Vào nội dung chính
SINH THÁI - THIÊN CHÚA GIÁO

‘‘Những cội rễ Thiên Chúa Giáo’’ của cuộc đại khủng hoảng Sinh Thái hiện nay

Những ai theo dõi diễn biến đàm phán tại Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow (COP26), đầu tháng 11/2021, có thể có cùng một cảm nhận: Nền kinh tế của thế giới chúng ta phụ thuộc quá mật thiết vào các năng lượng hóa thạch. Đến mức mà, cho dù thảm họa kinh hoàng được chỉ ra là nhãn tiền, nhưng hầu hết các quốc gia, các nền kinh tế lớn đều gần như không thể nhanh chóng từ bỏ các năng lượng hóa thạch. Vì sao nên nỗi ?

Trường College des Bernardins, Paris, một trung tâm tư tưởng Công Giáo. Từ năm 2020, tại đây bắt đầu mở ra chương trình nghiên cứu liên ngành về "Tông huấn Laudato Si. Một cách thám hiểm mới về Trái đất".
Trường College des Bernardins, Paris, một trung tâm tư tưởng Công Giáo. Từ năm 2020, tại đây bắt đầu mở ra chương trình nghiên cứu liên ngành về "Tông huấn Laudato Si. Một cách thám hiểm mới về Trái đất". © Wikipedia
Quảng cáo

Chắc chắn là có những vấn đề về mặt kỹ thuật, kinh tế và tài chính có ý nghĩa trực tiếp. Nhưng cội nguồn sâu xa có thể nằm ở nơi khác. Giới khoa học đã và đang tìm cách truy về các cội nguồn của lối sống, của lối làm kinh tế đang dẫn nhân loại chìm sâu trong cuộc khủng hoảng toàn diện về môi trường, sinh thái và khí hậu khó bề thoát ra hiện nay. 

Nền kinh tế hiện đại phát sinh từ phương Tây, từ châu Âu. Vậy phải chăng cội nguồn tư tưởng của lối sống, lối làm kinh tế ấy cũng nằm ở chính châu Âu ?

Bài viết nhan đề « Những cội rễ Thiên Chúa Giáo của cuộc khủng hoảng Sinh Thái », đăng tải trên Le Monde ngày 13/11/2021, của nhà báo Youness Bousenna, điểm lại những tìm tòi đáng chú ý trong vấn đề hệ trọng này. Đối với công chúng rộng rãi, tư tưởng và tôn giáo có thể là những điều rất xa xôi ẩn khuất sau những làn sương khói, nhưng dưới con mắt của các chuyên gia, nhiều vấn đề đầy uẩn khúc của lịch sử lại hiện lên mồn một.

Xuyên qua làn sương khói, tìm về « các cội rễ lịch sử »

Nhà báo Youness Bousenna trước hết đưa độc giả đến với một tác phẩm của nhà sử học người Mỹ Lynn Townsend White (1907-1987), mang tựa đề « Các cội rễ lịch sử của cuộc khủng hoảng sinh thái của chúng ta », đăng năm 1967 trên Science, tạp chí khoa học nổi tiếng của Hoa Kỳ (*). Kết luận chính của vị chuyên gia về lịch sử châu Âu thời Trung Cổ này là : Toàn bộ trào lưu hiện đại hóa xuất phát từ châu Âu, và nhất là khoa học, có gốc rễ từ « cái khuôn mẫu Thiên Chúa Giáo » thời Trung Cổ (« matrice chrétienne »).

Kể từ thời Trung Cổ, Thiên Chúa Giáo phương Tây đã trở thành tôn giáo « đặt con người ở vị trí tối cao » (la plus anthropocentrique). Chính từ đó mà châu Âu dần dần khẳng định « ưu thế vượt trội về kỹ thuật so với phần còn lại của thế giới », khẳng định quyền chinh phục thiên nhiên, quyền tiến hành khai thác « các nguồn tài nguyên thiên nhiên » một cách tàn bạo.

Tác phẩm của nhà sử học Lynn White đã gây tranh cãi dữ dội trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, trên nhiều phương diện, từ triết học, lịch sử cho đến thần học… Tâm điểm của mâu thuẫn nằm trong các quan điểm trái ngược xung quanh chuyện : Đâu là quan điểm chủ đạo của tư tưởng thần học Thiên Chúa Giáo về quan hệ của con người với thiên nhiên, với Trái đất ? Quan điểm này hình thành lúc nào ? và như thế nào ? 

Con người, chúa tể của muôn loài 

Đối với sử gia người Mỹ Lynn White, mầm mống của tư tưởng độc tài, chuyên chế đã nằm sẵn trong Sáng Thế Ký. Phần mở đầu của kinh Cựu Ước, nền tảng của ba tôn giáo độc thần (Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo), đặt con người ở vị thế đứng trên muôn loài. Trong Sáng Thế Ký, có đoạn : « Đức Chúa Trời dựng nên loài người theo hình Ngài… Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất, hãy làm cho đất phải phục tùng, hãy cai quản loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các loài vật sống trên mặt đất ».

Nhà báo Le Monde không chỉ giới thiệu quan điểm của nhà sử học Lynn White về cội rễ Thiên Chúa Giáo của cuộc khủng hoảng sinh thái đương đại, mà chủ yếu là nhằm để soi chiếu quan điểm này từ nhiều góc nhìn rất khác nhau : từ phê phán triệt để đến ủng hộ, từ phê phán để chỉnh sửa đến bổ sung, đóng góp… Trong số những người đối thoại với quan điểm của sử gia Mỹ, bài báo của Le Monde đặc biệt chú ý đến giáo hoàng Phanxicô.

Giáo hoàng đối thoại với sử gia

Với nhà báo Le Monde, Tông huấn « Laudato Si » (**) của giáo hoàng Phanxicô chính là một câu trả lời « mang tính cách mạng » đối với vấn đề đầy thách thức, đã được đặt ra trong tiểu luận « Những cội rễ Thiên Chúa Giáo của cuộc khủng hoảng Sinh Thái » ra đời gần 50 năm trước, cho dù Tông huấn không một lần trực tiếp nhắc tên sử gia Mỹ.

Bài « Những cội rễ Thiên Chúa Giáo của cuộc khủng hoảng Sinh Thái » mang dáng dấp của một tổng thuật khoa học. Một phần lớn bài viết dành để giới thiệu một số khám phá quan trọng về tư tưởng Thiên Chúa Giáo thời Trung Cổ, đặc biệt qua các đối thoại, tranh biện của một số chuyên gia với tác giả của « Các cội rễ lịch sử của cuộc khủng hoảng sinh thái của chúng ta ».

Từ « Cách mạng Giáo hoàng » đến « Tôn giáo Công nghiệp »

Một bước ngoặt với đạo Thiên Chúa châu Âu là giai đoạn thường được mệnh danh là « Cuộc cách mạng Giáo hoàng » (từ thế kỷ XI đến XIII), với bước chuyển quyết định thời giáo hoàng Grêgôriô VII (1015-1085). Bản tuyên cáo « Dictatus Papae » của giáo hoàng Grêgôriô VII (năm 1075) được nhìn nhận như vụ « nổ Big Bang » trong ý thức hệ phương Tây. « Nhà nước và Doanh nghiệp », hai định chế căn bản đối với nền văn minh phương Tây bắt rễ sâu xa từ đó.

Nhà báo Youness Bousenna giới thiệu tác phẩm quan trọng của nhà chính trị học Pierre Musso, « La Religion Industrielle / Tôn giáo công nghiệp » (Nxb Fayard 2017). « Tôn giáo công nghiệp », tức niềm tin vào sứ mạng dẫn dắt tiến bộ của khoa học công nghệ, vào « nhà máy », vào « sự sùng bái máy móc », xuất hiện vào thế kỷ XIX. Nhưng « tôn giáo công nghiệp » này không xuất hiện đột ngột, mà dựa trên hai thay đổi căn bản trước đó. Một là sự ra đời của khoa học hiện đại từ thế kỷ XVII – với tư cách là « tiến trình duy lý nhằm thống trị thiên nhiên », gắn liền với sự ra đời của « công trường thủ công ». Và trước « nhà máy » và « công trường thủ công » là các « tu viện » thế kỷ XII, XIII, nơi bắt đầu hình thành quan điểm Thiên nhiên là đối tượng khai thác, chinh phục của con người.

Nhà báo Youness Bousenna cũng giới thiệu các tác phẩm khác của sử gia về thời Trung Cổ Sylvain Piron, L’Occupation du MondeGénéalogie de la morale économique (2018 và 2020), cũng nhấn mạnh đến thay đổi mang tính đột biến thời « Cách mạng Giáo hoàng ». Theo Sylvain Piron, « toàn bộ các quan niệm chính của nền kinh tế đương đại » đều đã xuất hiện vào thời kỳ này, như « tư bản », « giá trị » hay « rủi ro ». Có một sự đồng điệu rất lớn giữa những quan niệm như vậy của giai đoạn này với « ý thức hệ tân tự do », linh hồn của chủ nghĩa tư bản đương đại, với quan điểm coi quan hệ xã hội dựa trên « các lựa chọn duy lý », « niềm tin là hành động của con người được dẫn dắt bởi các động cơ vị kỷ do tội tổ tông », niềm tin vào « bàn tay vô hình » điều hòa các quyết định cá nhân…

Quan niệm « sở hữu tư nhân » cũng được tác giả bài báo đặc biệt chú ý. Quan niệm người sở hữu là người có toàn quyền hành xử với vật được sở hữu (mà tiêu biểu là quan điểm của triết gia Anh Jonh Locke [1632-1704]) đã mở đường cho việc « tư hữu hóa » các nguồn tài nguyên, khai thác mặc sức, bất chấp các tổn hại về môi trường, và con người. Tội tổ tông buộc con người phải lao động cật lực, nhưng việc lao động cật lực mang lại cho con người « quyền tự nhiên » cho phép chiếm hữu, khai thác tài nguyên. Những ai không hành xử như vậy không phải là người đi theo Chúa. Đây cũng từng là quan niệm biện minh cho việc tước đoạt đất đai của các cộng đồng bản địa, như thổ dân da Đỏ châu Mỹ, và cư dân nhiều nơi khác. Quan niệm mở đường cho các cuộc chiến tranh thực dân, mở rộng đế quốc.

« Laudato Si » : Đoạn tuyệt với truyền thống nghìn năm

Trở lại với Tông huấn « Laudato Si ». Tác phẩm đặc biệt này cho thấy trong lòng Thiên Chúa Giáo có nhiều tư tưởng rất khác nhau, thậm chí trái ngược, xung quanh chủ đề vị trí của con người trên Trái đất, về quan hệ của con người với Thiên nhiên. Quan điểm về Sinh thái của Đức giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Laudato Si, được công bố năm 2015, ít tháng trước Hiệp định Khí hậu Paris, cổ vũ cho một quan niệm « Sinh Thái Toàn Vẹn », có thể coi là đoạn tuyệt với quan niệm chủ lưu nói trên, bắt rễ sâu xa cả ngàn năm nay trong đạo Thiên Chúa thời Trung Cổ.

Nhà báo Youness Bousenna cho biết Tông huấn Laudato Si đã được giới khoa học về môi trường, sinh thái nồng nhiệt đón nhận. Nhà triết học Bruno Latour, gương mặt tiêu biểu của tư tưởng sinh thái học đương đại, ca ngợi tính chất « tiên tri mới mẻ » trong tông huấn, khi gắn liền vấn đề sinh thái và vấn đề xã hội : « Nối kết tiếng kêu cứu của người nghèo với tiếng kêu cứu của Trái đất ».

Người ngợi ca Tình Yêu của Thiên Chúa

Vị giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu từ hơn 10 thế kỷ nay, cũng là người đầu tiên chọn cái tên Phanxicô. Đây không phải là điều ngẫu nhiên. Nhà báo Youness Bousenna ghi nhận, trong lòng đạo Thiên Chúa, có một truyền thống lớn, tồn tại âm thầm xuyên qua hai thiên niên kỷ, nổi bật với sự tôn vinh đấng Sáng Thế. Gương mặt tiêu biểu của truyền thống này chính là Thánh Phanxicô thành Assisi (nước Ý) (1181-1226). Năm 1979, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh Thánh Phanxicô là vị « Thánh Quan thầy của các nhà sinh thái ».

Tên gọi của Tông huấn « Laudato Si » (Laudato Si, trong tiếng miền Trung nước Ý thời Trung Cổ có nghĩa là « Xin ca tụng Chúa ») bắt nguồn từ « Bài ca Tạo Vật » (ra đời năm 1224-1225) của Thánh Phanxicô thành Assisi. Tông huấn « Laudato Si » của giáo hoàng Phanxicô mở đầu với trích dẫn nguyên văn khổ đầu tiên của « Bài ca Tạo Vật », « một bản tình ca đầy chất thơ hiếm có về Thiên nhiên kỳ diệu ».

Trong khổ thơ này, Thánh Phanxicô thành Assisi đã ca ngợi «  Mẹ Trái đất », nâng đỡ con người, hướng dẫn con người, mang lại cho con người « trái tươi cùng hoa đẹp, và cỏ cây ». Theo nhà tiên phong về tư tưởng sinh thái học Thiên Chúa Giáo, Jean Bastaire (1927-2013), « Kinh Thánh đã không nói gì về Khí hậu bị hâm nóng, về các giống loài bị tiêu diệt, nhưng nói rõ về Tình Yêu, đây là điều mà theo đại thi hào Dante người Ý (tác giả của Thần Khúc), đã ''làm nên sự sống của bầu trời và các vì sao'', của mọi tạo vật trên Trái đất ».

Theo ghi nhận của nhà báo Youness Bousenna, ý nghĩa cách mạng của Tông huấn Laudato Si của giáo hoàng Phanxicô đã được kết tinh trong diễn đạt « Tất cả liên hệ mật thiết với nhau », được nhắc đi nhắc lại đến hơn chục lần. Với Laudato Si, giáo hoàng Phanxicô lên án cách giải thích về Kinh Thánh mang tính « chuyên chế », theo đó, con người có mặt trên Trái đất là để điều khiển tự nhiên, toàn quyền khai thác tự nhiên. Ngược lại, sứ mạng của con người là chăm nom, coi sóc « khu vườn địa đàng kỳ diệu, đã được Thiên Chúa giao phó ».

Đại thảm họa sinh thái buộc xét lại triệt để

Tông huấn « Laudato Si » gây chấn động. Đối với nhiều triết gia, nhà thần học, Laudato Si của giáo hoàng Phanxicô đã mở ra trước hết cho những người Thiên Chúa Giáo « một nhãn quan mới về thời đại chúng ta », một thời đại mà đại thảm họa sinh thái bắt buộc chúng ta phải xem xét lại từ tận nền móng toàn bộ ý thức hệ ngàn năm của Thiên Chúa Giáo, vốn gắn chặt với vận mệnh của nền văn minh phương Tây (***).

Bài viết « Những cội rễ Thiên Chúa Giáo của cuộc khủng hoảng Sinh Thái » của Youness Bousenna trên Le Monde ra mắt đúng vào ngày 13/11/2021, ngày mà Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Glasgow, tập hợp gần 200 quốc gia, đã phải kéo dài thêm một ngày họp, với hy vọng tìm được một đồng thuận mong manh, nhằm tạm thời kéo cỗ xe nhân loại rời xa một chút khỏi hướng đi nhắm đến vực thẳm đang đón chờ.

Như rất nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, vực thẳm đang đón chờ nhân loại, nếu nền kinh tế toàn cầu không kịp thời thoát khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào các năng lượng hóa thạch ngay trong những năm tới. Nhận thức được nguyên nhân vì sao con người phụ thuộc vào các năng lượng hóa thạch đến như vậy rất có thể mang lại động lực cho việc rời bỏ. Bài « Những cội rễ Thiên Chúa Giáo của cuộc khủng hoảng Sinh Thái » góp phần vào điều này.

Ghi chú

(*) Bài « Các cội rễ lịch sử của cuộc khủng hoảng sinh thái của chúng ta » của Lynn White ra mắt 5 năm sau « Mùa xuân Im lặng » của nhà sinh học Mỹ Rachel Carson, tác phẩm đầu tiên tập hợp tư liệu về tác động hủy diệt của thuốc trừ sâu (năm 1962) và 5 năm trước báo cáo của Câu lạc bộ Roma, « Những giới hạn của tăng trưởng » (1972), lần đầu tiên chứng minh tính không tương thích giữa mục tiêu tăng trưởng vô hạn và các nguồn lực hữu hạn của Trái đất.

(**) Bạn đọc có thể tham khảo bản dịch tiếng Việt Tông huấn Laudato Si với nhan đề « Thông điệp Laudato Si của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về ‘‘Chăm sóc Ngôi nhà Chung’’ », do linh mục Augustino Nguyễn Văn Trinh thực hiện.

(***) Trích Tông huấn Laudato Si « 2. Người Chị này (“Người Chị’’ là từ mà Thánh Phanxicô thành Assisi nói về Thiên nhiên trong “Bài ca Tạo Vật”) đang kêu khóc vì sự hủy hoại do chúng ta gây ra, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh ninh rằng chúng ta chính là chủ nhân và kẻ thống trị, nên được quyền khai thác. Bạo lực nằm trong trái tim bị tội lỗi gây thương tích của con người, xuất hiện rõ ràng qua các triệu chứng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và nơi các sinh vật. Chính vì vậy, giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, là Trái đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, “đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở” (Rm 8, 22). Chúng ta quên rằng, chính chúng ta cũng chỉ là tro bụi (St 2,7). Thân xác của chúng ta cũng được tạo nên từ những yếu tố của vũ trụ; không khí của nó giúp chúng ta hít thở và nước của nó giúp chúng ta sống và hồi sức ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.