Vào nội dung chính
PHÁP - Ả RẬP XÊ ÚT

Tổng thống Pháp bị chỉ trích vì gặp hoàng thái tử Ả Rập Xê Út ben Salman

Sau khi thăm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, sáng hôm nay 04/12/2021, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Ả Rập Xê Út, chặng cuối trong chuyến công du vùng Vịnh. Theo lịch trình, tổng thống Pháp hôm nay gặp hoàng thái tử Mohammed ben Salman.

Quốc vương Qatar Tamim ben Hamad Al-Thani tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Amiri Diwan, Doha, Qatar, ngày 03/12/2021.
Quốc vương Qatar Tamim ben Hamad Al-Thani tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Amiri Diwan, Doha, Qatar, ngày 03/12/2021. Thomas SAMSON AFP
Quảng cáo

Thế nhưng, ngyên thủ quốc gia Pháp bị giới nhân quyền chỉ trích về cuộc gặp này, do vị hoàng thái tử này bị tố cáo đứng sau vụ sát hại dã man nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi hồi năm 2018 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. 

Từ Dubai, đặc phái viên RFI Valérie Gas giải thích : 

« Chính tại Jeddah, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thái tử Mohammed ben Salman, thường được gọi tắt là MBS, sẽ có một cuộc trao đổi. Tổng thống Pháp sẽ chỉ hiện diện tại đây vài giờ đồng hồ, nhưng chuyến thăm này rất quan trọng, bởi ông Emmanuel Macron là nhà lãnh đạo tầm cỡ đầu tiên của phương Tây đến Ả Rập Xê Út để gặp hoàng thái tử kể từ sau vụ Khashoggi. Vụ ám sát nhà báo Ả Rập Xê Út hồi năm 2018 tại Istanbul đã khiến chế độ Riyad hứng chịu những lời chỉ trích dữ dội vì bị nghi ngờ đã đứng đằng sau chỉ đạo vụ này. 

Liệu có phải tổng thống Emmanuel Macron sẽ giúp MBS được chấp nhận trở lại trên sân khấu quốc tế ? Đích thân nguyên thủ Pháp đã trả lời câu hỏi này một cách tương đối sâu cay trước khi rời Dubai : 

"Ả Rập Xê Út đã tổ chức thượng đỉnh G20 cách nay hơn một năm. Tất cả các lãnh đạo G20 đều có mặt ở đó. Chúng ta hãy thành thật với chính mình. Ai có thể nghĩ dù chỉ một giây rằng chúng ta có thể giúp Liban, rằng chúng ta gìn giữ hòa bình và sự ổn định ở Trung Đông, rằng chúng ta có thể hành động, nhưng lại nói là chúng ta không nói chuyện với Ả Rập Xê Út, quốc gia đông dân nhất và lớn nhất ở vùng Vịnh? Nói điều này không có nghĩa là tôi tán thành, không có nghĩa là tôi quên, cũng không có nghĩa là chúng ta không phải là những đối tác khắt khe. Mọi người cần nhìn vào những gì đã diễn ra trong 18 tháng qua, thay vì nói những điều ngốc nghếch. Đây là hành động vì đất nước chúng ta và vì lợi ích của khu vực.

Cách tiếp cận vấn đề như trên tỏ ra thực tế, nhưng không chắc là sẽ thuyết phục được các nhà bảo vệ nhân quyền ».

Di tản người từ Afghanistan : Macron hoan nghênh sự hỗ trợ của Qatar

Hôm nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh sự hỗ trợ của Qatar trong việc di tản 258 người từ Afghanistan đến Pháp. Đây là những người nếu ở lại Afghanistan sẽ « bị đe dọa » vì có « mối liên hệ với nước Pháp ». Tối hôm qua, 03/12, tổng thống Emmanuel Macron cũng đã có cuộc trao đổi với Quốc vương Qatar Tamim ben Hamad Al-Thani, trong đó ông cảm ơn Qatar về vai trò của nước này trong việc tổ chức nhiều chuyến di tản người từ Afghanistan kể từ khi Taliban chiếm thủ đô Kabul. 

Cũng trong ngày hôm qua, nhân chặng dừng của tổng thống Pháp tại Dubai, Pháp và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã ký kết hợp đồng thương vụ 80 chiến đấu cơ Rafale trị giá tổng cộng 16 tỉ euro. Đây là hợp đồng kỷ lục trên thị trường vũ khí, được các nhà sản xuất Pháp hoan nghênh và cho phép Paris củng cố quan hệ đối tác chiến lược trong khu vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.