Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - LƯƠNG THỰC

Lãng phí và mất an ninh lương thực : Bài học từ khủng hoảng Covid-19

Kể từ tháng 03/2020, đại dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch bệnh đã nhấn chìm thế giới trong một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực. Nhưng đồng thời, bối cảnh dịch bệnh cũng khiến nông dân phải vứt bỏ một lượng lớn nông phẩm vì thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm.

(Ảnh minh họa) – Khủng hoảng Covid-19 là cơ hội xem xét các chính sách chống lãng phí thực phẩm và đảm bảo an ninh lương thực.
(Ảnh minh họa) – Khủng hoảng Covid-19 là cơ hội xem xét các chính sách chống lãng phí thực phẩm và đảm bảo an ninh lương thực. Pixnio
Quảng cáo

Cuộc khủng hoảng tiết lộ điều gì về những nghịch lý trong hệ thống lương thực của chúng ta ? Con người có thể rút ra bài học gì trong bối cảnh các kế hoạch phục hồi kinh tế đang được thiết lập ?

Trên đây là những câu hỏi mà tiến sĩ xã hội học Marie Mourad, Đại học Sciences Po, tìm cách trả lời trong bài viết đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation, ngày 31/01/2021. Bài viết của nhà nghiên cứu Mourad dựa trên các cuộc nói chuyện với nhiều chuyên gia và các cuộc thảo luận của nhóm công tác về “Thất thoát và Lãng phí Lương thực” trong hội nghị quốc tế “Tình trạng khẩn cấp về khí hậu và tương lai lương thực”, được tổ chức trực tuyến vào tháng 05/2020, quy tụ hơn 300 đại diện của các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan Nhà nước.

Dây chuyền cung ứng thực phẩm tập trung quá mức

Cuộc khủng hoảng hiện nay đã làm trầm trọng hơn những hiện tượng tồn tại từ trước, đặc biệt là sự chênh lệch thường xuyên giữa nguồn cung, vốn chịu tác động từ những thay đổi thất thường về kinh tế cũng như khí hậu, và nhu cầu, vốn cũng thường thay đổi. Việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ thực phẩm đặc biệt bị xáo trộn do thiếu nhân công thu hoạch và bán sản phẩm, cũng như hoạt động xuất khẩu giảm sút, các nhà hàng, chợ, căng-tin … đóng cửa. Trong khi đó, người tiêu dùng lại mua nhiều thực phẩm khô và sản phẩm đông lạnh hơn trong các siêu thị, giảm tiêu dùng sản phẩm tươi như thịt, cá, trái cây và rau quả, vốn thường được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng nhưng nhà hàng cũng đã giảm hoạt động do dịch bệnh.

Bối cảnh biến động như hiện nay đã cho thấy là các chuỗi cung ứng thiếu khả năng ứng phó, bởi hoạt động chỉ tập trung vào tay một số ít công ty chiếm thị phần lớn. Các nhà cung cấp cho các cơ sở chế biến và các đối tác kinh doanh chuyên biệt gặp khó khăn trong việc thích nghi với khách hàng mới (ví dụ cung cấp các sản phẩm với các yêu cầu đóng gói nhỏ hơn).

Nâng cao giá trị thực phẩm và nhân công

Tại Pháp, Nhà nước đã nhanh chóng hỗ trợ các địa phương tái phân phối một phần thực phẩm dư thừa cho các hiệp hội từ thiện. Nhưng tái phân phối lương thực dư thừa không phải là một giải pháp thần kỳ : trước khi xảy ra khủng hoảng, các ngân hàng lương thực đã thiếu khả năng hậu cần, vận chuyển và dự trữ. Đó là chưa kể đến sự bất tương xứng giữa thực phẩm có sẵn và nhu cầu của những nhóm dân cư cần được hỗ trợ. Việc phân phát thực phẩm cũng dựa vào các tình nguyện viên, đa phần ở độ tuổi khá cao dễ bị nhiễm virus corona.

Nguồn nhân lực bảo đảm cho người dân tiếp cận với thực phẩm đã trở nên thiết yếu, nếu nhìn vào khối lượng thất thoát và tình trạng mất an ninh lương thực do thiếu nhân công. Tuy nhiên, lao động của họ ít được coi trọng đến mức chính những người làm nông nghiệp hoặc nhân viên nhà hàng, siêu thị đôi khi cũng là nạn nhân của tình trạng mất an ninh lương thực. Vì thế, chính sách lương thực trong tương lai sẽ phải đánh giá lại giá trị công việc của những người sản xuất, phân phối, tái phân phối thực phẩm. Điều đó cũng sẽ góp phần làm giảm lãng phí lương thực.

Tiến thoái lưỡng nan giữa tính bền vững và an toàn sức khỏe

Cuộc khủng hoảng nhắc nhở chúng ta cần có một mức dư thừa lương thực nhất định không chỉ để đối phó với những sự kiện không lường trước, mà còn nhằm bảo đảm chất lượng dinh dưỡng, độ ngon cũng như mức độ an toàn thực phẩm. Các biện pháp vệ sinh được tăng cường đề phòng dịch bệnh khuyến khích việc sử dụng bao bì dùng một lần, nhưng việc này lại góp phần tăng rác thải, gây ô nhiễm và nghịch lý là gây ra các tác hại khác cho sức khỏe con người.

Vì các mục tiêu môi trường không phải là ưu tiên, một số hoạt động nhằm phát triển nền kinh tế tuần hoàn phải tạm ngưng. Chẳng hạn nhiều thành phố của Mỹ đã cắt giảm ngân sách cho việc thu gom phân bón hữu cơ (compost) - một dịch vụ bị coi là không thiết yếu trong đại dịch, còn nông dân lại được trợ cấp để mua phân bón hóa học. Trong bối cảnh như vậy, câu hỏi khó là làm thế nào để chuyển đổi được các hệ thống sản xuất, cung ứng bằng cách kết hợp tính bền vững và an ninh lương thực ?

Cải cách chính sách nông nghiệp

Các kế hoạch tái thiết kinh tế cần hỗ trợ các phương thức sản xuất giúp bảo tồn nguồn tài nguyên đồng thời nâng cao giá trị công việc của nông dân và giá trị nông phẩm, đảm bảo tính bền vững và có chất lượng. Các chính sách và cơ chế thuế khóa được áp dụng nhằm chống lãng phí trước hết phải khuyến khích ngăn ngừa thất thoát và lãng phí, sau đó là tái phân phối thực phẩm dư thừa cho người dân, với điều kiện những thực phẩm phải bảo đảm dinh dưỡng và mùi vị.

Để phát triển kinh tế tuần hoàn, chính quyền cũng phải cho phép sử dụng các sản phẩm hoặc phụ phẩm không phải là thực phẩm cho con người để làm thức ăn cho động vật, đương nhiên là vẫn phải tuân thủ các quy tắc an toàn vệ sinh. Biện pháp cuối cùng là khuyến khích ủ phân bón compost hoặc sản xuất khí đốt sinh học.

Quy định các phương thức kinh doanh

Các quy định cũng có thể làm cho các hoạt động kinh doanh và các mối quan hệ trở nên minh bạch và công bằng hơn, đồng thời hạn chế tổn thất. Mặc dù khủng hoảng đã khiến các nhà sản xuất phải thông báo về những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng cần thúc đẩy đội ngũ sản xuất và phân phối đo lường cập nhật những tổn thất và lãng phí, để có thể giảm thiểu chúng.

Các quy chế dựa trên quy định gần đây của Liên Hiệp châu Âu chống lại các hành vi thương mại không lành mạnh trong chuỗi phân phối thực phẩm là thiết yếu, chẳng hạn để ngăn chặn việc các siêu thị lớn hủy đơn hàng vào phút chót, gây thiệt hại cho các nhà cung cấp. 

Thúc đẩy sự đổi mới

Khủng hoảng Covid-19 đã tạo ra các mối quan hệ đối tác và chiến dịch thể hiện tình đoàn kết tương trợ, chẳng hạn như các ngành công nghiệp thực phẩm hoặc các nhà hàng đã chế biến thực phẩm mà họ không dùng đến thành món ăn cho nhân viên chăm sóc y tế và người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu. Nói một cách khái quát hơn, công nghệ và các doanh nghiệp có trí sáng tạo có thể cải thiện sự hợp tác giữa các bên và tăng tính linh hoạt của chuỗi phân phối thực phẩm, nhất là web site giúp tối ưu hóa việc liên kết cung - cầu và chia sẻ thực phẩm. Chẳng hạn ứng dụng Too Good to Go vốn giúp các siêu thị, cửa hàng bán giảm giá các sản phẩm gần hết hạn, trong thời kỳ khủng hoảng đã điều chỉnh để tái phân phối thực phẩm từ các nhà hàng sắp đóng cửa. Cũng cần có đầu tư Nhà nước và tư nhân để phát triển và nhân rộng các doanh nghiệp như vậy trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm.

Công nghệ quy hoạch và tự động hóa cũng như thương mại điện tử, được thúc đẩy trong thời khủng hoảng, có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng cường an ninh lương thực và giảm lãng phí. Nhưng những đổi mới như vậy cũng có nguy cơ khiến người dân xa rời giá trị đích thực của chuỗi thực phẩm. Việc giảm thất thoát và lãng phí phải bao gồm cả sự thay đổi về cấu trúc, ngoài các giải pháp công nghệ.

Phát triển hệ thống lương thực theo vùng lãnh thổ

Vào lúc xây dựng thế giới hậu Covid, chúng ta phải tự đặt câu hỏi về hệ thống lương thực có khả năng chống chọi tốt nhất với khủng hoảng. Nếu nông dân có thể tiếp cận các thị trường đa dạng hơn, với nhiều mối liên hệ trực tiếp hơn tới người tiêu dùng ở quy mô địa phương hoặc vùng, thì các hệ thống phân phối thực phẩm sẽ linh hoạt hơn và giảm lãng phí hơn.

Các kênh « phân phối ngắn », bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng đã tăng đáng kể trong thời khủng hoảng dịch bệnh, và tại nhiều hiệp hội người tiêu dùng nông phẩm trong vùng lân cận, số thành viên đã tăng. Phát triển các chuỗi thực phẩm ngắn hơn và theo vùng lãnh thổ làm giảm tác hại của công tác vận chuyển hàng hóa và đóng gói bao bì đối với môi trường, hạn chế nguy cơ đối với sức khỏe con người và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn.

Tăng giá trị hệ thống phân phối thực phẩm

Cuộc khủng hoảng hiện nay là cơ hội để nâng cao nhận thức về giá trị của hệ thống phân phối thực phẩm. Trong khi một số người đổ xô đến các cửa hàng để mua thự phẩm dự trữ, mua quá nhiều hoặc lãng phí, thì cũng có những người học được những cách mới để giảm lãng phí : lên kế hoạch mua sắm và chuẩn bị bữa ăn trước, bảo quản thực phẩm tốt hơn dựa theo hạn sử dụng, nấu ăn với các nguyên liệu có sẵn hoặc thậm chí là chế biến lại từ thức ăn còn thừa …

Và trên hết, một hệ thống phân phối lương thực bền vững hơn phải dựa trên các sản phẩm có sẵn tại địa phương theo mùa, gia tăng giá trị lao động của những người sản xuất, thu mua hoặc chế biến thực phẩm. Chỉ có sự chuyển đổi các chuẩn mực xã hội mới cho phép làm tăng giá trị về chất, tính bền vững và khả năng duy trì hoạt động của chuỗi phân phối thực phẩm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.