Vào nội dung chính
BẦU CỬ TÔNG THỐNG MỸ 2020

Kiện tụng bầu tổng thống Mỹ: Kẽ hở hệ thống giúp Trump đảo ngược thế cờ?

Nước Mỹ đang trong tình thế đặc biệt. Cuộc bầu cử tổng thống 2020 kết thúc. Theo kết quả sơ bộ, ứng viên Dân Chủ Joe Biden đắc cử. Ứng viên Donald Trump, tổng thống sắp mãn nhiệm, liên tục phủ nhận thất bại, cáo buộc nhiều gian lận trong bỏ phiếu, nhưng không đưa bằng chứng. Liệu phe Cộng Hòa còn cơ hội đảo ngược tình thế ? 

Ảnh minh họa: Tối Cao Pháp Viện Mỹ.
Ảnh minh họa: Tối Cao Pháp Viện Mỹ. AFP / Karen Bleier
Quảng cáo

Trang mạng Le Monde hôm nay 12/10/2020, có đăng tải bài phân tích của bà Eleonora Bottini, giáo sư về luật công, Đại học Caen Normandie, Pháp, nhấn mạnh đến kẽ hở của hệ thống chính trị Mỹ mà phe của tổng thống Donald Trump có thể khai thác. Mục Theo dòng thời sự của RFI xin giới thiệu. 

***

Trong bài phân tích mang tựa đề « Các khiếu kiện của Trump lên Tối Cao Pháp Viện nhằm xác định định chế nào là nơi phân xử các tranh chấp liên quan đến bầu cử Mỹ », giáo sư luật Eleonora Bottini ghi nhận « một không khí căng thẳng gần như chưa từng thấy trong lịch sử chính trị Mỹ », khi tổng thống sắp mãn nhiệm kiên quyết không rời bỏ quyền lực, bất chấp khoảng cách về phiếu bầu đại cử tri rất lớn, và việc đảo ngược tình thế được coi là rất ít có khả năng xảy ra. 

Phe của tổng thống Trump ngay từ trước bầu cử đã tiến hành hàng loạt vụ kiện lên tư pháp để phản đối thể thức bầu cử tại các bang. Trong đa số các vụ kiện trước ngày bầu cử 03/12/2020, tư pháp Hoa Kỳ đã không chấp nhận đòi hỏi của phe Cộng Hòa. Các thẩm phán liên bang đã chấp thuận việc bỏ phiếu qua thư tại Pennsylvania (mà tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Joe Biden rất lớn qua con đường này, được coi là quyết định cho thắng lợi của ứng viên Dân Chủ). Tòa Án Tối Cao của bang Texas cũng cho phép bỏ phiếu qua các trạm bưu điện. Tòa Án Tối Cao của Pennsylvania cũng cho phép chấp nhận phiếu bầu qua thư, được gửi đến 4 ngày sau ngày bầu cử, với điều kiện thư gửi đóng dấu bưu điện ngày 03/11/2020. 

Hai giải pháp

Hiện tại, phe Cộng Hòa tiếp tục tiến hành nhiều vụ khiếu kiện tại các bang, và khiếu nại cũng được gửi lên Tối Cao Pháp Viện Liên Bang. Theo giáo sư Eleonora Bottini, hệ thống chính trị hiện nay của Hoa Kỳ có những khoảng trống và vùng mờ, mà bên phản đối có thể khai thác.

Hệ thống chính trị dân chủ pháp quyền của mỗi quốc gia không phải là một cỗ máy hoàn hảo có sẵn, chỉ cần áp dụng để vận hành, mà là sản phẩm của các quá trình lịch sử, khác biệt tùy theo quốc gia, địa phương. Tam quyền phân lập, sự phân biệt giữa « lĩnh vực tư pháp » và « lĩnh vực chính trị » không phải lúc nào cũng rạch ròi. 

Trước hết, chuyên gia Pháp nhấn mạnh đến hai giải pháp cho vấn đề kiểm soát bầu cử, trong lịch sử các quốc gia dân chủ. 

« Giải pháp thứ nhất » là dành cho các định chế dân cử quyền phân xử cuối cùng. Đây là các trường hợp như ở xứ Anh (thuộc Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ailen) hay Pháp thời cận đại. Ví dụ như vào thế kỷ XVII, các cơ quan dân cử Anh (Nghị Viện) nắm quyền ra quyết định cuối cùng, với mục tiêu là để chống lại can thiệp từ phía Hoàng gia. Rốt cuộc giải pháp này đã bị từ bỏ tại Anh và Pháp, nhưng vẫn được bảo lưu tại một số nước như Ý, Bỉ và Luxembourg, nơi quyền phán xử cuối cùng về các tranh chấp bầu cử thuộc thẩm quyền của « lĩnh vực chính trị ».  

Việc các cơ quan dân cử ra phán quyết về các tranh chấp bầu cử dần dần bị coi như là hành động « vừa đá bóng, vừa thổi còi ». Hiến pháp của nền đệ ngũ Cộng Hòa Pháp đã dành cho Tòa Bảo Hiến vai trò phân xử các tranh chấp liên quan đến bầu cử quốc gia. Đây chính là « giải pháp thứ hai », tức kiểm soát bầu cử về pháp lý, giải pháp được đại đa số các quốc gia dân chủ hiện nay lựa chọn.  

Không giải pháp nào ưu việt hơn hẳn

Tư pháp độc lập dường như được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để tránh xảy ra tình trạng « cáo canh chuồng gà », theo diễn đạt của thẩm phán Mỹ John Paul Stevens (thành viên Tối Cao Pháp Viện Mỹ từ 1975 đến 2020). Tuy nhiên, theo giáo sư luật Eleonora Bottini, cả hai giải pháp nói trên đều không phải là toàn hảo, và đều có thể bị phê phán dưới góc độ này hay góc độ khác. Nhiều thách thức đặt ra với giải pháp dành cho tư pháp quyền ra quyết định cuối cùng về khiếu nại bầu cử. Ví dụ như, các thẩm phán dựa trên « nguyên tắc hợp thức dân chủ » nào để ra phán quyết về quyết định của toàn dân thông qua phiếu bầu. Liệu có thể phó thác quyền phán xét về các cuộc bầu cử - vấn đề cốt lõi của một nhà nước pháp quyền - vào tay một số thẩm phán, rất có thể có quan điểm thiên vị ? Nguyên tắc phân chia quyền lực trong một nhà nước dân chủ pháp quyền không đủ để đưa ra giải pháp thuyết phục hoàn toàn. 

Hiến pháp Mỹ không quy định rõ

Về quyền phân xử tranh chấp liên quan đến bầu cử tổng thống, nước Mỹ có lựa chọn riêng. Hiến pháp Hoa Kỳ về cơ bản dành cho Quốc Hội lưỡng viện quyền quyết định cuối cùng về kết quả bầu cử thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ. Quy định này thoạt tiên có mục tiêu củng cố nguyên tắc Liên bang chống lại một số chính quyền bang không muốn nhường quá nhiều thẩm quyền cho Nhà nước Liên bang. Trên thực tế, quy định khá chung chung trong Hiến pháp đã không cản trở việc các đảng phái địa phương kiện lên các tòa án địa phương và liên bang. 

Riêng về bầu cử tổng thống, theo giáo sư luật Eleonora Bottini, Hiến pháp Mỹ hoàn toàn im lặng. Thực tế này tạo nên một tình trạng không rõ ràng, một hệ thống cho phép cả hai giải pháp song hành tồn tại, và để ngỏ cho các thẩm phán khả năng diễn giải quyền hạn của tư pháp, của Tối Cao Pháp Viện, theo cách của mình. Điểm lại lịch sử, giáo sư luật người Pháp nhấn mạnh là Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhìn chung tránh can thiệp vào các tranh chấp được coi là « quá chính trị ». 

Quan điểm chính thống này có một thay đổi lớn vào năm 1962, khi Tối Cao Pháp Viện lần đầu tiên chấp nhận đưa ra phán xử về các tiêu chuẩn xác định lại các đơn vị bầu cử. Vụ Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết về cuộc bầu cử tổng thống 2000 là một can thiệp vô cùng hiếm hoi. Tòa Án Tối Cao yêu cầu dừng tái kiểm phiếu vào thời điểm đó tại Florida, khiến thắng lợi thuộc về George W. Bush (với chênh lệch phiếu bầu chỉ hơn 500). Can thiệp này sau đó đã bị rất nhiều chỉ trích, do các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, không đủ « tính chính đáng dân chủ » và thành phần Tối Cao Pháp Viện vào thời điểm đó nghiêng về phe Cộng Hòa.

Tối Cao Pháp Viện từ chối can thiệp : không có kết quả trước hạn 08/12 ? 

Theo giáo sư luật Eleonora Bottini, tình thế hiện nay tại Mỹ « có thể dẫn đến tình trạng Tối Cao Pháp Viện từ chối tiếp nhận các khiếu nại về bầu cử », do không muốn lặp lại tình hình năm 2000. Và nếu như các tòa án ở các bang cũng từ chối phân xử về các tranh chấp, thì một số chính quyền bang sẽ không thể có được danh sách chính thức các đại cử tri, trước hạn chót, ngày 08/12/2020. Nếu quá hạn này, theo tu án chính án thứ 12 của Hiến pháp Hoa Kỳ liên quan đến bầu cử, rất ít khi được sử dụng, Hạ Viện sẽ có quyền lựa chọn tân tổng thống. Trong trường hợp này, quyết định của Hạ Viện không dựa trên số dân biểu, mà theo bang. Hiện tại, nhìn chung, số bang ủng hộ phe Cộng Hòa nhiều hơn phe Dân Chủ.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.