Vào nội dung chính
Ý - COVID-19

Nước Ý thúc đẩy tiêm ngừa để tìm « mầu trắng tự do »

Từ cuối tháng Ba năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Ý, quốc gia châu Âu có số ca nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19 nhiều thứ hai sau Anh Quốc, tiếp tục đà giảm lây nhiễm. Số ca nhiễm mới xuống dưới ngưỡng 4.000 người.

Nhà hàng, quán bar tại Ý được mở cửa đón khách trở lại, Roma, ngày 01/06/2021.
Nhà hàng, quán bar tại Ý được mở cửa đón khách trở lại, Roma, ngày 01/06/2021. AP - Gregorio Borgia
Quảng cáo

Trong tình hình lạc quan này, chính phủ thủ tướng Mario Draghi trông cậy nhiều vào ý thức tiêm chủng của người dân để mở cửa các hoạt động trở lại nhằm khôi phục nền kinh tế. Làm thế nào nước Ý có thể mau chóng tìm lại « mầu trắng » - mầu sắc của tự do ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với linh mục Phạm Hoàng Dũng từ Roma.

**********

RFI Tiếng Việt : Theo truyền thông Ý, từ ngày 24/05/2021, cả nước Ý chuyển sang mầu vàng, trước khi tìm đến mầu trắng. Thưa linh mục có thể nhắc lại cho thính giả biết mầu vàng, mầu trắng có nghĩa là gì ?

LM. Phạm Hoàng Dũng : Mầu sắc đỏ, cam, vàng, trắng biểu hiện tốc độ lây lan nguy hiểm của virus corona. Mầu đỏ là mức nguy hiểm nhất như trong đợt dịch hồi lễ Giáng Sinh hay cuối tháng Ba này. Một vùng nào đó được đặt trong mầu đỏ nghĩa là người dân không được ra khỏi vùng, trừ những trường hợp khẩn có lý do chính đáng thì mới được phép. Việc thăm viếng gia đình bốn người trở lên cũng không được phép.

Hiện tại đa số các vùng nước Ý là mầu vàng. Giữa mầu vàng và mầu đỏ, có mầu cam, nghĩa là bớt nguy hiểm hơn, người dân có thể đi lại một chút. Mầu vàng là tương đối, tình trạng chưa phải là bình thường như mầu trắng. Buổi tối vẫn bị giới nghiêm, không được đi lại sau 23 giờ. Các nhà hàng vẫn chưa được mở cửa (để đón khách sau 18 giờ), các điểm công cộng vẫn hạn chế người đi lại, các sân vận động cũng tương tự, chưa được mở cửa hoàn toàn cho công chúng.  

Như vậy, mầu trắng là mầu của tự do. Vậy để có thể nhanh chóng chuyển sang mầu trắng, chính phủ đã tổ chức tiêm ngừa như thế nào cho người dân ? Chính phủ có những biện pháp nào khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng ?

LM. Phạm Hoàng Dũng : Ý bắt đầu tiến hành tiêm chủng từ tháng 12/2020. Ban đầu là cho tất cả những người làm việc trong các môi trường có nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh của các thành phố, cảnh sát, quân đội hay các nhân viên làm việc ở sân bay. Rồi những người làm việc trong các điều kiện tập thể như ở nhà hàng, các bếp ăn tập thể của các trường học chẳng hạn, hay giới giáo viên, giáo sư… đó là những thành phần khẩn cấp.

Tiếp đến là những đối tượng mắc các chứng bệnh lâu năm, những người già yếu có các bệnh nền như tiểu đường, tim mạch. Từ tháng 2/2021, chính phủ mở rộng dần theo từng độ tuổi. Hiện tại những ai sinh từ ngày 31/12/1981 có thể đăng ký tiêm chủng và đến 12 giờ đêm ngày 01/06, độ tuổi sẽ còn được giảm xuống.

Có thể nói tiến độ tiêm chủng ở Ý là rất nhanh, đây là một sự bất ngờ. Bởi vì khi diễn ra chiến dịch tiêm chủng thì chính phủ bị rơi vào khủng hoảng, phải thay đổi chính phủ và tình trạng này kéo dài mất gần hai tháng. Hơn nữa, nước Ý nổi tiếng về tình trạng quan liêu hành chính.

Thế nhưng, tiến độ tiêm chủng hiện nay ở Ý là rất hiệu quả. Khoảng 20% dân số đã được tiêm đủ hai liều, còn số người đã được tiêm một mũi là gần 38%.

Làm thế nào chính phủ Ý thúc đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng ?

LM. Phạm Hoàng Dũng : Đó là do ý thức của người dân. Chính phủ không có vận động, khuyến cáo hay thông báo. Người dân tự giác đăng ký trên mạng. Quả thật lúc bình thường, không biết ở những nơi khác thế nào, mạng Internet ở Roma đôi khi không chạy, nhưng lần này hiệu quả đăng ký qua mạng để lấy hẹn tiêm ngừa là rất tốt.

Đúng là do ý thức của người dân chứ không phải do nhà nước thúc giục. Tự thấy tình trạng nguy hiểm của virus người dân ý thức được cho sức khỏe của cá nhân cũng như là cộng đồng. Hiện tại, cho dù trời nóng trở lại, thời tiết tốt đẹp hơn, nhiều người hy vọng không còn phải đeo khẩu trang nơi công cộng nữa nhưng theo thăm dò dư luận thì có đến 90% số người được hỏi không đồng ý bỏ khẩu trang nơi công cộng vào lúc này cho tới mùa hè sắp tới.

Tại Pháp chính phủ lập các trung tâm tiêm ngừa lớn ở nhiều thành phố, xã lớn. Ở Ý, chính phủ tổ chức các điểm tiêm ngừa như thế nào ?

LM. Phạm Hoàng Dũng : Mỗi người dân có một thẻ y tế, trong đó có cả mã số thuế. Sau khi đã nhập mã số thuế và số thẻ bảo hiểm, người dân được chọn địa điểm chích ngừa, rồi loại vac-xin mình muốn. Khi mình chọn vac-xin sẽ có một hồ sơ y tế, khai rõ có mắc những bệnh gì, các loại thuốc nào đang sử dụng, có dị ứng với thức ăn hay dược phẩm nào… Khi đến điểm tiêm ngừa, bác sĩ sẽ xem và quyết định loại vac-xin nên dùng. Có những trường hợp mình chọn vac-xin nhưng khi bác sĩ nhìn vào bản khai thì họ khuyến cáo loại vac-xin khác.

Các trung tâm tiêm chủng, ngoài các bệnh viện, còn được tổ chức ở những nơi không gian rộng, gần sân bay, trong một số campus của các trường đại học. Từ ngày 24/05 vừa rồi, một số các nhà thuốc cũng được phép mở dịch vụ chích ngừa, bên cạnh dịch vụ xét nghiệm Covid-19. 

Từ ngày 02-06/06/2021, AstraZeneca mở chương trình Open Week. Mục đích của chương trình này là gì ?

LM. Phạm Hoàng Dũng : Từ ngày 03-06/06/2021, tất cả công dân Ý từ 18 tuổi trở đi đều có quyền đăng ký tiêm ngừa với vac-xin AstraZeneca. Đây là một chương trình riêng của hãng dược phẩm. Đương nhiên bộ Y Tế Ý cũng cho phép để thực hiện chương trình này để thúc đẩy tiến độ tiêm ngừa của người dân.

Bởi vì, nếu đạt được 50% vào tháng Chín, hay 70% theo nguyên tắc về miễn dịch học thì khả năng bước vào mùa đông sắp tới sẽ có lợi rất nhiều mặt về sức khỏe của người dân, nhất là sự miễn nhiễm của người dân trước tình hình lan rộng của các  biến chủng Covid-19.

Chính phủ Ý thông báo là sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ngày 31/07/2021. Liệu quyết định này có quá sớm và hơi phiêu lưu ?

LM. Phạm Hoàng Dũng : Các lãnh đạo vùng miền tối hôm 31/05, khi trả lời phỏng vấn nhật báo Corriere della Sera có tuyên bố là cho dù có chuyện gì xảy ra thì đến 31/07 cũng bãi bỏ tình hình khẩn cấp để người dân có thể đi nghỉ. Nhưng trên thực tế các chuyến bay đến từ Ấn Độ, Bangladesh, hay Sri Lanka thì các hành khách bắt buộc phải bị cách ly. Đó là những nước mà tình hình dịch bệnh vẫn còn rất trầm trọng.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn linh mục Phạm Hoàng Dũng tại Roma.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.