Vào nội dung chính
NGA - SYRIA

Nga: Các tổ chức phi chính phủ kiện lực lượng đánh thuê Wagner phạm tội ác ở Syria

Dịp kỷ niệm 10 năm bắt đầu cuộc cách mạng ở Syria và cuộc chiến bùng lên sau đó, đã bất ngờ được đánh dấu bằng một vụ kiện chưa từng thấy ở Nga. Lần đầu tiên, một đơn kiện sẽ được đệ trình nhắm vào số lính đánh thuê Nga thuộc nhóm Wagner đã hoạt động ở Syria từ nhiều năm nay.

Cuộc chiến tranh kéo dài gần 10 năm đã biến cả nước Syria thành một đống đổ nát. Ảnh chụp tại thành phố Idleb, ngày 07/05/2019.
Cuộc chiến tranh kéo dài gần 10 năm đã biến cả nước Syria thành một đống đổ nát. Ảnh chụp tại thành phố Idleb, ngày 07/05/2019. Amer ALHAMWE / AFP
Quảng cáo

Sáu người trong lực lượng này bị cáo buộc là đã tra tấn và cắt xẻo bộ phận thân thể một công dân Syria vào tháng 6 năm 2017. Cho đến nay vẫn chưa có một cuộc điều tra nào được mở ra, cả ở Syria lẫn Nga, do đó, một nhóm tổ chức phi chính phủ đã quyết định khắc phục điều này.

Từ Matxcơva, các thông tín viên RFI Daniel Vallot và Roussina Chiratova tường trình:

"Đó là những hình ảnh khủng khiếp được đưa lên mạng vào mùa hè năm 2017, cho thấy một người đàn ông không có vũ khí bị đánh đập và tra tấn đến chết, thân thể sau đó bị cắt xẻo và đầu bị chặt. Vây quanh nạn nhân là một nhóm đàn ông mặc quân phục, nói tiếng Nga, bị tình nghi là thuộc tổ chức Wagner, một nhóm lính đánh thuê hoạt động ở Syria từ nhiều năm nay.

Nạn nhân đã được một số người thân ở Liban nhận dạng. Và nhân danh gia đinh của nạn nhân người Syria, một tập hợp tổ chức phi chính phủ đã đệ trình một đơn kiện vào hôm nay tại Mátxcơva.

Alexander Cherkassov, thành viên của tổ chức phi chính phủ Memorial, một trong ba NGO đã khởi kiện, ghi nhận:

“Đây là một vụ giết người ghê rợn, những hành vi tra tấn tương đương với tội ác chiến tranh. Và tội ác này không thể không bị trừng phạt… Chúng tôi đã trải nghiệm những điều tương tự trong các cuộc chiến ở vùng Tchetchenia, với những tội ác tàn bạo đã được gây ra và trong một số trường hợp, không có bất kỳ một cuộc điều tra nào được mở ra.

Cần phải nỗ lực rất nhiều để phá bỏ bức tường phạm tội mà không bị trừng phạt đó, một điều lại càng khó khăn hơn khi chính quyền Nga từ chối công nhận sự tồn tại của nhóm đánh thuê Wagner. Nhà Nước Nga cho rằng họ không có trách nhiệm đối với hành động của những người lính đánh thuê đó, vì trong mắt họ, lực lượng này không tồn tại hợp pháp.

Vì vậy, đối với tổ chức Memorial và Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền FIDH, đơn kiện lần này cũng là một cách để buộc Nga phải thừa nhận trách nhiệm của mình đối với những tội ác mà Wagner đã gây ra ở nước ngoài.”

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.