Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Covid-19 : Các bảo tàng lớn trên thế giới mất 77% khách

Trong những năm bình thường, hàng triệu lượt du khách rủ nhau đi xem bức tranh La Joconde tại bảo tàng Louvre ở Paris, chiêm ngưỡng bộ tượng Phật của trường phái Gandhara, triều đại Kushan tại Viện bảo tàng quốc gia ở Tokyo, xem triển lãm thường niên về y phục thời trang tại Metropolitan, New York. Thế nhưng, dịch Covid-19 đã làm giảm hơn ba phần tư số khách tham quan. Các bảo tàng lớn cũng đã đóng cửa trong gần 5 tháng trong năm 2020.

Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp trong những ngày đại dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 14/10/2020.
Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp trong những ngày đại dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 14/10/2020. AP - Lewis Joly
Quảng cáo

Theo điều tra chuyên ngành do nguyệt san Art Newspaper, công bố cuối tuần qua, các viện bảo tàng lớn thuộc vào hàng nhất nhì thế giới, đều bị mất rất nhiều doanh thu do lệ thuộc phần lớn vào lượng khách tham quan nước ngoài. Tờ báo chuyên ngành Art Newspaper, có trụ sở tại Luân Đôn, đã tiến hành cuộc khảo sát thường niên với 280 viện bảo tàng có uy tín trên thế giới. Kết quả điều tra cho thấy là tính trung bình các cơ sở này đã buộc phải ngưng hoạt động đến 145 ngày trong năm vừa qua.

Tình trạng của các viện bảo tàng châu Á

Bất kể chuyện vào cửa bảo tàng xem bộ sưu tập thường trực có miễn phí hay không, như trường hợp của British Museum tại Luân Đôn hay là viện bảo tàng Hermitage tại Saint Petersburg, số khách tham quan trong nước dù có gia tăng nhất thời, cũng không thể nào bù đắp cho lượng du khách hàng năm đến từ nước ngoài. Nhìn chung, 280 bảo tàng lớn đã thu hút khoảng 230 triệu lượt khách tham quan trong năm 2019. Khi có dịch Covid-19, số người thăm viếng đã giảm rất mạnh, trong năm 2020 chỉ còn 54 triệu khách mà thôi. 

Tại châu Á, ngoại trừ trường hợp của Viện bảo tàng quốc gia Đài Loan tuy có bị tác động nhưng không mạnh bằng các nước láng giềng là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, do chính quyền Đài Bắc đã nhanh chóng kiểm soát được đà lây lan của dịch bệnh. Trong khi đó tại Nhật Bản, viện bảo tàng Quốc gia ở Tokyo trong năm vừa qua đã bị mất khoảng 70% số khách tham quan. Riêng về trường hợp của Viện bảo tàng Quốc gia Trung Quốc. Bảo tàng nghệ thuật Bắc Kinh đứng hàng thứ hai trên thế giới về số khách tham quan (7,6 triệu) sau Viện bảo tàng Louvre ở Paris (10,2 triệu), cũng đã buộc phải đóng cửa trong hơn 3 tháng. Đến khi mở cửa trở lại, Bảo tàng nghệ thuật Bắc Kinh do các quy định phòng dịch đã hạn chế tối đa lượng người thăm viếng, từ 30.000 khách xuống còn 3.000 khách tham quan mỗi ngày, tức đã giảm 90%. 

Tại châu Âu, hai nước Pháp và Ý phải trả giá cao cho các đợt phong tỏa. Việc đóng cửa biên giới các nước thành viên châu Âu cũng cắt giảm ngay tức khắc nguồn khách du lịch quốc tế đặc biệt là trong mùa hè, việc di chuyển trong khối Schengen cũng phần nào bị hạn chế. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới, hai thủ đô Paris hay Roma thường thu hút đông đảo người thăm viếng trong hai tháng hè, chỉ tiếp đón khoảng 5% du khách trong năm 2020 so với những năm trước. Điều đó tác động ngay đến số khách tham quan. 

Các bảo tàng Âu Mỹ trả giá cao thời Covid-19

Viện bảo tàng Vatican hay quần thể bảo tàng Capitolini mất 70% khách thăm viếng. Về phía Paris, ba bảo tàng quốc gia thuộc vào hàng lớn nhất nước Pháp là Louvre, Orsay và Trung tâm Pompidou đều mất 75% khách tham quan. Chỉ riêng bảo tàng Louvre, mức thất thu xấp xỉ cả trăm triệu euro chỉ riêng trong năm qua.

Tại Vương quốc Anh, ngoại trừ trường hợp đặc biệt của bảo tàng National Gallery, chỉ bị thất thu 14 triệu bảng Anh (khoảng 16 triệu euro) tức thấp hơn 5 lần so với mức thiệt hại của Louvre, đại đa số các bảo tàng lớn còn lại, kể cả British Museum (phụ thuộc rất nhiều vào nguồn du lịch) đã mất đến 77% lượt khách tham quan, chủ yếu cũng vì các cơ sở này đã phải ngưng hoạt động hơn 6 tháng trời trong suốt một năm. 

Tác động kinh tế của dịch Covid-19 cũng được thấy rõ tại Tây Ban Nha, đặc biệt là đối với Bảo tàng quốc gia El Prado tại Madrid, sau khi phải đóng cửa trong 3 tháng liền, El Prado được mở lại với nhiều quy định phòng dịch, khiến bảo tàng này đã mất 76% khách. Bảo tàng nghệ thuật đương đại Reina Sofía còn gọi nôm na là trung tâm Beaubourg của thủ đô Madrid cũng mất 72% lượng khách thăm viếng.

Về phía Hoa Kỳ, ngoài số ca tử vong kỷ lục (khoảng 560.000 người chết tính tới ngày 09/04/2021), ngành văn hóa ở Mỹ cũng trả giá rất cao vì dịch Covid-19. Tình hình của các viện bảo tàng Mỹ còn tùy thuộc theo từng bang. Nhiều cơ sở văn hoá ở bang California vẫn còn phải đóng cửa. Một số bảo tàng hay phòng trưng bày ở các tiểu bang khác như Crystal Bridges ở Arkansas đã mở cửa trở lại từ mùa hè năm 2020 nhưng lại vắng khách. 

Trường hợp ngoại lệ của châu Đại Dương 

Các bang miền Đông dọc bờ Đại Tây Dương càng thê thảm hơn nữa. Viện bảo tàng Guggenheim ở New York đã ghi nhận mức giảm kỷ lục khi bị mất đến 88% số khách tham quan trong năm qua. Điều đó đã buộc khá nhiều viện bảo tàng ở Mỹ phải đem bán một số tác phẩm nghệ thuật quan trọng trong bộ sưu tập để đỡ bớt gánh nặng tài chính. Đó là trường hợp của viện bảo tàng Brooklyn,  bảo tàng Nghệ thuật ở Baltimore hay là bảo tàng Everson tại thành phố Syracuse thuộc bang New York.   

Một số bảo tàng lớn trên thế giới, tương đối may mắn hơn do chính quyền các quốc gia đã nhanh chóng ban hành các biện pháp nhằm khống chế đà lây lan của dịch bệnh. Đó là trường hợp của hai nước Úc và New Zealand. So với châu Âu hay châu Mỹ, Úc và New Zealand đã thoát khỏi kịch bản tồi tệ nhất và các cơ sở văn hóa cấp quốc gia tuy có ngưng hoạt động khi dịch bệnh bùng phát, nhưng vẫn không bị đóng cửa lâu như các bảo tàng trên các châu lục khác và cũng không bị nhiều hạn chế kể từ khi được mở lại. 

Nhìn từ phía các nước Âu Mỹ, cả hai quốc gia ờ vùng châu Đại Dương này có thể được xem như là một tấm gương sáng. Có lẽ cũng vì thế mà trên danh sách 280 viện bảo tàng trên thế giới bị Covid-19 tác hại nặng nề, các cơ sở văn hóa ở New Zeland đã về đầu nhờ vào các nỗ lực chống dịch có hiệu quả, cho nên đã ít bị tác động mạnh về mặt kinh tế. Bảo tàng "Art Gallery Te Puna o Waiwhetū" tại thành phố Christchurch (lớn hàng thứ nhì sau trung tâm kinh tế Auckland) chỉ mất 28% số người tham quan. Một cách tương tự, cứ trên 10 khách thăm viếng, Viện bảo tàng quốc gia lịch sử ở thủ đô Wellington cũng chỉ mất có 3 khách tham quan mà thôi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.