Vào nội dung chính
BELARUS - KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ

Vì sao khủng hoảng chính trị Belarus bế tắc ?

Tại Belarus, phong trào phản kháng đòi dân chủ, chống lại cuộc bầu cử tổng thống bị lên án là gian lận trên quy mô lớn, bùng lên từ tháng 8/2020. Tuy nhiên, chế độ của tổng thống Loukachenko vẫn tồn tại, bất chấp các cuộc biểu tình khổng lồ với cả trăm nghìn người, diễn ra vào Chủ Nhật mỗi tuần.

Một cuộc biểu tình của đối lập Belarus ngày 25/10/2020 tại Minsk, với lá cờ Đỏ - Trắng, màu cờ của nhà nước Belarus độc lập (1918-1919)
Một cuộc biểu tình của đối lập Belarus ngày 25/10/2020 tại Minsk, với lá cờ Đỏ - Trắng, màu cờ của nhà nước Belarus độc lập (1918-1919) © ASSOCIATED PRESS
Quảng cáo

Hôm qua, 24/03/2021, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết yêu cầu chính quyền Belarus « tổ chức bầu cử tự do và hợp pháp, đối thoại với đối lập, nhằm tái lập và duy trì Nhà nước pháp quyền, nền dân chủ ». Dự thảo nghị quyết do Liên Âu đề xuất đã được thông qua với 20 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 20 phiếu trắng. Nghị quyết được thông qua đúng một hôm trước ngày 25/03 mang tính biểu tượng. 25 tháng 3 - ngày mà đối lập Belarus biểu dương hàng năm như « Ngày Tự Do » - chính là ngày ra đời một Nhà nước Belarus độc lập vào năm 1918. Tuy nhiên Nhà nước độc lập này chỉ tồn tại một năm ngắn ngủi, trước khi Belarus bị sát nhập vào nước Liên Xô cộng sản.

Nhân ngày Tự Do 25/03, đối lập Belarus kêu gọi biểu tình quy mô trở lại, sau kỳ nghỉ đông, nhằm gây áp lực với chính quyền Loukachenko. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, khủng hoảng chính trị tại Belarus sẽ còn tiếp tục dằng dai, sẽ không có bên thắng bên thua trong thời gian trước mắt. Chuyên gia địa chính trị, giáo sư sử học Pháp Patrice Gourdin, trong một bài viết trên trang mạng tạp chí Diploweb, nói đến một « cuộc khủng hoảng bị đóng băng ».

***

1 – Vì sao nói khủng hoảng chính trị Belarus « bị đóng băng » ?

« Khủng hoảng bị đóng băng » là một mô tả mà giáo sư sử học Patrice Gourdin đề xuất trong bài viết « Belarus : Địa chính trị học về ‘‘một cuộc khủng hoảng bị đóng băng’’ » (21/03/2021), để nói về tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện nay tại Belarus. Tác giả nêu ra một số lý do dẫn đến tình trạng này. Trước hết, nhìn chung, chính quyền Nga không có khả năng tác động để chấm dứt hoàn toàn khủng hoảng chính trị hiện nay, theo hướng có lợi cho Matxcơva. Cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục dai dẳng ở cường độ thấp còn do tính chất đặc thù của xã hội Belarus, vốn rất ít có sự phân hóa sâu sắc trong nội bộ xã hội, về mặt kinh tế, về tôn giáo hay văn hóa.

Cộng đồng quốc tế, trước hết là các nước phương Tây nhìn chung có thái độ « rất thận trọng », một mặt ủng hộ phong trào dân chủ, đòi chính quyền Minsk chấm dứt đàn áp, nhưng mặt khác cũng không muốn làm quá căng, bởi có nguy cơ tạo cơ hội cho Nga can thiệp sâu hơn vào Belarus, đặc biệt với việc bố trí các căn cứ quân sự lớn, tạo thêm áp lực với sườn phía đông của Liên Hiệp Châu Âu.

2 – Những yếu tố nào là đáng kể nhất khiến khủng hoảng « bị đóng băng » ?

Giáo sư sử học Patrice Gourdin nhấn mạnh trước hết đến vị trí địa lý của quốc gia Belarus, như lĩnh vực quan trọng số một. Belarus là quốc gia tuy nằm ở vị trí giao lộ của phần đông của châu Âu, một vị trí có thể coi như thuận lợi. Tuy nhiên Belarus đã không có được một tầm quan trọng trên thực tế về mặt địa chiến lược, do bản thân Belarus thiếu đi các nguồn lực (về kinh tế, tài nguyên, về dân số cũng như về chính trị) để tự khẳng định con đường riêng cho mình. Vị thế của một quốc gia phụ thuộc lại càng trở nên trầm trọng hơn cho Belarus, khi bị kẹp như giữa gọng kìm, giữa một bên là nước Nga và nhiều quốc gia láng giềng khác, đều có quan hệ căng thẳng với Nga.

Kinh tế Belarus phụ thuộc nặng nề vào Nga, về mặt năng lượng và về nguyên liệu. Mô hình kinh tế của Belarus gần như kế thừa nguyên vẹn thời Liên Xô. Đa số dân Belarus phụ thuộc vào kinh tế Nhà nước. 70% GDP của Belarus là thuộc lĩnh vực công.

Ngoài một số ít lĩnh vực, như công nghệ tin học, nhìn chung kinh tế Belarus rất ít mở ra với thế giới bên ngoài. Cũng do điểm này mà khác với đa số các nước cộng hòa Liên Xô cũ (như Nga hay Ukraina), tại Belarus không có các tập đoàn tài phiệt nắm nhiều quyền lực về kinh tế và chính trị. Trong các khẩu hiệu của phong trào đòi dân chủ, cũng không có yêu sách chống lại các nhóm tài phiệt. Khủng hoảng chính trị Belarus chỉ dừng ở mức vừa phải, không bùng phát mạnh, cũng do nhiều yếu tố xã hội. Về mặt y tế, dân Belarus có tuổi thọ được cải thiện, hệ thống giáo dục khá tốt. 

Nhà sử học Patrice Gourdin đặc biệt nhấn mạnh đến ý thức độc lập về chính trị của Belarus chưa được định hình rõ ràng trong thời cận hiện đại, khiến khó hình thành nên một lực lượng chính trị đủ sức tìm lối thoát cho khủng hoảng. Đây là điều mà tác giả coi là một yếu tố rất quan trọng. Những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Belarus thì có, nhưng khó có thể nói đến một bản sắc quốc gia – dân tộc đủ vững chãi, trước khi Belarus bị sáp nhập hoàn toàn vào đế chế Nga, và vào Liên Bang Xô Viết sau này. Trước khi sáp nhập vào đế chế Nga, vùng đất nay là Belarus vốn là một lãnh thổ hưởng quyền tự trị rộng rãi trong Liên minh với Litva, rồi Liên bang Ba Lan – Litva. Nhìn chung, tại Belarus, gần như chưa có một thế lực chính trị nào trỗi dậy có đủ năng lực khẳng định độc lập dân tộc. Sự phụ thuộc vào Nga là một hằng số, kể cả trước khi tổng thống Loukachenko lên nắm quyền năm 1994, cũng như sau này.

3 – Thái độ của Nga có ý nghĩa quyết định cho một lối thoát cho khủng hoảng Ukraina. Vậy Matxcơva có thể hành động như thế nào ?

Phong trào đòi dân chủ bùng lên từ tháng 8 năm ngoái đặt điện Kremlin trước tình thế mới. Matxcơva bắt đầu phải lo về việc phong trào dân chủ Belarus có nguy cơ lan rộng sang Nga. Tuy nhiên, nhìn chung, theo nhà sử học Patrice Gourdin, chính quyền Nga rõ ràng vẫn đứng ở thế thượng phong. Dù tổng thống Loukachenko dập tắt phong trào đòi dân chủ, hay đối lập Belarus lật đổ chính quyền Loukechenko, thì cả hai bên đều cần đến Nga.

Theo ông Patrice Gourdin, rất nhiều khả năng Nga sẽ chọn giải pháp chờ đợi để tìm thời cơ can thiệp đúng lúc. Nga không muốn đứng hẳn về phía tổng thống Loukachenko, can thiệp mạnh vào Belarus, do lo ngại làm gia tăng tình cảm chống Nga tại quốc gia láng giềng. Cuộc khủng hoảng Thượng Karabakh tại vùng Kavkaz mới đây là một ví dụ rõ ràng. Matxcơva đã đợi cho xung đột giữa hai bên Armenia và Azerbaidjian, với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, đạt đến mức mà Matxcơva có thể đứng ra làm môi giới, để hưởng lợi tối đa từ các bên.

Chính quyền Putin cũng có rất nhiều biện pháp để can thiệp vào Belarus. Trước hết là duy trì tình trạng « hỗn loạn nhưng trong vòng kiểm soát », khai thác tình cảm thân Nga vốn có của giới lãnh đạo Belarus, và kích động tình cảm thân Nga, bài phương Tây (và trước hết là chống Ba Lan) trong xã hội.

Theo nhà sử học, chính quyền Nga đứng đằng sau dự án trưng cầu dân ý của Quốc Hội Belarus về một « Ngày Nhân dân Đoàn kết ». Hai ngày được đưa ra lựa chọn là ngày 17/09 và ngày 14/11. Cả hai ngày lịch sử của năm 1939 này đều nhằm khẳng định sự gắn bó mật thiết giữa Belarus và Nga. Ngày 17/09/1939 là ngày Hồng Quân Liên Xô chiếm một phần lãnh thổ do Ba Lan kiểm soát để sáp nhập vào lãnh thổ Belarus hiện nay. Ngày 14/11/1939 là ngày chính quyền Belarus chính thức hóa việc sáp nhập.

4 – Người dân Belarus, muốn thay đổi theo hướng dân chủ hóa, có khả năng hành động ra sao trong bối cảnh nhiều bất lợi hiện nay ?

Theo nhà sử học Patrice Gourdin, quốc gia Belarus có rất ít lợi thế trong cuộc chơi địa chính trị hiện nay, và người dân Belarus gần không có phương tiện để có thể định đoạt số phận của mình. Bối cảnh khu vực và quốc tế đều bất lợi. Tuy nhiên, cũng có thể trong cái khó ló cái khôn. « Các thách thức kéo dài » hiện nay có thể dẫn đến sự trỗi dậy của một ý thức chính trị quốc gia mạnh mẽ hơn tại Belarus. Tuy nhiên, dự án chính trị nào cho Belarus vẫn là một ẩn số.

Dù sao, có một điểm rõ ràng là cuộc khủng hoảng bùng lên từ tháng 8/2020 đã đưa Belarus từ chỗ là một quốc gia bị quên lãng, trở thành một quốc gia nằm ở tâm điểm của các quan tâm quốc tế. « Kịch bản lạc quan nhất » cho Belarus có thể là một giải pháp kiểu Moldavia (cũng là một quốc gia Liên Xô cũ), với cuộc bầu cử tổng thống 15/11/2020. Bà Maia Sandu - ứng cử viên chống lại các đối thủ thân Nga – rút cuộc đã đắc cử. Tân tổng thống Moldavia khẳng định là người không chống Nga, không thân Nga, mà quan tâm trước hết đến lợi ích quốc gia. Tổng thống Nga Putin ngay lập tức đã chức mừng người thắng cử tại Moldavia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.