Vào nội dung chính
NGA - BELARUS - QUÂN SỰ

Nga cho oanh tạc cơ chiến lược hạt nhân tuần tra trên không phận Belarus

Trong bối cảnh quan hệ với phương Tây vẫn rất căng thẳng, vào hôm qua, 18/12/2021, Nga đã phái hai oanh tạc cơ tầm xa có khả năng mang vũ khí hạt nhân tuần tra trên bầu trời Belarus, một động thái được cho là nhằm phô trương quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa hai đồng minh.

(Ảnh minh họa) - Một máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga bay tuần tra trên không phận Belarus, thứ Năm, ngày 11/11/2021. Ảnh trích từ video do Cơ quan Báo chí bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 10/11/2021.
(Ảnh minh họa) - Một máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga bay tuần tra trên không phận Belarus, thứ Năm, ngày 11/11/2021. Ảnh trích từ video do Cơ quan Báo chí bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 10/11/2021. AP
Quảng cáo

Theo hãng tin Mỹ AP, 2 máy bay ném bom của Nga đã xuất hiện trên bầu trời Belarus vào ngày hôm qua. Bộ Quốc Phòng Nga thông báo là hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 đã “thực hiện các nhiệm vụ chung với lực lượng phòng không và không quân Belarus”. Hai phi cơ Nga đã được chiến đấu cơ Su-30 mà Nga cung cấp cho Belarus hộ tống. 

Cuộc tuần tra, kéo dài 4 tiếng đồng hồ, đánh dấu lần tuần tra thứ ba của Nga tại Belarus kể từ tháng 11/2021, và diễn ra trong bối cảnh phương Tây lo ngại về việc quân đội Nga tăng cường gần biên giới Ukraina. Một số quan chức Ukraina đã lên tiếng lo ngại rằng Nga có thể sử dụng Belarus làm căn cứ để tấn công đất nước của họ từ phía bắc.

Matxcơva đã phủ nhận cáo buộc Nga có kế hoạch xâm lược Ukraina, đồng thời gia tăng áp lực đòi Mỹ đưa ra những đảm bảo an ninh theo đó Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO không kết nạp Ukraina làm thành viên hoặc không triển khai vũ khí ở đó, những yêu sách gần như chắc chắn sẽ bị Mỹ và đồng minh từ chối. 

Trong bối cảnh căng thẳng với Liên Hiệp Châu Âu, tổng thống Belarus Alexander Loukachenko vào tháng 11 cho biết đất nước ông sẽ sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Nga. Nhà lãnh đạo Belarus không nói rõ Belarus sẽ sẵn sàng trang bị những loại vũ khí nào của Nga, nhưng lưu ý rằng Belarus đã bảo quản cẩn thận các cơ sở hạ tầng quân sự cần thiết có từ thời Liên Xô. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã mô tả lời đề nghị của ông Loukachenko là một “lời cảnh báo nghiêm túc xuất phát từ chính sách liều lĩnh của phương Tây”. 

Liên Hiêp Châu Âu đã cáo buộc nhà độc tài Loukachenko khuyến khích di dân và người tị nạn sử dụng đất nước của ông như một cửa hậu để thâm nhập vào các quốc gia thành viên EU là Ba Lan, Litva và Latvia một cách bất hợp pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.