Vào nội dung chính
THẾ VẬN HỘI BẮC KINH 2022

Tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh: Thành công tùy thuộc vào số nước theo gương Mỹ

Ngay sau khi Hoa Kỳ thông báo quyết định tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 về mặt ngoại giao, Úc là nước đầu tiên vào hôm nay 08/12/2021, cho biết sẽ có hành động tương tự. Giới quan sát dự kiến là trong những ngày sắp tới đây, sẽ có thêm nhiều đồng minh của Mỹ tham gia phong trào. Câu hỏi đặt ra là số nước tẩy chay sẽ là bao nhiêu, vì thành công của việc này được cho là tùy thuộc rất nhiều vào số lượng các quốc gia theo gương Mỹ.

Ảnh minh họa: Giới đấu tranh nhân quyền biểu tình trước Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở Los Angeles (California-Hoa Kỳ) kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022, ngày 03/11/2021
Ảnh minh họa: Giới đấu tranh nhân quyền biểu tình trước Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở Los Angeles (California-Hoa Kỳ) kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022, ngày 03/11/2021 Frederic J. BROWN AFP/Archives
Quảng cáo

Khi quyết định tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022, Mỹ muốn nêu bật tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Trung Quốc, nhất là nạn “diệt chủng và các tội ác chống nhân loại đang diễn ra tại vùng Tân Cương” nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ.

Mục tiêu của hành động tẩy chay này là đánh động công luận trong nước và ngoài nước, thu hút sự chú ý của giới lãnh đạo các quốc gia khác đến tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc.

Số nước tham gia tẩy chay: Một thước đo thành công

Đối với giới phân tích, thước đo thành công của một quyết định tẩy chay trước hết là sức thu hút của hành động đó đối với số đông. Để có tác động đáng kể, việc tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh phải được đông đảo các nước tiến hành.

Trên hệ thống truyền hình Pháp France-Télévision vào hôm qua, 07/12, bà Carole Gomez, chuyên gia địa chính trị đồng thời là giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp IRIS, đã nhấn mạnh: “Nếu bạn là người duy nhất vắng mặt tại sự kiện, thay vì thu hút sự chú ý và vạch trần một điều gì đó, chính bạn sẽ lâm vào tình trạng bị tẩy chay và gạt ra bên lề”.

Hiệu quả của một hành động tẩy chay cũng tùy thuộc vào phản ứng của quốc gia bị nhắm tới. Trong trường hợp của Trung Quốc, chuyên gia Gomez cho rằng: “Việc Bắc Kinh tuyên bố trả đũa có thể khiến nhiều các quốc gia khác không theo gương tẩy chay của Mỹ”, nhất là khi Trung Quốc, do trọng lượng kinh tế ngày càng tăng, vẫn là đối tác thương mại chính của nhiều nước.

Có lẽ chính vì những lời đe dọa trả đũa đó của Bắc Kinh mà quyết định tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh mà Washington loan báo chưa gây ra được một làn sóng hưởng ứng từ phía các quốc gia khác, kể cả tại các nước đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ. Hầu hết đều duy trì một thái độ thận trọng trước khi đưa ra quyết định dứt khoát.

Úc và New Zealand đều "tẩy chay", nhưng với lý do khác nhau

Ngay sau khi Mỹ loan báo quyết định tẩy chay, Úc và New Zealand là hai nước đầu tiên cho biết quyết định sẽ tẩy chay hay sẽ không cử quan chức chính phủ đi dự Thế Vận Hội Bắc Kinh. Khả năng Canada hay Anh Quốc tẩy chay cũng đã được gợi lên.

Theo hãng tin Anh Reuters, vào sáng nay 08/12, thủ tướng Úc Scott Morrison đã thông báo rằng các quan chức Úc sẽ không đến dự Olympic mùa đông tại Bắc Kinh, và những quan ngại về nhân quyền là một trong các yếu tố được Canberra cân nhắc để đưa ra quyết định tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội Bắc Kinh.

Theo thủ tướng Úc, quyết định của Canberra không có gì là đáng ngạc nhiên căn cứ vào quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh càng lúc càng xấu đi trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tương tự như trường hợp của Hoa Kỳ, các vận động viên Úc vẫn sẽ đến tranh tài tại Trung Quốc.

Nếu Úc nói rõ lý do tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh về mặt ngoại giao là vấn đề nhân quyền, thì New Zealand, ngay hôm qua, 07/12, lại kín đáo hơn, loan báo việc nước này sẽ không cử đại diện ngoại giao cấp bộ đến Olympic Bắc Kinh 2022, nhưng nhấn mạnh rằng quyết định đó “chủ yếu là do dịch Covid-19”, chứ không liên quan gì đến thông báo của Mỹ, cho dù Wellington cũng từng bày tỏ thái độ quan ngại về tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc.

Theo Reuters, phó thủ tướng New Zealand Grant Robertson còn cho biết thêm là quyết định không cử quan chức chính phủ đi dự Thế Vận Hội Bắc Kinh đã được thông báo cho phía Trung Quốc ngay từ tháng 10 vừa qua.

Canada sẽ theo gương Mỹ, Anh Quốc còn dè dặt

Hai quốc gia khác được cho là sẽ theo gương Mỹ trong vấn đề tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh là Canada và Anh Quốc, nhưng với mức độ khác nhau.

Theo báo chí Canada, đại sứ Mỹ tại Ottawa vào hôm qua tỏ ý tin tưởng là Canada sẽ hành động như Mỹ trong vấn đề này. Bản thân thủ tướng Canada Justin Trudeau, hôm 18/11 vừa qua từng tuyên bố là nước ông đang cân nhắc khả năng vừa để cho các vận động viên  tham gia thi đấu, vừa biểu thị thái độ quan ngại trước các hành vi của chính quyền Trung Quốc”, một kịch bản hoàn toàn khớp với chủ trương tẩy chay ngoại giao của Mỹ.

Về phần mình, Anh Quốc có vẻ thận trọng hơn. Theo nhật báo Anh The Telegraph số ra hôm nay, 08/12, Luân Đôn đang xem xét khả năng cử quan chức cấp thấp tham dự Thế Vận Hội Bắc Kinh, tức là để đại sứ Anh tại Bắc Kinh đi dự, không đưa quan chức cấp cao đến nơi. Một phương án như vậy sẽ không phải là một cuộc tẩy chay ngoại giao hoàn toàn, cho dù một lệnh cấm hoàn toàn đối với các bộ trưởng và đại diện ngoại giao Anh tại Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh vẫn có khả năng được quyết định.

Theo tin giờ chót, trưa nay, 08/12, thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố trước Nghị Viện là Luân Đôn sẽ tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022.

Riêng đối với Liên Hiệp Châu Âu, quyết định tẩy chay hay không có vẻ đặc biệt phức tạp, nhất là đối với các quốc gia châu Âu có liên hệ trực tiếp với Thế Vận Hội.

Pháp: Sẽ "phối hợp" với Liên Hiệp Châu Âu

Ngay sau thông báo của Mỹ về việc tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022, mọi con mắt đều đổ dồn vào Pháp, đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu và là nước sẽ tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024. Cùng được quan tâm là Ý, nước đăng cai Olympic Mùa Đông 2026.

Trong trường hợp của Pháp, tổng thống Macron sẽ bị ràng buộc vì phải tránh không cho Thế Vận Hội Paris 2024 lâm vào tình trạng bị Trung Quốc tẩy chay để trả đũa vụ Pháp tẩy chay Olympic Bắc Kinh.

Trong bối cảnh đó, theo hãng tin Pháp AFP, vào hôm qua, điện Elysée tức phủ tổng thống Pháp, cho biết là ông Macron đã “ghi nhận kỹ lưỡng” việc Mỹ tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội Bắc Kinh và Pháp sẽ “phối hợp ở cấp độ châu Âu” về vấn đề này.

Ý: Sẽ không tẩy chay Olympic Bắc Kinh như Mỹ

Ý thì có phần rõ ràng hơn Pháp và Đức. Theo nhật báo Mỹ The New York Times, một quan chức chính phủ Ý vào hôm qua khẳng định là Roma sẽ không tham gia cuộc tẩy chay của Mỹ.

Quyết định này cũng dễ hiểu vì trong tư cách là nước tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông 2026, theo truyền thống Olympic, Ý phải cử sứ giả chính thức đến Bắc Kinh đã nhận biểu tượng Thế Vận mà nước đi trước bàn giao cho nước đi sau.

Về phần Đức thì chính phủ mới được cho là sẽ có đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc, ông Olaf Scholz, thủ tướng Đức tân nhiệm, vào hôm qua đã từ chối cho biết ý định của Berlin.

Ủy Ban Châu Âu: Không nên dùng Thế Vận Hội để tuyên truyền chính trị

Ở cấp độ Liên Hiệp Châu Âu, dù toàn khối vừa gia hạn thêm một năm lệnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc dính líu đến các vụ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương, và dù Nghị Viện Châu Âu, tháng 7 vừa qua, đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc về việc kêu gọi các quan chức ngoại giao tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh, Ủy Ban Châu Âu đã có quan điểm không ủng hộ việc tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh.

Theo New York Times, vào hôm qua, cơ quan hành pháp của Liên Âu này đã ra thông cáo cho rằng châu Âu sẵn sàng đóng góp cho mục tiêu “truyền bá các giá trị tích cực và thúc đẩy tự do và nhân quyền ở cấp độ toàn cầu”, tuy nhiên những sự kiện như Thế Vận Hội “không nên được sử dụng để tuyên truyền chính trị”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.