Vào nội dung chính
COVID-19 - VAC - XIN

Giới bác sĩ cảnh báo về vac-xin “lậu” Trung Quốc đang lưu hành tại Ý

Viện dược phẩm Trung Quốc Sinopharm vào hôm nay 30/12/2020 vừa loan báo là một trong những loại vac-xin ngừa Covid-19 mà họ sản xuất có hiệu quả đạt mức 79%. Thông tin này được đưa ra vào lúc chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch chích ngừa trong nước, dùng đến những loại vac-xin do chính nước này sản xuất mà không cần chờ kết thúc giai đoạn thử nghiệm. Điều đáng nói là loại thuốc này cũng bắt đầu được lưu hành trái phép ở nước ngoài.

Phòng thí nghiệm vac-xin của Sinovac Biotech tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh ngày 24/09/2020.
Phòng thí nghiệm vac-xin của Sinovac Biotech tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh ngày 24/09/2020. AP - Ng Han Guan
Quảng cáo

Ấn bản tiếng Pháp của tờ báo mạng Mỹ The HuffPost ngày 19/12/2020 vừa qua đã nêu bật hiện tượng này tại Ý, nơi mà tình hình có dấu hiệu phổ biến đến mức mà giới bác sĩ Ý phải lên tiếng báo động, buộc chính quyền phải quan tâm đến việc ngăn chặn.

Về Trung Quốc để được tiêm chủng

Theo The Huffpost, mọi sự bắt nguồn từ Prato, thủ phủ vùng Toscana ở miền trung nước Ý, nơi có một cộng đồng người Hoa rất đông đảo, được cho là đông nhất nước Ý. Tại nơi này, nhiều người Hoa trong thời gian qua đã hoặc đang chuẩn bị trở về Trung Quốc, để … được tiêm chủng ngừa Covid-19.

Chính “tiết lộ” của một doanh nhân Trung Quốc tại Prato, khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo Ý, đã làm cho dư luận xôn xao. Nhân chứng 42 tuổi này, người gốc Ôn Châu, một thành phố tỉnh Chiết Giang miền đông Trung Quốc, cho biết là ông đã trở về Trung Quốc vào tháng 8 vừa qua và đã tình nguyện tiêm vac-xin Sinovac, còn ở giai đoạn thử nghiệm, và ông vẫn khỏe khoắn, không hề bị bất kỳ tác động phụ nào.

Cho dù lãnh sự quán Trung Quốc tại Ý đã lên tiếng bác bỏ những “tin đồn” về những chuyến trở về Trung Quốc để tiêm chủng, nhưng trường hợp của doanh nhân ở Prato có vẻ như không phải là cá biệt.

Theo tờ The Huffpost, nhiều người trong cộng đồng người Hoa ở Ý cũng có những lời kể tương tự, và cung cấp thêm những chi tiết như vac-xin tương tự vac-xin chống cúm, với giá 80 euro một liều, và những liều vac-xin này đang được rao bán trong cộng đồng người Trung Quốc ngay tại Ý.

Vac-xin Trung Quốc “giả” chưa được thử nghiệm

Theo ghi nhận của tờ báo Mỹ, những lời tiết lộ có vẻ đáng tin cậy, đến mức mà ngày 17/11, chủ tịch Y Sĩ Đoàn Roma, Antonio Magi, đã phải ra một tuyên bố chính thức để cảnh báo dân Ý là “đừng tìm cách có được những vac-xin chống covid-19 không được phép (sử dụng) vì đó là hàng giả chưa được thử nghiệm. Chúng ta phải kiên nhẫn vì hiện tại chỉ có (hàng) lừa đảo và thuốc nguy hiểm lưu hành mà thôi.”

Nhiều bác sĩ tư cũng đã lên tiếng báo động khi được biết là nhiều liều vac-xin bất hợp pháp chống Sars-Cov-2, sản xuất tại Trung Quốc và còn trong thời gian thử nghiệm, đã lưu hành tại Roma, và dường như được cộng đồng Trung Quốc du nhập vào Ý.

Việc vac-xin bắt đầu lưu hành ở Trung Quốc có lẽ đã cho phép người trong cộng đồng Hoa Kiều tại Ý và một vài người Ý có được. Ông Magi cho biết sẽ “tập hợp tất cả những chứng cớ” để báo cáo lên cho các cơ quan hữu trách.

Trong thời gian gần đây, những lời báo động từ địa phương đã lan rộng khắp nơi và đến tại chính quyền trung ương. Mới đây, Cơ Quan Cảnh Sát Quốc Tế Interpol đã tổ chức một hội nghị trực tuyến tại Singapore cùng với đại diện các công ty dược phẩm quan trọng nhất, giới chức hải quan, cảnh sát (trong đó có cảnh sát Ý) và các cơ quan chống buôn lậu ma túy của nhiều quốc gia, để huy động lực lượng  chống lại việc bán vac-xin giả nguy hiểm trên thị trường chợ đen và mạng web đen (dark web).

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, việc vac-xin từ Trung Quốc lưu hành trong cộng đồng người Hoa tại Ý có thể giải thích việc số lượng ca nhiễm khá thấp trong cộng đồng Hoa Kiều ở Prato, chỉ khoảng 100 trường hợp chính thức khai báo từ đầu dịch bênh đến ngày 22/11. Đại sứ Trung Quốc dĩ nhiên đã phủ nhận và cho đấy chỉ là kết quả của việc “thi hành nghiêm túc những quy định của phong tỏa”.

Một vac-xin phát cho quân đội Trung Quốc

Câu hỏi đặt ra là vac-xin Trung Quốc lưu hành lén lút tại Ý đến từ đâu. Theo tờ báo Mỹ, những lọ thuốc chủng ngừa Covid-19 tịch thu được tại Roma chứa loại vac-xin do hãng China National Biotec Group Co. Ltd sản xuất. Ở Trung Quốc, loại vac-xin này đã được phân phát cho quân đội và cán bộ Nhà nước cần xuất ngoại, như nhân viên ngoại giao chẳng hạn.

Vac-xin cũng có thể đến từ nơi khác. Nước Thổ Nhĩ Kỳ gần Ý đã loan báo hợp đồng mua 50 triệu liều vac-xin chống Covid-19 của hãng Sinovac Biotech. Loại vac-xin này đã qua thử nghiệm giai đoạn 3 ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi tiêm cho những người tình nguyện tại 12 tỉnh Thổ Nhĩ Kỳ mà không ghi nhận “phản ứng phụ đáng kể”. Loại vac-xin này cũng được thử nghiệm ở Brazil, cũng là ở giai đoạn 3, nhưng đã bị đình chỉ.

Có rất nhiều loại vác-xin khác của Trung Quốc đang được nghiên cứu hay đã được sử dụng tại Trung Quốc, đặc biệt là vac-xin của Sinopharm đã được thử nghiệm trên những người tình nguyện và thử nghiệm giai đoạn 3 đã bắt đầu ở Maroc, Peru, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Trung tuần tháng 9, những nước này đã bật đèn xanh cho việc sử dụng khẩn cấp cho nhân viên y tế. Theo chủ tịch Sinopharm đến tháng 11 đã có 1 triệu người Trung Quốc được tiêm chủng.

Theo tờ HuffPost, cho đến lúc này thì vac-xin “CoronaVac” của Sinovac Biotech được tin tưởng nhất và đã được giấy phép ở Trung Quốc để sớm sử dụng cho trường hợp khẩn cấp, ngay từ tháng 8. Đó là vac-xin mà doanh nhân ở Prato đã tiêm, khi trở về Trung Quốc vào lúc đó.

Nhìn các sự kiện này, tờ HuffPost, nhận thấy quả thật là Trung Quốc đang “nhấn ga” trong cái gọi là “ngoại giao vac-xin” để xóa nhòa hình ảnh đang tồi tệ đi do việc đã che giấu đại dịch lúc mới bùng lên tại Vũ Hán.

Chiến lược này có thể thành công trong bối cảnh các nước đang phát triển còn phải đợi khá  lâu trước khi có được vac-xin sản xuất ở phương Tây, trong lúc mà Trung Quốc hứa hẹn là vac-xin của họ dễ đến tay hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.