Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - NGOẠI GIAO

Thổ Nhĩ Kỳ : Erdogan không trục xuất 10 đại sứ phương Tây như đã đe dọa

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm qua 25/10/2021 rốt cuộc đã xuống thang, sau khi đe dọa trục xuất 10 đại sứ các nước phương Tây trong đó có Mỹ, Pháp, Đức.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu với truyền thông sau cuộc họp chính phủ tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 25/10/2021.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu với truyền thông sau cuộc họp chính phủ tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 25/10/2021. via REUTERS - MURAT CETINMUHURDAR/PPO
Quảng cáo

Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer cho biết thêm chi tiết :

« Sau nhiều ngày dàn xếp ngoại giao, Recep Tayyip Erdogan rốt cuộc không hành động như đã đe dọa, 10 đại sứ đã bênh vực nhà từ thiện Osman Kavala không bị trục xuất. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các nhà ngoại giao trên đã « nhận ra sai lầm của họ », và hy vọng « từ nay họ sẽ thận trọng hơn ».

Vài giờ trước khi sự việc được giải tỏa, đại sứ Mỹ khẳng định trên Twitter sự gắn bó với điều 41 Hiệp ước Vienna về quan hệ ngoại giao - cấm mọi can thiệp vào chuyện nội bộ của nước chủ nhà. Các đại sứ khác, trong đó có Pháp và Đức, đã tweet lại thông điệp này.

Trong khi báo chí thân chính phủ khoe rằng các nước phương Tây đã lùi bước, các nhà quan sát khác, kể cả các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, coi đây là cách mà các nước dành cho ông Erdogan một lối thoát khỏi khủng hoảng. Giống như một kiểu bắt tay hòa dịu, để tránh hậu quả nặng nề về quan hệ ngoại giao và cả về kinh tế cho Thổ Nhĩ Kỳ, nếu xảy ra vụ trục xuất 10 đại sứ.

« Đã tránh được điều tệ hại nhất » - Các nhà ngoại giao và cựu ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ thở phào nhẹ nhõm. Trong số đó có Sinan Ulgen, người sáng lập trung tâm nghiên cứu Edam ở Istanbul. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như phương Tây đều có lợi khi xuống thang. Ông nói : « Về phía các nước ký kết, sự kiện chấp nhận công thức ngoại giao này cho thấy họ không muốn leo thang chính trị với Thổ Nhĩ Kỳ. Và về phía Thổ Nhĩ Kỳ, tôi nghĩ rằng họ rất ý thức về hậu quả nặng nề về chính trị và kinh tế có thể diễn ra ».

Tuy nhiên sự hòa hoãn có thể ngắn ngủi. Bởi vì như Sinan Ulgen nói, « vấn đề căn cơ vẫn chưa được giải quyết ». « Trường hợp Osman Kavala vẫn còn đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không đáp ứng các điều kiện của Tòa Ấn Nhân Quyền Châu Âu, và như vậy sẽ tiếp tục gây căng thẳng. Cuộc khủng hoảng trước mắt đã tránh được nhưng vẫn có khả năng xảy ra ». Cuối tháng 11, Hội Đồng Châu Âu có thể tiến hành thủ tục chống lại Thổ Nhĩ Kỳ nếu Osman Kavala vẫn chưa được trả tự do. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.