Vào nội dung chính
BẦU CỬ MỸ 2020

Bầu cử Mỹ: Thêm thất bại của TT Trump tại Pennsylvania

Bang Pennsylvania được coi là điểm quyết đấu trong các nỗ lực, của ban vận động tranh cử của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump, đòi không công nhận kết quả bầu cử. Nhiều khiếu nại của phe Cộng Hòa bị tư pháp bác bỏ. Hôm qua, 28/11/2020, thêm hai khiếu kiện khác của bên Cộng Hòa bị Tối cao Pháp viện bang Pennsylvania bác. Ông Trump gần như không còn hy vọng thay đổi được kết quả bầu cử.

Donald Trump (áo đỏ)  bên chiếc trực thăng riêng của tổng thống  Marine One, tới chơi golf tại câu lạc bộ Trump National Golf Club, Sterling, Virginia, ngày 28/11/2020.
Donald Trump (áo đỏ) bên chiếc trực thăng riêng của tổng thống Marine One, tới chơi golf tại câu lạc bộ Trump National Golf Club, Sterling, Virginia, ngày 28/11/2020. AP - Alex Brandon
Quảng cáo

Theo AFP, Tối cao Pháp viện bang Pennsylvania đã bác hai đòi hỏi của phe Cộng Hòa. Một là yêu cầu tư pháp không công nhận các phiếu bầu qua Bưu điện. Yêu cầu thứ  hai là hủy bỏ toàn bộ kết quả bỏ phiếu, và nhường cho Nghị Viện của bang quyền chọn các đại cử tri bầu tổng thống. 

Tối cao Pháp viện Pennsylvania bác bỏ yêu cầu thứ nhất với giải thích, việc phản đối được đưa ra quá trễ, hơn một năm sau khi luật về bỏ phiếu qua Bưu điện được ban hành, và vào thời điểm mà kết quả bầu cử « đã hoàn toàn rõ ràng ». Về yêu cầu thứ hai, Tối cao Pháp viện Pennsylvania nhấn mạnh, đòi hỏi này sẽ dẫn tới việc « tước đoạt quyết định của 6,9 triệu cử tri Pennsylvania ».

Kết quả bỏ phiếu tại Pennsylvania đã được chính quyền bang xác nhận ngày 24/11/2020, với phần thắng thuộc về ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden, với chênh lệch 81.000 phiếu bầu. Tuy nhiên, ban vận động tranh cử của tổng thống mãn nhiệm vẫn tiếp tục nhiều khiếu nại lên tư pháp.

Liên tục tố cáo mà không hề có bằng chứng

Trước phán quyết của Tối cao Pháp viện Pennsylvania hôm qua, hôm 27/11, tòa phúc thẩm liên bang khu vực 3 bang Pennsylvania cũng đã bác bỏ một khiếu nại đòi hủy kết quả bầu cử đã được công nhận. Ba thẩm phán liên bang đưa ra phán quyết nói trên đều do các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm, trong đó có một người do chính tổng thống Donald Trump bổ nhiệm. 

Hôm 26/11, tổng thống mãn nhiệm tuyên bố « chắc chắn » sẽ rời Nhà Trắng, nếu chiến thẳng của ông Joe Biden được chính thức khẳng định, tuy nhiên, ông Donald Trump vẫn nhắc lại là ông có thể không thừa nhận thất bại. Cho đến nay, ông Trump liên tục bác bỏ kết quả bầu cử, tố cáo gian lận quy mô lớn. Nhiều thông tin tố cáo bầu cử gian lận lan tràn trên các mạng xã hội, nhưng chưa hề có bằng chứng cụ thể nào được xác nhận. Kể từ cuộc bỏ phiếu 03/11 đến nay, tổng cộng hơn 20 khiếu nại của phe Cộng Hòa trên toàn quốc bị tư pháp bác bỏ.

Hạ Viện Pennsylvania không thảo luận về nghị quyết đòi bác kết quả

Tuy nhiên, còn nước còn tát, những người ủng hộ tổng thống mãn nhiệm dường như vẫn tìm mọi cách để ngăn chặn việc chỉ định đại cử tri tại một số bang. Hôm qua, 28/11, theo nhật báo Pittsburgh Post-Gazette (nhật báo hàng đầu của Pennsylvania), 26 hạ nghị sĩ phe Cộng Hòa bang Pennsylvania đã ra một tuyên bố chung, lên án gian lận bầu cử và khẳng định sẽ đệ trình một dự thảo nghị quyết, kêu gọi thống đốc Pennsylvania rút lại xác nhận kết quả bầu cử 03/11. 

Tuy nhiên, nỗ lực của nhóm hạ nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ tổng thống mãn nhiệm chỉ dừng ở mức tuyên bố. Người phát ngôn của chủ tịch Hạ Viện Pennsylvania, ông Bryan Culter, thuộc đảng Cộng Hòa, cho biết chủ tịch Hạ Viện bang không tham gia vào việc soạn thảo nghị quyết nói trên, và bản thân dự thảo nghị quyết này cũng không được đưa vào chương trình nghị sự.

Theo pháp luật Hoa Kỳ, ngày 08/12/2020, tất cả các bang phải đúc kết danh sách đại cử tri, để chuẩn bị cho ngày đại cử tri đoàn chính thức bầu tổng thống ngày 14/12. Theo nhiều nhà quan sát, từ đây cho đến đó, những người ủng hộ tổng thống mãn nhiệm vẫn có thể còn có thêm một số nỗ lực chống lại việc công nhận kết quả bầu cử.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.