Vào nội dung chính
CUBA - LUẬT AN NINH MẠNH

Luật an ninh mạng của Cuba bị chỉ trích

Chính quyền Cuba lần đầu tiên ban hành một đạo luật về an ninh mạng. Giới bảo vệ nhân quyền lên án nỗ lực của chính quyền bóp nghẹt tự do ngôn luận, đàn áp người bất đồng chính kiến.  

Truy cập Internet qua điện thoại di động đang trở nên phổ biến ở Cuba. Ảnh chụp tại một góc phố của thủ đô La Habana, Cuba, ngày 14/07/2021.
Truy cập Internet qua điện thoại di động đang trở nên phổ biến ở Cuba. Ảnh chụp tại một góc phố của thủ đô La Habana, Cuba, ngày 14/07/2021. AP - Eliana Aponte
Quảng cáo

Bộ luật đầu tiên về an ninh mạng của Cuba vừa được công bố ngày 17/08/2021 trên Công Báo. Mục tiêu chính là trừng phạt các hành động có thể “gây rối loạn trật tự công cộng” và “khuyến khích thái độ vô chính phủ”. Bộ luật về an ninh mạng này quy định 17 tội danh liên quan đến an ninh mạng. Mọi cá nhân và tổ chức có tư cách pháp nhân đều là đối tượng có thể bị trừng phạt. Mức độ nguy hiểm của tội phạm được xếp loại từ cấp “trung bình” cho đến “rất cao”.  

Trong số các tội danh được nêu lên, có tội “loan truyền tin giả, các thông điệp gây xúc phạm, phỉ báng, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước”, cũng như các tội liên quan đến "tấn công mạng”. 

Luật về an ninh mạng của Cuba có hiệu lực từ hôm qua, trong bối cảnh chính quyền La Habana hôm thứ Năm 12/08 cáo buộc Thượng Viện Hoa Kỳ “gây hấn” khi thông qua một điều luật sửa đổi, buộc tổng thống Joe Biden phải tạo điều kiện cho người dân Cuba truy cập Internet mà không bị cản trở, đồng nghĩa với chống lại việc chính quyền Cuba kiểm duyệt các mạng xã hội.  

Đòi quyền “bất đồng chính kiến” 

Theo AFP, luật an ninh mạng của chính quyền La Habana ngay lập tức đã gây ra các phản ứng phẫn nộ trên các mạng xã hội, nơi liên tiếp có những lời kêu gọi thực thi “quyền bất đồng chính kiến”, hơn một tháng sau các cuộc biểu tình chưa từng có đòi tự do, phản đối chính quyền tại đảo quốc này hôm 11 và 12/07/2021.  

Trên mạng Twitter, giám đốc của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch phụ trách châu Mỹ, ông José Miguel Vivanco, tố cáo “chế độ Cuba tiếp tục siết chặt Internet”, với các quy định cho phép chính quyền cắt Internet khi phát hiện có các thông tin mà chính quyền coi là sai trái. Tài khoản @SailydeAmarillo, của một doanh nhân Cuba, khẳng định “Chúng tôi có quyền bất đồng với chính quyền và bày tỏ quan điểm của mình”.  

Mạng Internet di động bắt đầu được du nhập vào Cuba kể từ năm 2018 đã làm thay đổi tương quan lực lượng giữa chính quyền cộng sản và đối lập, tạo điều kiện cho các cuộc biểu tình lớn hồi tháng Bảy, điều không thể xảy ra trước khi có Internet.

Lãnh đạo một nhóm đối lập Cuba bị đưa trở lại nhà tù 

Theo Reuters hôm nay, 18/08/2021, ông Jose Daniel Ferrer, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Cuba, bị chính quyền buộc phải chấp hành thời gian còn lại của án phạt trong tù, sau khi đã cho phép ông được quản thúc tại gia. Nhà đối lập Jose Daniel Ferrer là chủ tịch đảng Liên minh Yêu nước Cuba (UNPACU), một trong những nhóm đối lập lớn nhất và tích cực nhất.  

Ông bị bắt cùng với một số đồng chí, vào tháng 10/2019, và bị kết án 4 năm rưỡi tù giam trong một phiên tòa diễn ra đầu năm ngoái. Chính quyền gọi Ferrer là một “kẻ phản cách mạng được Hoa Kỳ tài trợ”, nhưng tuyên bố nhà hoạt động này không bị bắt vì quan điểm chính trị của mình. Jose Daniel Ferrer là một trong những nhà tranh đấu nổi tiếng nhất chọn con đường ở lại trong nước để đấu tranh, thay vì lưu vong.  

Nhà bất đồng chính kiến Jose Daniel Ferrer từng bị bắt giam 8 năm (2003-2011). Ông Jose Daniel Ferrer bị bắt trở lại khi tham gia vào cuộc biểu tình ngày 11/07tại thành phố Santiago de Cuba, nơi ông cư trú, trong đợt biểu tình phản đối chính quyền chưa từng có tại Cuba.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.