Vào nội dung chính
COLOMBIA - DỊCH BỆNH

Covid-19 : Colombia và những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt lạ đời !

Tính đến ngày 09/03/2021, thế giới đã có hơn 117.063.380 ca nhiễm siêu vi corona. Châu Âu vẫn là châu lục bị nặng nề nhất với 878.311 người chết trong tổng số 38.809.591 ca nhiễm bệnh. Đứng thứ hai là châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribe với 700.441 người thiệt mạng  cho 22.146.374 người nhiễm Covid-19.

Nhân viên ngành dịch vụ ăn uống biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại thủ đô Bogota, Colombia, ngày 23/02/2021.
Nhân viên ngành dịch vụ ăn uống biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại thủ đô Bogota, Colombia, ngày 23/02/2021. AFP - JUAN BARRETO
Quảng cáo

Thế nhưng, trong cuộc khủng hoảng dịch tễ toàn cầu, tùy theo điều kiện kinh tế - tài chính, tình hình hệ thống y tế mà mỗi nước có những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt khác nhau. Colombia, quốc gia Nam Mỹ có khoảng 49 triệu dân, ngay từ tháng 3/2020, đã ban hành các biện pháp dịch tễ nghiêm ngặt hơn so với nước Pháp.

Chỉ có điều, những biện pháp mà cô Clara Arconada, một sinh viên người Pháp nhận thấy khá độc đáo, vẫn khó ngăn cản dịch bệnh lây lan. RFI Tiếng Việt mời quý vị theo dõi những cảm nhận của cô sinh viên năm thứ nhất thạc sĩ ngành văn học so sánh đại học Paris, hiện đang theo học chương trình trao đổi với đại học quốc gia Colombia, về chương trình chống dịch của quốc gia Nam Mỹ này.

Đầu tiên hết, Clara Arconada khái quát sơ qua bảng tổng kết tình hình dịch bệnh, cũng như là các cơ sở hạ tầng y tế ở Colombia hiện nay như thế nào.

Clara Arconada : Tính đến hiện tại, Colombia có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ít hơn so với Pháp, khoảng hơn 2.276.000 ca nhiễm bệnh (so với con số 2.904.000 tại Pháp) và hơn 60.500 người chết (88.600).  Bogota, thủ đô Colombia là thành phố bị ảnh hưởng dịch bệnh nhiều nhất, với hơn 663.600 ca nhiễm Covid cho hơn 8 triệu dân. Đây cũng là thành phố đông dân cư nhất ở Colombia.

Nếu so sánh với các nước Nam Mỹ, rõ ràng là Brazil là quốc gia bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh. Với hơn 11 triệu người nhiễm virus và hơn 265.400 người chết, Brazil là quốc gia thứ hai, sau Mỹ, chịu nhiều tang thương vì Covid-19 nhất.

Cũng giống như Pháp, Colombia cũng phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 2 bùng phát lại hồi tháng Giêng năm nay sau các dịp lễ Tết cuối năm 2020. Những kỳ lễ này đặc biệt quan trọng đối với người dân Colombia. Việc người dân và chính quyền không có những biện pháp đề phòng dịch bệnh nghiêm ngặt trong giai đoạn này đã làm gia tăng đột biến số người nhiễm và chết vì siêu vi corona trong tháng 12/2020 và tháng Giêng năm 2021.

Hiện tại, người dân Colombia quan ngại dịch bệnh sẽ tăng trở lại trong Tuần Thánh, diễn ra từ ngày 28/03 đến hết ngày 04/04/2021. Đây là một tuần lễ cực kỳ quan trọng tại Colombia, mừng Chúa Giê-su Phục Sinh. Vào dịp lễ này, có nhiều ngày nghỉ lễ, nhiều cuộc tụ tập mừng thánh lễ, và điều này có nguy cơ làm gia tăng rủi ro lây nhiễm.

Về hệ thống y tế tại Colombia, phần lớn là tư nhân, nghĩa là người dân hay giới chủ phải tự trả chi phí khám sức khỏe bằng cách mua các bảo hiểm y tế tư nhân. Và tùy theo kiểu bảo hiểm mà người dân có thể có đến các bệnh viện hay gặp các bác sĩ khác nhau.

Chẳng hạn như tại Bogota, phần đông các bệnh viện tư nhân nằm tập trung ở phía bắc thành phố và cực kỳ đắt, chủ yếu dành cho người giầu có. Trong khi các bệnh viện công nằm ở phía nam, đang trong tình trạng thiếu thốn về nhân sự, thời gian chờ đợi rất lâu. Do vậy, tại Colombia, người giầu có nhiều cơ hội được chăm sóc sức khỏe hơn là người nghèo.

RFI : Chính quyền Bogota đã có những biện pháp nào ngăn chận dịch bệnh ?

Clara Arconada : Liên quan đến các biện pháp chống dịch, cũng giống như Pháp, Colombia cũng bị phong tỏa hồi tháng 3/2020 và kéo dài cho đến tháng Mười nhưng kể từ tháng 6-7, người dân không mấy gì tuân thủ nghiêm chỉnh. Vào tháng Giêng và Hai năm nay, nhiều biện pháp nghiêm ngặt được tái lập do số ca nhiễm mới tăng trở lại.

Một cách cụ thể, người ta có thể nói đến cơ chế Pico y Cedula là một cách thức hạn chế người dân ra khỏi nhà bằng cách căn cứ vào hai con số cuối cùng của hộ chiếu hay thẻ căn cước để biết có được phép ra khỏi nhà hay không.

Nếu như hai số cuối là số chẵn thì họ được phép ra phố ngày chẵn. Tương tự, nếu đó là số lẻ thì ra đường ngày lẻ. Điều này cho phép hạn chế lượng người lưu thông ngoài phố tại Colombia. Hàng quán được phép mở cửa kinh doanh nhưng phải đóng cửa trước 11 giờ đêm.

Tuy nhiên, trong vòng vài tuần, người dân bị cấm ra đường trong những ngày cuối tuần. Còn trong tuần, lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 20 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Những khu phố nào bị ảnh hưởng nặng thì bị cách ly. Lệnh báo động đỏ đã được thiết lập kể từ 8/01 do số giường hồi sức tích cực có hạn.

Nhờ vào những biện pháp nghiêm ngặt này, báo động đỏ đã được dỡ bỏ từ hôm 03/2. Lệnh phong tỏa tại phần lớn các khu phố đã được dỡ bỏ. Cơ chế Pico y Cedula cũng hết hiệu lực. Các địa điểm công cộng, nhà hàng, quán bar, bảo tàng hay các phòng tập thể dục đã mở cửa trở lại. Các trường học và đại học cũng đang dần dần mở cửa trở lại.

Cũng giống nước Pháp, đeo khẩu trang cũng như là phải khử trùng tay trước khi bước vào những nơi công cộng là bắt buộc. Một điểm đặc biệt ở Colombia là người ta cũng phải tẩy trùng cả bàn chân. Tại mỗi cửa vào ở nơi công cộng, có một gian để tấm lau chân có hình dạng như miếng lót giày có tẩm thuốc diệt khuẩn để đặt chân trước khi bước vào các địa điểm công cộng. Đáng chú ý là người dân Colombia sử dụng cồn để sát khuẩn nhiều hơn là dung dịch rửa tay khô.

 

Những tấm lau chân có tẩm cồn để khử trùng trước các lối vào ở những điểm công cộng.
Những tấm lau chân có tẩm cồn để khử trùng trước các lối vào ở những điểm công cộng. © @Ảnh do tác giả cung cấp.

 

RFI : Bất chấp những biện pháp nghiêm ngặt như thế, vì sao Colombia vẫn có chỉ số tử vong cao, gần như ngang ngửa với Brazil ?

Clara Arconada : Tại Colombia, những biện pháp này khó áp dụng cho người dân, do có rất nhiều người phải làm việc trong những lĩnh vực không chính thức như bán hàng rong chẳng hạn, chiếm số đông tại thủ đô Bogota.

Lệnh phong tỏa và giới nghiêm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những thành phần này, nhất là không giống như tại Pháp, chính phủ Bogota không có những chính sách hỗ trợ thất nghiệp. Do vậy, bất chấp các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, những người này vẫn phải làm việc để có tiền sinh sống.

Gần đây, có vài cuộc biểu tình nhỏ tại những khu phố ở trung tâm thủ đô để phản đối các biện pháp chống dịch có liên quan đến các ngành dịch vụ như nhà hàng, quán bar phải đóng cửa lúc 11 giờ đêm, hay như là những biện pháp nghiêm cấm các quán bar bán thức ăn nếu không muốn bị đóng cửa hẳn.

Hơn nữa, cơ chế Pico y Cedula rất dễ luồn lách. Nếu như ai đó có số hộ chiếu lẻ, và thẻ căn cước là số chẵn thì họ đều có thể đi ra đường mỗi ngày.

RFI : Chính quyền Bogota có kế hoạch tiêm chủng cho dân không ?

Clara Arconada : Liên quan đến vac-xin, ngày 15/02, Colombia đã nhận được những lô vac-xin ngừa Covid-19 đầu tiên gồm 50.000 liều và chiến dịch tiêm chủng đã bắt đầu từ ngày 19/02. Người cao tuổi, trên 80 tuổi và nhân viên y tế là những đối tượng ưu tiên. Vac-xin được tiêm miễn phí và không bắt buộc. Tuy nhiên, người được tiêm không được phép lựa chọn loại vac-xin mà họ muốn.

Colombia cũng nằm trong cơ chế Covax do Tổ Chức Y Tế Thế Giới triển khai. Đây là cơ chế nhằm cung cấp vac-xin cho những nước nghèo nhất và đang phát triển trên thế giới nhằm mục đích bảo đảm cho những nước này được tiếp cận với vac-xin ngừa Covid-19 một cách chính đáng và công bằng.

Nhờ đó, 117.000 liều vac-xin đã đến Colombia ngày 01/03 trong khuôn khổ Covax. Colombia là nước Nam Mỹ đầu tiên và là nước thứ hai trên thế giới nhận được vac-xin trong khuôn khổ Covax. Cũng cần lưu ý là Colombia đã tiến hành thủ tục ngay từ ngày 30/10/2020 để đạt được thỏa thuận với Covax nhằm tham gia sớm nhất vào chương trình tiêm chủng này.

Cuối cùng, kế hoạch tiêm chủng ngừa Covid-19 của Colombia là chủng ngừa được cho 35,2 triệu người dân Colombia vào năm 2021, trong khi dân số nước này là 49 triệu người.

RFI Tiếng Việt cảm ơn bạn Clara Arconada.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.