Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Tham vấn ý kiến công dân về Tương lai của Liên Âu qua mạng

Hôm qua, 09/05/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron khai mạc cuộc tham vấn ý kiến nhân dân về tương lai của Liên Hiệp Châu Âu, qua mạng, với tên gọi chính thức « Hội nghị về Tương lai châu Âu ». Kết luận chính thức của cuộc tham vấn công dân châu Âu sẽ được công bố vào mùa xuân 2022, khi Pháp đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khai mạc « Hội nghị về Tương lai châu Âu » tại Nghị Viện Châu Âu, trụ sở Strasbourg, Pháp, ngày 09/05/2021.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khai mạc « Hội nghị về Tương lai châu Âu » tại Nghị Viện Châu Âu, trụ sở Strasbourg, Pháp, ngày 09/05/2021. AP - Jean-Francois Badias
Quảng cáo

Theo AFP, tham dự lễ khai mạc cuộc tham vấn ý kiến công dân, cùng với tổng thống Pháp, có nhiều lãnh đạo châu Âu - đại diện cho ba định chế chủ chốt của Liên Âu : chủ tịch Nghị Viện Châu Âu David Sassoli, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, quốc gia đương kim chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Liên Âu.

Tại Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, miền đông bắc nước Pháp, tổng thống Pháp khẳng định « đối diện với chủ nghĩa chuyên quyền, câu trả lời duy nhất đúng đắn là quyền lực của nền dân chủ », và quyền lực này chỉ có thể chiến thắng nhờ « tính hiệu quả và tốc độ ». Nguyên thủ Pháp nhấn mạnh, « chúng ta không thể có được một mô hình xã hội đoàn kết, nếu chúng ta không sản xuất, nếu chúng ta không quyết định bảo vệ chủ quyền không gian của chúng ta ».

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi giới trẻ đóng góp ý kiến đông đảo, để « xây dựng các phương thức đoàn kết và công bằng xã hội mới giữa các thế hệ », trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại cuộc sống của thế hệ trẻ châu Âu trong tương lai sẽ kém hơn thế hệ trước. Thủ tướng Bồ Đào Nha, chủ tịch luân phiên Hội Đồng Liên Âu khẳng định tương lai của Liên Âu không thể là vấn đề riêng của Bruxelles. Chủ tịch Nghị Viện Châu Âu lưu ý : « hội nghị này là để cho những công dân bình thường. (…) Châu Âu không phải là của riêng giới tinh hoa ».

Cuộc tham vấn ý kiến công dân về Tương lai Liên Âu được khai mạc đúng vào Ngày Châu Âu, 09/05, kỷ niệm Tuyên bố Shuman năm 1950. Ngày 09/05/1950, ngoại trưởng Pháp Robert Schuman có bài diễn văn lịch sử, cổ vũ hợp tác chính trị giữa các quốc gia châu Âu. Tuyên bố Schuman được coi nhiều người coi như đánh dấu thời điểm khai sinh của Liên Hiệp Châu Âu.

Do dịch bệnh, cuộc tham vấn ý kiến công dân sẽ được tiến hành hoàn toàn qua mạng, thông qua địa điểm chính là trụ sở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg. Một hội nghị toàn thể với 433 đại diện sẽ được tổ chức tại đây. Phủ tổng thống Pháp hy vọng là các trao đổi với công dân Liên Âu sẽ diễn ra « ngay từ ngày đầu tiên ». Theo một thăm dò dư luận do Nghị Viện và Ủy Ban Châu Âu đặt hàng, 80% dân châu Âu hy vọng Hội nghị về Tương lai Liên Âu sẽ ưu tiên đề cập đến việc Liên Hiệp Châu Âu làm thế nào để xử lý tốt hơn các khủng hoảng như đại dịch Covid-19.

Cuộc tham vấn ý kiến công dân lần này lẽ ra đã được tiến hành cách nay một năm, nhưng phải hoãn lại, một phần do đại dịch, phần khác, do việc Nghị Viện, Ủy Ban và Hội Đồng Liên Âu khó tìm được đồng thuận. Ba định chế chủ chốt nói trên của Liên Hiệp Châu Âu chỉ đạt thỏa thuận vào tháng 3/2021. Và chỉ cho đến hôm thứ Sáu, 08/05, ba đồng chủ tịch cuộc tham vấn ý kiến công dân mới đạt được thỏa thuận cụ thể về việc tổ chức một hội nghị toàn thể tại Strasbourg, với sự tham gia của 433 thành viên, bao gồm đại diện chính quyền các quốc gia thành viên, nghị sĩ châu Âu, Ủy Ban Châu Âu, nghị sĩ các quốc gia thành viên… và 116 đại diện của xã hội dân sự.

Theo Le Monde, ẩn số lớn hiện nay là thái độ của công dân châu Âu đối với cuộc tham vấn này. Hai cuộc đóng góp ý kiến trước đó của công dân châu Âu về tương lai Liên Âu, năm 2018 và 2002, đều không thành công.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.