Vào nội dung chính
ANH - TRUNG QUỐC

Luân Đôn : Các chuyên gia nhân quyền mở điều trần nhân chứng về đối xử với người Duy Ngô Nhĩ

Hôm nay 04/06/2021, một nhóm các luật sư và chuyên gia về nhân quyền tại Luân Đôn Anh Quốc bắt đầu loạt thẩm vấn các nhân chứng trong khuôn khổ điều tra về cách đối xử với cộng đồng thiểu số người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương Trung Quốc.

Luật sư chuyên về nhân quyền Geofrey Nice tại nhà riêng ở Adisham, Anh Quốc, ngày 02/09.2020.
Luật sư chuyên về nhân quyền Geofrey Nice tại nhà riêng ở Adisham, Anh Quốc, ngày 02/09.2020. AP - Frank Augstein
Quảng cáo

Theo AFP, chín thành viên do « Tòa án Duy Ngô Nhĩ » chỉ định sẽ thu thập các bằng chứng trực tiếp liên quan đến các hành vi tội ác đối với người sắc tộc thiểu số theo Hồi Giáo tại Tân Cương như cưỡng bức triệt sản, tra tấn, bắt cóc và cưỡng bức lao động.

Mục đích của các điều tra để thẩm định Bắc Kinh có phạm tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại đối với người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số Hồi Giáo khác tại Trung Quốc hay không.

Phó chủ tịch của tổ chức « Tòa án Duy Ngô Nhĩ » Nick Vetch cam kết công việc điều tra sẽ được tiến hành công bằng dựa trên các nhân chứng thu thập trong tuần này và hồi tháng 9 năm ngoái trên một tài liệu hàng nghìn trang.  Ông cho biết đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc cung cấp thêm bằng chứng nếu có, nhưng đến giờ tổ chức này vẫn chưa nhận được gì.

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, sắc dân chiếm đa số ở Tân Cương, đã bị giam cầm trong các trại cải tạo. Bắc Kinh vẫn phản bác lại cho rằng đó là các « trung tâm dạy nghề » cho người dân tộc thiểu số Hồi Giáo, giúp họ tránh « bị sa vào con đường khủng bố, ly khai ».    

Dự kiến báo cáo của « Tòa án Duy Ngô Nhĩ »  sẽ được công bố vào tháng 12 tới. Dù không có giá trị pháp lý, nhưng những người tham gia vào công việc này hy vọng sẽ thu hút sự chú ý của quốc tế để có thể các nước sẽ hành động cụ thể.

Giới quan sát đánh giá việc các buổi điều trần nhân chứng diễn ra tại Luân Đôn này có thể càng làm tăng thêm căng thẳng giữa Vương Quốc Anh và Trung Quốc, dấy lên mạnh mẽ từ hồ sơ trấn áp chính trị ở Hồng Kông. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.