Vào nội dung chính
IRAK - BẦU CỬ

Cử tri Irak không chờ đợi gì từ cuộc bầu cử Quốc Hội Irak

Ngày 10/10/2021, khoảng 25 triệu cử tri Irak bầu lại Quốc Hội. An ninh được tăng cường trước các phòng phiếu đề phòng khủng bố. Đây là một cuộc bầu cử trước thời hạn và cũng là một nhượng bộ hiếm hoi của chính quyền Badgad dưới áp lực của đường phố. Cử tri không chờ đợi gì nhiều tại một quốc gia bị tham nhũng đục khoét và nhiều xung khắc tranh giành quyền lực trong hàng ngũ quân đội.

Tại một phòng bỏ phiếu ở Bagdad, ngày 10/10/2021.
Tại một phòng bỏ phiếu ở Bagdad, ngày 10/10/2021. AFP - SABAH ARAR
Quảng cáo

Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh đó người dân Irak có đi bầu hay không ? Đặc phái viên RFI từ thủ đô Bagdad, Murielle Paradon và Boris Vichith gửi về bài phóng sự :

« Ngay trung tâm thành Badgad, Mohammed chờ đến lượt mình trước một anh thợ đánh giầy. Ông là luật sư và sẽ đi bỏ phiếu bầu lại Quốc Hội. Mohammed cho biết sẽ ủng hộ một ứng cử viên của đảng truyền thống, bởi vì đảng này bảo đảm an ninh và ổn định cho Irak, đó là hai điều cốt lõi.

Ông nói : "Tôi muốn Irak được an ninh, hiện tại là chưa đủ. Người dân Irak đã bị đàn áp quá nhiều, họ phải đối mặt với khủng bố, với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Trong thời gian gần đây đã có quá nhiều cuộc tắm máu và chết chóc".

Naris, một bà nội trợ với dáng vẻ kín đáo cũng đi bỏ phiếu nhưng bà sẽ chọn một ứng viên độc lập. Naris giải thích : "Tôi đi bầu vì muốn tình hình thay đổi, cho dù đó chỉ là một sự thay đổi nhỏ thôi, nhưng cũng đủ để chúng tôi dễ thở hơn một chút. Chúng tôi cần có việc làm, tôi biết một ứng viên không thuộc đảng phái chính trị nào hết. Đó là một ứng cử viên độc lập".

Trong cuộc bầu cử Quốc Hội kỳ này, luật bầu cử Irak đã có một số thay đổi, trên nguyên tắc là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ứng cử viên độc lập. Dù vậy Ahmad, một thanh niên 25 tuổi, không kỳ vọng gì nhiều. Anh nói sẽ không tham gia, bởi vì "quyền lực vẫn luôn trong tay những gương mặt cũ. Lúc nào cũng vậy, không có gì thay đổi. Rồi một số người khác sẽ tham gia và cũng lại là những tên cướp. Do vậy, tôi không thể tham gia bỏ phiếu".

Ahmad có bằng cấp, nhưng sống lay lắt nhờ làm những công việc lặt vặt. Anh không nuôi ảo vọng về tương lai, và là một trong số những người từng xuống đường cách nay hai năm đòi một sự đổi mới. Ahmad quyết định tẩy chay cuộc bầu cử này. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.