Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG ĐÔNG

Hoa Kỳ trước « cơ hội lịch sử » cho hòa bình và phát triển ở Trung Đông

Xung đột Israel và tổ chức Hamas cầm quyền ở dải Gaza bùng lên giữa tháng 5/2021 là tâm điểm chú ý của thế giới. Cho đến nay, nỗ lực ngoại giao không đạt kết quả. Hoa Kỳ bị lên án thiên vị Israel, khi ngăn chặn mọi tuyên bố chung của Hội Đồng Bảo An.

Từ trái sang phải: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ngoại trưởng Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất  Abdullah bin Zayed al-Nahyan và ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed Al Khalifa tại lễ ký kết các Thỏa thuận Abraham ở Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày 15/09/2020.
Từ trái sang phải: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ngoại trưởng Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Abdullah bin Zayed al-Nahyan và ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed Al Khalifa tại lễ ký kết các Thỏa thuận Abraham ở Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày 15/09/2020. AP - Alex Brandon
Quảng cáo

Tuy nhiên, bạo lực Israel - Gaza không che lấp được một thực tế là trọng tâm của khu vực nay không còn là thế đối đầu Israel - Palestine. Trung Đông đang có một số thay đổi đáng kể trong những năm gần đây.

Tân chính quyền Mỹ đang đứng trước một « cơ hội lịch sử » cho hòa bình và phát triển tại Trung Đông, đó là nhận định của nhà báo Frederick Kempe, chủ tịch và giám đốc điều hành Atlantic Council, viện tư vấn về chính trị quốc tế và kinh tế, có trụ sở tại Washington. Nhìn Trung Đông trong cục diện đang biến đổi này có thể giúp hiểu được phần nào vì sao chính quyền Biden chọn một thái độ dè dặt trong việc can thiệp vào xung đột Israel - Hamas, đang hồi dữ dội. Sau đây là tóm lược dưới dạng hỏi đáp một số nét chính bài phân tích của nhà báo Frederick Kempe, Viện tư vấn Atlantic Council, mang tiêu đề « Biden trước cơ hội lịch sử cho hòa bình và phát triển ở Trung Đông », trên CNBC (ngày  09/05/2021).

1 / Đâu là những thay đổi có lợi cho hòa bình và phát triển tại Trung Đông mới đây ?

Trong hàng loạt các thay đổi hiện nay, nhà báo Frederick Kempe chú ý đến bốn chỉ dấu căn bản cho thấy cục diện Trung Đông đang biến đổi mạnh. Chỉ dấu thứ nhất là hai đối thủ « quyết liệt » nhất của khu vực, là Ả Rập Xê Út và Iran, vốn là hai kẻ thù không đợi trời chung, bắt đầu tiến hành các thương lượng bí mật để hóa giải xung đột song phương, kể từ tháng Giêng 2021.

Chỉ dấu thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ, đầu tháng 5/2021 này, đã đưa Ai Cập vào danh sách các quốc gia mà Ankara có ý định tìm cách cách giảm căng thẳng, đặc biệt gồm các nước Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Israel.

Chỉ dấu thứ ba là, hai quốc gia Ả Rập (Bahrein và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất) ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel (còn gọi là các « thỏa thuận Abraham ») hồi năm ngoái. Tháng tới, các bên sẽ mở ra các thương lượng mậu dịch tự do.

Và chỉ dấu thứ tư là Ai Cập cùng Jordani và Irak tham gia đàm phán tay ba để thúc đẩy quan hệ thương mại.

Nếu tách riêng ra riêng lẻ, từng chỉ dấu này có vẻ không đủ để cho thấy một thay đổi lớn đang diễn ra. Nhưng nếu phối hợp tất cả, nếu thúc đẩy các tiến trình này một cách có bài bản, thì khu vực Trung Đông có thể sẽ bước vào giai đoạn đầu tiên của việc xuống thang căng thẳng, xây dựng các định chế và hợp tác kinh tế. Đây chính là những thành quả mà Châu Âu (đặc biệt là Tây Âu) đã có được trong giai đoạn sau Thế Chiến Hai.

2 / Vì sao lại có những thay đổi đáng kể như vậy tại Trung Đông, một khu vực vốn được coi là lò thuốc súng của thế giới ?

Về quan hệ Ả Rập Xê Út (quốc gia theo hệ phái Hồi giáo Sunni) và Iran (quốc gia theo hệ phái Hồi giáo Shia), lo ngại an ninh của Ả Rập Xê Út trước các đe dọa của Iran là một lý do chính. Bên cạnh đó, Ryad cũng rất dè chừng trước việc chính quyền Joe Biden có thái độ mềm mỏng hơn với Teheran, khiến tương quan lực lượng giữa Ả Rập Xê Út và Iran trở nên bất lợi hơn nhiều cho Ryad. Không phải ngẫu nhiên mà các thương lượng bí mật giữa hai bên được khởi sự từ tháng Giêng 2021. Đây là lúc mà thất bại của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã được khẳng định.

Đối với lãnh đạo Ả Rập Xê Út, thái tử kế vị Mohammed ben Salmane, cuộc tấn công của Iran nhắm vào các cơ sở lọc dầu Ả Rập Xê Út tháng 9/2019 là một cú sốc. Cuộc tấn công, khiến Ả Rập Xê Út thiệt hại khoảng 2 tỉ đô la, cho thấy Ryad khó có khả năng tự vệ, và ngay cả Donald Trump, một tổng thống Mỹ được coi là thân thiết với Ryad, cũng đã không trả đũa Iran dùm Ả Rập Xê Út.

Còn lý do của việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn bình thường hóa quan hệ với nhiều nước Ả Rập và Israel, một phần quan trọng xuất phát từ chỗ Ankara suy yếu về kinh tế và cô lập về chính trị. Các quốc gia Ả Rập và Israel rất lo ngại về việc Ankara hậu thuẫn cho nhiều tổ chức bị các nước này coi là cực đoan, như Huynh Đệ Hồi Giáo và một số nhóm phái khác.

Nhìn chung, nhiều quốc gia hoặc phe phái tại Trung Đông (vốn được coi là các đối thủ không đội trời chung) bắt đầu buộc phải ngồi vào bàn thương lượng do các thiệt hại về tài chính và uy tín do xung đột kéo dài, đã trở nên quá tải. Tại Libya và Yemen, nhiều bên xung đột đã bắt đầu tìm cách xuống thang, cho dù còn lâu mới tìm được giải pháp. Lãnh đạo nhiều quốc gia Trung Đông giờ đây tập trung nhiều hơn cho các nỗ lực phát triển, bởi họ hiểu rằng chủ nhân của tương lai, thế hệ trẻ đang lên, được giáo dục tốt hơn, và hiểu rõ hơn về « các chuẩn mực quốc tế ».

3 / Hoa Kỳ có thể đóng góp gì cho Trung Đông trong bối cảnh hiện nay ?

Theo nhà báo Frederick Kempe, để đóng góp cho xu thế thay đổi tích cực đang diễn ra, chính quyền Mỹ không cần đến việc triển khai thêm quân đội tại khu vực, hay đưa ra các cam kết can dự không hồi kết, những khoản đầu tư khổng lồ. Điều mà Washington cần làm là tăng cường « khả năng sáng tạo về mặt ngoại giao và kinh tế », rút ra các kinh nghiệm tốt từ việc Hoa Kỳ đã từng hỗ trợ Châu Âu, sau Thế Chiến Hai, thiết lập nền hòa bình lâu dài sau nhiều thế kỷ xung đột, giúp Châu Âu xây dựng được các định chế và tập quán hợp tác, vẫn có ý nghĩa cho đến hiện nay.

Để làm được việc này, Hoa Kỳ cũng cần phải nghiên cứu kỹ về những gì đang diễn ra tại Trung Đông, « không can thiệp vào những gì đang vận hành tốt, và chỉ can thiệp khi nào điều này có ích trong việc thúc đẩy những tiến bộ còn đang trong giai đoạn mong manh ».

Theo ông Frederick Kempe, sẽ là sai lầm khi đánh giá thấp khả năng tác động tích cực của Hoa Kỳ đến Trung Đông. Việc tổng thống Biden, trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, thái tử Mohammed Bin Zayed hồi đầu tháng 5/2021 (điện đàm đầu tiên từ khi Biden nhậm chức), nhấn mạnh đến các thỏa thuận Abraham với Israel, đạt được dưới chính quyền Donald Trump, là một dấu hiệu tích cực.

Việc tổng thống Biden nối lại thương lượng với Iran về hạt nhân, tập trung vào vấn đề nhân quyền, và thái độ dè dặt trước viễn cảnh can thiệp của Hoa Kỳ có thể làm trầm trọng thêm xung đột, chia rẽ trong khu vực, là dấu hiệu tích cực khác.

Nhà báo Frederick Kempe cũng khuyến cáo không nên chờ đợi là vùng Trung Đông, trong ngắn hạn, sẽ xây dựng được các định chế tương tự như Liên Hiệp Châu Âu, khối NATO hay Ủy ban An ninh và Hợp tác Châu Âu (CSCE), cơ quan độc lập của Quốc Hội Mỹ. CSCE là định chế thúc đẩy đối thoại giữa các đối thủ thời Chiến Tranh Lạnh (Liên Xô tham gia vào cơ chế này từ năm 1973). Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), với 57 thành viên hiện nay, bắt nguồn từ cơ chế này.

Không nên trông đợi nhiều vào sự đóng góp vật chất của nước Mỹ tại Trung Đông. Thế lực hiện nay của nước Mỹ không còn như vào giai đoạn hơn nửa thế kỷ trước, khi Hoa Kỳ chiếm đến một nửa GDP toàn cầu, và trong lúc một phần lớn Châu Âu trong cảnh hoang tàn sau chiến tranh, và Liên Xô nổi lên như một địch thủ cần ngăn chặn.

4 / Hoa Kỳ cần thận trọng với những gì trong chính sách Trung Đông ?

Nhà báo Viện Atlantic Council nhấn mạnh là tổng thống Joe Biden đã có nhiều kinh nghiệm về Trung Đông, trong những năm dài làm việc tại Thượng Viện, và sau đó là tại Nhà Trắng, với tư cách phó tổng thống, chắc chắn ông Biden hiểu rõ Trung Đông đầy bất trắc có thể hủy hoại toàn bộ các tham vọng quốc tế của chính quyền Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên, chính sách đối ngoại của Joe Biden về Trung Đông rõ ràng là « khiêm tốn », nhằm tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến các mục tiêu đối nội, cũng như ưu tiên đối ngoại về cơ bản, tập trung vào việc chấn hưng kinh tế Mỹ, xây dựng quan hệ đoàn kết với các đồng minh và đối tác Châu Âu và Châu Á, nhằm đối phó với Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhà báo Frederick Kempe đặc biệt nhấn mạnh là chính quyền Biden cần « tránh đi theo các kết luận sai lầm của một số nhà phân tích, theo đó việc Hoa Kỳ rút khỏi khu vực Trung Đông giúp cho việc thúc đẩy các tiến bộ. Ngược lại, Washington cần dành sự hậu thuẫn bền bỉ cho các thế lực trong khu vực, có chủ trương hiện đại hóa và tạo lập bình ổn. Các thế lực này đã bắt đầu thu hoạch một số thành công, nhưng đường đến đích còn xa ».

Ghi chú

(*) Nhà báo Frederick Kempe, làm việc hơn 25 năm cho The Wall Street Journal, là tác giả nhiều tác phẩm về chính trị quốc tế được công chúng chú ý. Tác phẩm được công bố gần đây nhất của ông là « Berlin 1961 : Kennedy, Khrushchev, and the Most Dangerous Place on Earth », được dịch ra 14 thứ tiếng. Frederick Kempe lãnh đạo Viện tư vấn Atlantic Council từ năm 2007.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.