Vào nội dung chính

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu bảo vệ thỏa thuận đầu tư với Bắc Kinh

Vào lúc Nghị Viện Châu Âu bắt đầu họp tại trụ sở chính ở Strasbourg, Pháp, với sự hiện diện của các nghị sĩ sau hơn 15 tháng phải họp trực tuyến vì dịch Covid-19, và Liên Hiệp Châu Âu (EU) chuẩn bị đón tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hôm qua, 07/06/2021, đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc đầy tranh cãi mà hai bên đã ký kết vào cuối năm ngoái 2020.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tại Bruxelles, Bỉ, ngày 2/6/2021.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tại Bruxelles, Bỉ, ngày 2/6/2021. REUTERS - JOHANNA GERON
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, trong một cuộc phỏng vấn dành cho một số nhà báo, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu không ngần ngại cho rằng thỏa thỏa thuận đầu tư được đúc kết giữa Bruxelles và Bắc Kinh là “một bước tiến lớn đi theo đúng hướng”.

Đối với nhân vật có vai trò giống như tổng thống của khối 27 nước Liên Âu, trong quan hệ với Trung Quốc, EU “sẽ không thỏa hiệp về những vấn đề giá trị cơ bản và quyền tự do, cũng như vấn đề nhân quyền”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Liên Âu phải biết “tái cân bằng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.”

Ông Charles Michel giải thích: “Trong những năm gần đây, Liên Âu đã quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường chung của mình” nhưng lại để xẩy ra tình trạng “thiếu có đi có lại”. Do đó, theo ông, Liên Âu vào năm ngoái “đã quyết định đẩy nhanh các cuộc đàm phán” với Trung Quốc nhằm hướng tới thỏa thuận đầu tư.

Ủy Ban Châu Âu, định chế đặc trách chính sách thương mại của 27 thành viên EU, đã ký một thỏa thuận bất ngờ với Bắc Kinh về đầu tư vào cuối năm 2020, sau nhiều năm bế tắc. Đức là một trong những nước ủng hộ nhiệt tình nhất văn bản này.

Ngay từ đầu, thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc đã bị nhiều giới tại Liên Âu phản đối, trong đó đặc biệt có một số nghị sĩ châu Âu. Thỏa thuận cần phải được Nghị Viện Châu Âu cũng như các nước thành viên phê chuẩn, nhưng tiến trình này mới đây đã bị đình chỉ, sau khi Liên Âu quyết định trừng phạt nhiều quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, kéo theo các biện pháp đáp trả của Bắc Kinh, đặc biệt nhằm vào các nghị sĩ và học giả châu Âu.

Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc cũng khiến Washington bất ngờ, trong bối cảnh Hoa Kỳ từ thời Donald Trump cho đến Joe Biden đều muốn đồng minh Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh. Một ví dụ điển hình là mới tuần trước, chính quyền Biden đã mở rộng danh sách đen các công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm đầu tư.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.