Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - LIBYA

Hội nghị về Libya tại Đức : Bầu cử, rút quân đội nước ngoài là trọng tâm

Một năm rưỡi sau hội nghị quốc tế lần thứ nhất về Libya, nước Đức hôm nay, 23/06/2021, tổ chức hội nghị thứ hai. Tổ chức bầu cử vào cuối năm và rút hết các lực lượng nước ngoài khỏi Libya là mục tiêu chính. 10 năm sau khi chế độ Kadhafi bị lật đổ, với hội nghị quốc tế này, triển vọng một nước Libya hòa bình và ổn định đang trở lại, nhưng khó khăn chồng chất.

Một biểu ngữ gắn trên tường Lâu đài đỏ, ở trung tâm Tripoli, ngày 16/02/2021, ghi « 17 tháng Hai – từ cách mạng đến Nhà nước »,kỷ niệm cuộc nổi dậy chống lại nhà độc tài Lybia Mouammar Kadhafi.
Một biểu ngữ gắn trên tường Lâu đài đỏ, ở trung tâm Tripoli, ngày 16/02/2021, ghi « 17 tháng Hai – từ cách mạng đến Nhà nước »,kỷ niệm cuộc nổi dậy chống lại nhà độc tài Lybia Mouammar Kadhafi. AFP - MAHMUD TURKIA
Quảng cáo

Tham gia hội nghị quốc tế lần này có tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, dự kiến sẽ phát biểu qua mạng. Đại diện của Hoa Kỳ là ngoại trưởng Antony Blinken có mặt tại chỗ, cùng đại diện nhiều quốc gia chủ yếu tham gia vào xung đột Libya. Điểm khác biệt quan trọng lần này là đại diện các bên xung đột người Libya cũng tham gia hội nghị.

Phát biểu ngay trước khi hội nghị khai mạc, ngoại trưởng Mỹ khẳng định : « Thỏa thuận ngừng bắn ngày 23/10/2020 phải được thực thi đầy đủ, bao gồm cả việc rút các lực lượng nước ngoài khỏi Libya ». Một số tiến bộ đạt được trong những tháng gần đây, với thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền được quốc tế công nhận, có trụ sở tại Tripoli, và các lực lượng ở miền đông Libya của tướng Khalifa Haftar. Một chính phủ liên hiệp giữa hai thế lực đối địch đã được lập ra. Việc khai thác dầu lửa đã được nối lại. Tuy nhiên, trở ngại hàng đầu trong hiện tại là cam kết triệt thoái các lực lượng nước ngoài đã không trở thành hiện thực, bất chấp các hứa hẹn.

Reuters hôm qua, 22/06, dẫn lời đặc phái viên Mỹ về Libya, ông Richard Norland, hôm 21/02, ngay trước thềm hội nghị, theo đó Hoa Kỳ đã đàm phán với một số tác nhân chủ chốt trong xung đột Libya, để thảo luận về việc rút một số đơn vị quân đội nước ngoài trước cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội.

Hồi tháng 12/2020, Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 20.000 lính đánh thuê và chiến binh nước ngoài tại Libya, chủ yếu là các lực lượng Nga thuộc công ty tư nhân Wagner, người Tchad, người Sudan hay Syria. Hàng trăm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mặt tại quốc gia này, theo thỏa thuận song phương với chính phủ tiền nhiệm Libya ở Tripoli.

Chính phủ chuyển tiếp Libya, với người đứng đầu là thủ tướng Abdelhamid Dbeibah, hứa hẹn sẽ tổ chức bầu cử Quốc Hội và tổng thống đúng kỳ hạn, vào ngày 24/12/2021. Tuy nhiên, có nhiều nghi ngờ về quyết tâm thực sự của chính quyền chuyển tiếp. Nhiều chính trị gia Libya cáo buộc thủ tướng Abdelhamid Dbeibah mưu đồ bám giữ quyền lực.

Libya đã thành lập được chính phủ liên hiệp, nhưng tướng Khalifa Haftar vẫn tiếp tục duy trì quân đội riêng. Các lực lượng quân sự miền Đông của tướng Haftar hôm 20/06 tuyên bố đóng cửa biên giới với Algérie, lập « khu vực quân sự », cấm đi lại trên nhiều vùng rộng lớn ven biên giới. Hồi năm ngoái, lực lượng của tướng Haftar đã không thành công trong việc tiến chiếm thủ đô Tripoli, sau một chiến dịch quân sự 14 tháng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.