Vào nội dung chính
VAC- XIN - COVID 19

1001 chiêu trò lừa đảo vac-xin Covid-19

Vac-xin ngừa Covid-19 là mặt hàng quý hiếm được cả thế giới trông đợi. Lợi dụng dân chúng mong mỏi muốn được nhanh chóng tiêm phòng để trở lại cuộc sống bình thường, các tội phạm lừa đảo vac-xin đủ kiểu nở rộ trên mạng internet gần đây, từ sản xuất cho đến chào bán hàng giả cho các cá nhân và cả các tổ chức chính phủ. Nhiều đường dây tội phạm vac-xin Covid-19 giả mạo mới bị phá vỡ.

Ảnh minh họa: Vac-xin ngừa Covid-19 quý hiếm đang là mục tiêu của tội phạm lừa đảo trên mạng internet.
Ảnh minh họa: Vac-xin ngừa Covid-19 quý hiếm đang là mục tiêu của tội phạm lừa đảo trên mạng internet. AP
Quảng cáo

Gần 2500 liều trong một kho hàng ở Nam Phi và 3000 liều khác tìm thấy trong một nhà máy ở Trung Quốc bị thu giữ, đó là kết quả mà Interpol, tổ chức hợp tác cảnh sát quốc tế hôm 03/03 vừa rồi thông báo sau khi đã phá vỡ một mạng lưới phân phối vac-xin ngừa Covid giả tại hai nước nói trên.  

Chiến dịch của Interpol đã bắt giữ hơn 80 người tham gia vào việc sản xuất và bán các sản phẩm giả. « Chúng tôi vui mừng về kết quả này nhưng đó mới chỉ là phần nổi của mảng tội phạm đã phát triển quanh vac-xin phòng Covid-19 », tổng thư ký Interpol, ông Jürgen Stock cho biết trong một thông cáo báo chí.

2000 đô la cho mũi tiêm vac-xin giả

Các thí dụ về những trò lừa đảo vac-xin liên tục xuất hiện từ khi chiến dịch tiêm phòng bắt đầu trên khắp thế giới. Cách đây một tháng, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ đầu não một mạng lưới phân phát vac-xin giả. Mạng lưới này đã sản xuất gần 6000 liều vac-xin từ một « dung dịch muối ». Trước khi bị bắt, kẻ cầm đầu đường dây này đã kiếm được hơn 2,7 triệu đô la nhờ vào hoạt động tội phạm này.

Một bệnh viên tư ở Monterrey, Mêhico chào hàng tiêm va-xin Pfizer BioNTech giả với giá 2000 đô la đã bị chính quyền nước này phát hiện hôm 17/02.

« Chúng ta đang thấy hiện tượng với vac-xin tương tự như những gì đã diễn ra hồi năm ngoái với khẩu trang », ông Jan Op Gen Oorth phát ngôn viên của Cảnh sát châu Âu Europol, cho France 24 biết. 

Các trò lừa đảo khẩu trang và với các trang thiết bị bảo vệ y tế khác nhằm ngăn chặn virus lây lan thực tế đã là một trong những hoạt động ưu tiên của các tổ chức tội phạm trong thời gian đầu đại dịch.

Cuộc chạy đua vac-xin và tâm trạng thất vọng của dân chúng tại một số nước về sự chậm trễ triển khai chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt ở châu Âu, là những cơ hội mới cho giới tội phạm.

Đặc biệt trên mạng, các thông báo mập mờ rao bán các liều vac-xin đã bắt đầu nở rộ trên nhiều diễn đàn « nét đen ». Đây là các địa chỉ không lưu trên các công cụ tìm kiếm internet. « Chúng tôi đã lần ra được khoảng hơn chục địa chỉ  thương mại điện tử như vậy », ông Dmitry Galov, chuyên gia về an ninh mạng của công ty an ninh tin học Nga Kaspersky khẳng định. Công ty này hôm 04/03 đã công bố một báo cáo về tình hình này.

Các trò lừa đảo chủ yếu liên quan đến ba loại vac-xin chính Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca. « Giá trung bình 500 đô la /liều và một số kẻ đã bán được từ 100 đến 500 liều », ông Dmitry Galov cho biết thêm.

Nhiều thông báo bán hàng còn kèm theo ý kiến xác thực bổ sung của « người mua » quả quyết rất hài lòng về hàng được giao. Những ý kiến như vậy cũng là giả mạo, giống như các loại vac-xin được rao bán trên các trang « net đen », công ty Kaspersky khẳng định.

Cho dù một số người bán hàng bằng cách này hay cách khác cũng có được vac-xin thật, nhưng các liều thuốc chủng đó còn cần phải được bảo quản trong điều kiện tốt như được giữ trong kho lạnh nhiệt độ rất thấp. Ông Dmitry Galov khẳng định trong mọi trường hợp mua vac-xin trên mạng đều không phải là ý hay.

Việc mua bán những loại sản phẩm giả cho một số cá nhân đặt ra những rủi ro về sức khỏe rất lớn. Những cá nhân bị lừa như vậy có thể lầm tưởng mình được bảo vệ và trở lại cuộc sống « bình thường » và họ có nguy cơ dễ dàng bị lây nhiễm. Đó là lý do vì sao sau khi phá vỡ đường dây buôn lậu vac-xin của bệnh viện tư ở Monterrey, chính quyền Mêhico còn buộc tội cơ sở này gây nguy hiểm cho nỗ lực phòng chống dịch lây lan trong vùng, theo kênh truyền hình tin tức của Đức Deutsche Welle.

Lừa đảo cả các tổ chức chính phủ

Nhưng không chỉ có duy nhất một kiểu lừa đảo vac-xin. Một số tội phạm còn lừa trực tiếp các chính phủ.

« Một xu hướng mới có vẻ như đang xuất hiện. Nhiều vụ việc tương tự đã được báo cáo liên quan đến việc chào hàng giả mạo nhiều triệu liều vac-xin cho các bộ Y Tế, các tổ chức chính phủ của nhiều nước châu Âu », ông Jan Op Gen Oorth, phát ngôn viên của Europol khẳng định.   

Cơ quan phòng chống giả mạo châu Âu cũng xác nhận xu hướng này. Cơ quan này cho biết « những kẻ giả mạo chẳng hạn có thể hứa hẹn một số lượng lớn vac-xin sau đó giao một phần lấy tiền rồi biến mất tăm ». Không hề có chào hàng nào trên mạng là hợp pháp, ông Jan Op Gen Oorth quả quyết.

Các tội phạm cũng nhằm vào những người đang muốn được tiêm phòng vac-xin sớm hoặc tìm mọi cách để  hy vọng có thể dễ dàng đi lại giữa các nước. « Chúng tôi đã thấy không ít các quảng cáo bán giấy xác nhận tiêm chủng giả trong một số nhóm trao đổi qua dịch vụ nhắn tin », theo chuyên gia Dmitry Galov.

Tại Hoa Kỳ, những kẻ buôn lậu « hộ chiếu vac-xin » này chủ yếu nhằm vào cộng đồng những người « chống tiêm chủng ». FBI ghi nhận, những người chống tiêm chủng này là một trong những đối tượng chính của lừa đảo vac-xin. Trên một số địa chỉ internet, người ta có thể mua những giấy tờ giả mạo như vậy với giá 20 đô la.

(Theo France24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.