Vào nội dung chính
DI DÂN - CHÂU ÂU

Khủng hoảng di dân: Thổ Nhĩ Kỳ, Irak giảm chuyến bay đến Belarus

Liên Hiệp Châu Âu có được một số “tiến bộ” liên quan đến khủng hoảng di dân ở biên giới giữa Ba Lan và Belarus. Thổ Nhĩ Kỳ và Irak thông báo giảm chuyến bay đến Minsk. Tuy nhiên, Nga và Belarus tổ chức tập trận chung ngay khu vực biên giới căng thẳng và cảnh báo đáp trả “nghiêm khắc” mọi cuộc tấn công.

Biên giới Belarus và Ba Lan, gần Kuznica. Ảnh chụp ngày 11/11/2021, do Biên Phòng Ba Lan cung cấp.
Biên giới Belarus và Ba Lan, gần Kuznica. Ảnh chụp ngày 11/11/2021, do Biên Phòng Ba Lan cung cấp. via REUTERS - HANDOUT
Quảng cáo

Theo AFP, ngày 12/11/2021, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, ông Margaritis Schinas, hoan nghênh việc “đã đạt được nhiều tiến bộ trên mọi mặt trận” nhằm giúp cải thiện tình hình di dân ở biên giới giữa Ba Lan và Belarus. Thứ nhất, ngày 12/11, Thổ Nhĩ Kỳ, nước trung chuyển của dòng người nhập cư, thông báo rằng công dân Irak, Syria và Yemen sẽ không được lên máy bay đến Belarus từ các sân bay của nước này “cho đến khi có lệnh mới”. Tiếp theo, Irak cũng thông báo hạn chế các chuyến bay đến Minsk, đồng thời sẽ lập danh sách những công dân nước này bị kẹt ở biên giới Belarus-Ba Lan muốn “tự nguyện” hồi hương.

Phía Belarus cũng khẳng định đã trục xuất 2.000 di dân nhằm ngăn làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, cũng trong ngày 12/11, Belarus và Nga đã tập trận chung gần biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Trong cuộc tập trận này, có hai quân nhân bị thiệt mạng vì tai nạn. Đợt tập trận này, cũng như việc Vacxava và Minsk cùng tăng cường binh sĩ tại vùng biên giới, gây lo ngại căng thẳng leo thang, trong bối cảnh Bruxelles cho biết sẽ thông báo những biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền Minsk vào tuần tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá tình hình di dân ở biên giới Belarus - Ba Lan là “rất đáng quan ngại”. Ông Joe Biden cho biết đã “bày tỏ mối bận tâm này với Nga và Belarus”. Matxcơva bị cáo buộc đứng sau “giật dây”, khuyến khích chính quyền Minsk sử dụng di dân làm "tốt thí" trả đũa các biện pháp trừng phạt của Bruxelles.

Năm 2020, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đã trừng phạt chế độ Lukachenko vì đàn áp người biểu tình, trấn áp đối lập sau cuộc bầu cử tổng thống bị cáo buộc gian lận. Để đáp trả Bruxelles, ngoài khủng hoảng di dân, Belarus còn dọa khóa van khí đốt từ Nga trung chuyển qua nước này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.