Vào nội dung chính
WTO - COVID 19 - VAC-XIN

Covid-19 : Tổ Chức Thương Mại Thế Giới chia rẽ về khả năng đình chỉ bảo hộ sáng chế vac-xin

Cuộc chạy đua vac-xin ngừa Covid-19 vẫn tiếp diễn gay gắt. Hôm qua 10/03/2021, Liên Hiệp Châu Âu thông báo mua thêm 4 triệu liều vac-xin Pfizer BioNTech. Thụy Sĩ cũng đặt mua thêm 3 triệu liều. Trong khi đó, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) thảo luận về khả năng đình chỉ quyền bảo hộ các bằng sáng chế vac-xin ngừa Covid-19 để đẩy nhanh việc sản xuất.

Tranh vẽ trên tường ca ngợi đội ngũ y tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, trên một phố ở Navi Mumbai, Ấn Độ, ngày 08/03/2021.
Tranh vẽ trên tường ca ngợi đội ngũ y tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, trên một phố ở Navi Mumbai, Ấn Độ, ngày 08/03/2021. REUTERS - FRANCIS MASCARENHAS
Quảng cáo

Hiện giờ đã có khoảng 100 quốc gia ủng hộ đề xuất này. Nhưng các nước phương Tây, nơi tập trung hầu hết các tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới, thì không ủng hộ sáng kiến đó.

Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche giải thích :

« Đối với những người ủng hộ sáng kiến, trong đó có Ấn Độ, việc đình chỉ bảo hộ bằng sáng chế sẽ cho phép tăng số cơ sở sản xuất trên khắp thế giới. Các quốc gia nghèo, những nước đang gặp khó khăn để được nhận vac-xin, có thể được giao vac-xin một cách nhanh chóng với chi phí phải chăng.

Nhưng theo Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Dược phẩm Quốc tế, Thomas Cuéni, điều còn thiếu hiện nay để có thể sản xuất thêm nhiều vac-xin là nguyên liệu và nhân lực có trình độ. Ông Thomas Cuéni khẳng định vấn đề không phải là bằng phát minh : « Vào lúc ngành công nghiệp dược phẩm đang hành động mà nói bây giờ họ phải từ bỏ quyền bảo hộ bằng sáng chế của họ để đối phó với đại dịch hiện nay thì việc này không có tác dụng gì và sẽ không giúp làm tăng số liều vac-xin sản xuất được. Thậm chí việc này còn có nguy cơ làm mất đi tinh thần hợp tác hiện có ».

Lập luận bằng sáng chế không quá quan trọng này trong cuộc chiến chống lại đại dịch, Nam Phi không tin vào điều đó. Tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, quốc gia này đã tố cáo các hoạt động của ngành công nghiệp dược phẩm tìm kiếm tối đa lợi nhuận bất chấp các lợi ích chung. Đó cũng là ý kiến của tổ chức phi chính phủ Y Sĩ Không Biên Giới. David di Lorenzo là điều phối viên của tổ chức này. Ông phát biểu : « Đó là điều mà lần nào chúng tôi cũng nhận thấy. Có một nỗi sợ hãi xuất hiện, vì thế người ta sẽ đưa ra các lời hứa, nói về tình đoàn kết trên thế giới nhưng rồi cuối cùng, các cơ chế thường thấy lại được triển khai như cũ, và lợi nhuận lại được đặt lên trên mạng sống của con người ».

Trước mắt, các nước thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vẫn chưa tìm ra được một thỏa thuận nào. Có lẽ khả năng này còn xa vời. Hai cuộc họp khác bàn về bằng sáng chế đã được lên kế hoạch, sẽ diễn ra từ nay đến đầu tháng Sáu tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.