Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - NHẬP CƯ

Tị nạn: Liên Âu sẽ hỗ trợ các nước láng giềng của Afghanistan

Bộ trưởng Nội Vụ và Tư Pháp của 27 nước Liên Hiệp Châu Âu đã họp tại Bruxelles hôm 31/08/2021 để tìm ngăn chặn các làn sóng di dân từ Afghanistan. Bruxelles không hoàn toàn đóng cửa với người tị nạn Afghanistan, nhưng thiên về giải pháp hỗ trợ các nước láng giềng sát cạnh để các quốc gia này đón nhận người tị nạn chạy trốn chế độ Taliban.

Ủy viên Nội Vụ châu Âu, Ylva Johansson, đề nghị trợ giúp để các nước lân cận Afghanistan đón nhận di dân trốn chạy khỏi Taliban. Bruxelles, ngày 31/08/2021.
Ủy viên Nội Vụ châu Âu, Ylva Johansson, đề nghị trợ giúp để các nước lân cận Afghanistan đón nhận di dân trốn chạy khỏi Taliban. Bruxelles, ngày 31/08/2021. AP - Virginia Mayo
Quảng cáo

Vào lúc phong trào Hồi Giáo cực đoan Taliban mừng chiến thắng tại Kabul, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc báo động trong năm nay sẽ có thêm khoảng nửa triệu người tị nạn Afghanistan. 

Pháp đồng ý đón nhận di dân Afghanistan một cách “có kiểm soát” trong khi Đức chủ trương người tị nạn Afghanistan nên “ở lại trong khu vực”. Bộ trưởng Nội Vụ Đan Mạch, Mattias Tesfaye cũng quan niệm “người Afghanistan không nên sang châu Âu (…) nhiệm vụ của Bruxelles là ổn định tình hình trong khu vực và bảo đảm nguồn tài chính cho các tổ chức quốc tế để giúp đỡ những người tị nạn”. Liên Âu muốn bằng mọi giá tránh lại phải đối mặt với các đợt di dân như hồi năm 2015.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Bénazet ghi nhận ưu tiên của châu Âu là “tăng cường bảo vệ an ninh ở các đường biên giới” :

“Tương tự như trong cuộc khủng hoảng trước các làn sóng di dân từ Syria hồi 2015, bộ trưởng Tư Pháp và Nội Vụ Liên Hiệp Châu Âu chủ yếu tìm mọi cách để hỗ trợ các nước sát cạnh Afghanistan. Bruxelles muốn rằng các nước này giúp đỡ người tị nạn Afghanistan định cư trong khu vực. Bruxelles muốn tránh phải đối mặt với một đợt người nhập cư bất hợp pháp ồ ạt tràn vào châu Âu.

Ngược lại, các nước không đưa ra con số cụ thể về khả năng đón nhận người tị nạn Afghanistan. Bộ trưởng Nội Vụ Đức khẳng định Berlin “không muốn đưa ra những con số cụ thể như để khuyến khích” người Afghanistan di tản qua châu Âu.

Đồng nhiệm người Luxembourg Jean Asselborn thì tiếc là châu Âu đã không có những giải pháp thỏa đáng : “Sáu năm sau, trong chính sách nhập cư, Liên Hiệp Châu Âu không được sẵn sàng như hồi năm 2015. Thật khủng khiếp khi phải nhìn nhận rằng châu Âu không quan tâm đến việc cần bảo vệ trẻ em, phụ nữ, bảo vệ các nhà báo, bảo vệ những nhà đấu tranh vì nhân quyền đang phải chạy trốn khỏi tay Taliban, vì sinh mạng của họ bị đe dọa”.

Hiện tại Liên Hiệp Châu Âu tập trung vào vế an ninh. Một mặt là để Afghanistan trong tay những người chủ mới không trở thành sào huyệt của quân khủng bố đe dọa các công dân châu Âu. Mặt khác, Bruxelles chủ trương tăng cường các phương tiện can thiệp cho Frontex, cơ quan quản lý lực lượng tuần duyên và biên phòng của Liên Âu”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.