Vào nội dung chính
KHÍ HẬU - CÔNG LÝ

Khí hậu: Tòa án châu Âu ‘‘ưu tiên’’ xem xét vụ kiện của giới trẻ Bồ Đào Nha

Hôm qua, 30/11/2020, Tòa án Nhân quyền châu Âu (CEDH) thông báo sẽ ưu tiên xem xét hồ sơ vụ kiện « chưa từng có » của 6 thanh thiếu niên Bồ Đào Nha, cáo buộc 33 quốc gia châu Âu không thực thi cam kết chống biến đổi khí hậu. Nhiều nhà hoạt động môi trường khẳng định đây là một thành công đầu tiên của vụ khiếu kiện lịch sử này.

Trụ sở Tòa án Nhân quyền châu Âu (CEDH) ở Strasbourg, Pháp.
Trụ sở Tòa án Nhân quyền châu Âu (CEDH) ở Strasbourg, Pháp. AFP PHOTO / PATRICK HERTZOG
Quảng cáo

Ngày 03/09/2020, 6 thanh thiếu niên Bồ Đào Nha, tuổi từ 8 đến 21, đã đệ đơn kiện lên Tòa CEDH, cáo buộc các nước châu Âu không thực thi các cam kết về khí hậu, « khiến cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay thêm trầm trọng, gây nguy hiểm cho các thế hệ tương lai ». Ngoài 27 nước Liên Hiệp Châu Âu, 6 nước châu Âu còn lại là Na Uy, Thụy Sĩ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Ukraina. Theo các nguyên đơn, 33 quốc gia nói trên vi phạm nhiều điều khoản của Công ước Nhân quyền châu Âu, trong đó có điều 2, « quyền được sống ».

Trả lời AFP, Thomas Manrique, một nhà nghiên cứu về luật công, đại học Paris 1 khẳng định « đây là lần đầu tiên tòa án Châu Âu đối mặt với một vụ kiện quy mô lớn như vậy », cho dù đây không phải là lần đầu tiên Tòa CEDH xét xử các vụ kiện về thiệt hại môi trường. Theo tổ chức phi chính phủ Anh Global Legal Action Network (GLAN), hậu thuẫn cho nhóm trẻ Bồ Đào Nha nói trên, « đây là một thành công đầu tiên ». Thông báo của GLAN giải thích : « Đa số các vụ kiện lên tòa án Strasbourg không đạt đến giai đoạn này. Quyết định này là một giai đoạn quan trọng hướng đến một phán quyết quan trọng về vấn đề biến đổi khí hậu ».

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về luật châu Âu, ông Nicolas Hervieu, thành công này không hề bảo đảm là vụ kiện sẽ thành công. Vụ kiện vẫn có thể bị Tòa án Nhân quyền châu Âu gạt ra, do không thỏa mãn « điều kiện tiên quyết », tức là nguyên đơn phải chứng minh đã sử dụng hết mọi khả năng khiếu kiện tại từng quốc gia. Để lách quy định này, các nguyên đơn lưu ý đến việc họ là những người « xuất thân từ các gia đình nghèo », nên không thể thực hiện các thủ tục khiếu kiện tại 33 quốc gia, bởi việc này đòi hỏi các chi phí khổng lồ. Sáu thanh thiếu niên Bồ Đào Nha cũng nhấn mạnh là « câu trả lời hiệu quả » phải « xuất phát từ một định chế tư pháp chung cho tất cả các quốc gia thành viên, bởi tòa án của mỗi nước không thể đưa ra các phán quyết về chính Nhà nước mình ».

Công lý khí hậu: Chính quyền trên ghế bị cáo

Dù vụ kiện này có kết quả hay không, chính quyền các nước, trung ương cũng như địa phương, sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện, với cáo buộc không hành động đủ để hạn chế khí thải. Tại Pháp, ngày 19/11, Tham Chính Viện gia hạn cho chính quyền 3 tháng để trả lời khiếu nại. Đầu năm 2019, bốn tổ chức phi chính phủ, trong đó có Greenpeace và Oxfam, kiện chính quyền Pháp đã không thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải như đã cam kết. Hai triệu người đã ký tên ủng hộ « Vụ Kiện Thế Kỷ ».

Trong lĩnh vực công lý khí hậu, năm 2019, giới bảo vệ môi trường đã từng thu được một thắng lợi lịch sử: Tháng 12/2019, Tòa án Tối cao Hà Lan xử thắng cho hiệp hội Urgenda, một tổ chức phi chính phủ tranh đấu cho phát triển bền vững, trong vụ kiện chính quyền Hà Lan đã « hành động bất hợp pháp », khi không bảo vệ các quyền của công dân chiếu theo Công ước Nhân quyền châu Âu, thực hiện cắt giảm khí thải theo đúng cam kết.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.