm lực quân sự, vừa liên minh được với nhiều nước trong thế giới Hồi Giáo ở ngoài lục địa châu Âu, và nhất là củng cố quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Xung đột bùng lên trở lại tại vùng Thượng Karabakh đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại, và các cường quốc đã liên tiếp kêu gọi các chính quyền Armenia và Azerbaijan đối thoại với nhau. Tuy nhiên, phải chờ đến ngày 09/10 mới có một cuộc tiếp xúc đầu tiên tại Matxcơva giữa hai ngoại trưởng Azerbaijan và Armenia, theo lời mời của Nga, nước nằm trong nhóm Minsk còn có cả Mỹ và Pháp, chịu  trách nhiệm làm trung gian hòa giải giữa các phe lâm chiến.

Sức ép của Nga như đã có hiệu quả, và sau cả chục tiếng đồng hồ thương thuyết, ngày 10/10 hai bên tranh chấp tại vùng Thượng Karabakh đã đồng ý trên một thỏa thuân ngừng bắn, trên nguyên tắc có hiệu lực từ 12 giờ trưa cùng ngày.

Theo giáo sư Gordadze, trong tình hình hiện nay, các cường quốc phải dấn thân mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy một hòa ước lâu bền hơn giữa hai bên, với việc tạm dừng xung đột là một tiền đề tốt cho đối thoại.

Thorniké Gordadze :  Điều kiện đầu tiên là phải chấm dứt những cuộc xung đột. Người ta dĩ nhiên có thể vừa đánh vừa đàm, nhưng trong trường hợp đó, các cuộc đàm phán sẽ thực sự bị tình hình chiến sự ảnh hưởng.

Để bảo đảm những cuộc đàm phán êm thắm, các cường quốc khu vực, cụ thể là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ, cũng cần năng nổ hơn để thúc đẩy các phe hướng tới một hiệp ước hòa bình đích thực. 26 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1994, 28 năm kể từ khi nhóm Minsk (gồm Nga, Pháp, Mỹ) tồn tại (từ năm 1992), nhưng những nỗ lực thúc đẩy hòa bình đều không đi đến đâu. Đó cũng là nguyên nhân khiến xung đột bùng phát trở lại cách nay vài ngày.

Chúng ta không thể tiếp tục im lìm thêm nhiều năm nữa, mà phải tiến bước trong quá trình đàm phán.

Phụ nữ Belarus đi đầu trong phong trào chống Loukachenko

Về tình hình Belarus, một điểm nóng khác của châu Âu, lãnh đạo phe đối lập Belarus tiếp tục chuyến công du châu Âu. Svetlana Tikhanovskaia, đã có mặt ở Berlin hôm 06/10 để tiếp xúc với thủ tướng Đức Angela Merkel, sau đó một ngày bà đã ra điều trần trước Quốc Hội Pháp tại Paris với thông điệp: Phải tiếp tục gây áp lực chống lại chế độ Loukachenko.

Tại Belarus, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục ở Minsk và trên khắp đất nước để tố cáo cuộc bầu cử gian lận. Sau khi ba nhà đối lập chủ chốt bị bắt, chính phụ nữ đã vươn lên đẫn đầu phong trào phản đối. Họ vừa là phát ngôn viên, vừa là nòng cốt trong các cuộc tuần hành mang hai màu trắng đỏ diễn ra vào Chủ Nhật hàng tuần.

Ở quốc gia láng giềng Lítva, nơi Svetlana Tikhanovskaia tị nạn, thông tín viên RFI  Marielle Vitureau đã gặp những đối thủ kiên quyết này và gởi về phóng sự sau đây:

"Cuộc bầu cử đã xong từ cách nay hai tháng, nhưng cô Hanna tối nào cũng đến biểu tình trước đại sứ quán Belarus. Cô đã từ Minsk, thủ đô Belarus qua sinh sống ở Vilnius từ 5 năm nay, và chính tại thành phố này mà gần đây cô đã học được một câu nói mới « Belarus muôn năm ».

Cô gái đã chia sẻ : « Đối với tôi câu Zhyvie Belarus có nghĩa là được độc lập, được tự do bày tỏ ý kiến ​​của mình, tự do trở thành chính mình ở đây, ở Vilnius, mà không sợ bị giam giữ. »

Tại một nơi chỉ cách biên giới Belarus ba mươi cây số, những người Belarus hiểu rõ là họ không còn nhiều thời gian để lật đổ tổng thống Alexandre Loukachenko. Tatiana Tchulitskaia là giảng viên môn khoa học chính trị tại đại học. Đối với bà, kinh tế sẽ là yếu tố đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ.

Trong hai tháng vừa qua, người Belarus đã tự đứng lên nắm lấy vận mệnh của mình. Bây giờ họ như đã thành lập một quốc gia có chủ quyền trên thực tế. Theo bà Tatiana Shtchhittosva, giáo sư đại học về môn triết học ở Belarus đang sống lưu vong tại Vilnius, thì phong trào phản đối và lệnh trừng phạt của châu Âu sẽ không đủ để đánh đuổi Loukachenko.

Theo bà: « Cộng đồng quốc tế có thể buộc chính quyền Belarus mở đối thoại với xã hội dân sự. Có nhiều biện pháp ngoại giao để đảm bảo sao cho tất cả quyền lực không tập trung vào tay một vài người... Giới quyền thế tại Belarus không thuần nhất như vậy. »

Ngày 11/08 vừa qua, Vilnius tiếp đón nhà đối lập Svetlana Tikhanovskaia. Kể từ lúc đó, bà đã gia tăng các cuộc tiếp xúc quốc tế.

Theo ngoại trưởng Lítva Linas Linkevicius, đó là một điều tốt : « Bà Svetlana Tikhanovskaia nhấn mạnh rằng mục tiêu của bà cũng như của Ủy Ban Điều Phối quá trình chuyển tiếp là thúc đẩy tiến trình dân chủ đi đúng hướng thông qua việc bầu ra một tổng thống mới được cộng đồng quốc tế công nhận. Do đó, điều quan trọng là chúng tôi phải công nhân tính chính đáng của bà cũng như ủy ban của bà, và tất cả các cuộc tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia đều mang lại cho bà tính chính đáng đó ».

Toàn thể xã hội Lítva cũng đang giúp đỡ phong trào đấu tranh Belarus. Chính quyền Vilnius đã cấp hơn 300 thị thực nhập cảnh vì lý do nhân đạo và Đại Học Vilnius vừa tạo ra loại học bổng Đại Công Quốc Litva dành cho các sinh viên Belarus đang gặp khó khăn."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.