Vào nội dung chính
NGA - LIÊN XÔ

30 năm sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn mơ hồ về bản sắc, gặp nhiều trở ngại về đoàn kết dân tộc

Tháng 12/2021 đánh dấu tròn 30 năm Liên Xô tan rã. Trong số 15 quốc gia tách ra từ Liên Xô, Liên bang Nga khác biệt so với những nước Cộng hòa còn lại, không chỉ về diện tích, dân số và ảnh hưởng chính trị trong khu vực, mà còn cả về quỹ đạo chính trị - xã hội. Liệu có bản sắc dân tộc Nga hay không ?   

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trước các quan chức quân đội và bộ Quốc Phòng Nga, Matxcơva, ngày 21/12/2021.
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trước các quan chức quân đội và bộ Quốc Phòng Nga, Matxcơva, ngày 21/12/2021. © via REUTERS - SPUTNIK
Quảng cáo

Các chính sách được thực hiện trong 30 năm qua không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này, bởi nó đặc biệt phức tạp ở đất nước rất đa dạng về sắc tộc và văn hóa, trong khi mối quan hệ với quá khứ Xô Viết và đế chế xưa kia lại mơ hồ. Đó là nhận định, trên trang mạng nghiên cứu The Conversation, ngày 29/12/2021, của tiến sĩ khoa học chính trị Sergei Fediunin, Viện quốc gia về ngôn ngữ và văn minh phương Đông (INALCO), cộng tác viên giảng dạy và nghiên cứu về văn minh Nga, tại Đại học Paris Sorbonne của Pháp. RFI giới thiệu bài viết dưới dạng hỏi đáp.  

Quá khứ Xô Viết còn hiện diện ở nước Nga ngày nay hay không ?   

Nước Nga vẫn không thoát hẳn khỏi thời kỳ Xô Viết : quá khứ Liên Xô vẫn là một « mỏ neo về bản sắc » mạnh mẽ cho Nhà nước Nga. « Chiến thắng vĩ đại » ngày 09/05/1945 của Liên Xô vẫn được kỷ niệm ở Nga như là sự kiện mang tính tập hợp, ngày lễ quốc gia có ý nghĩa lớn hơn nhiều ngày kỷ niệm lịch sử khác của nước Nga.   

Các nhà lãnh đạo hiện thời của Nga, sinh ra trong giai đoạn 1950-1960, đã dần nâng ký ức về thời kỳ cuối của Liên Xô - những năm Brezhnev (1964-1982) - lên mức chuẩn mực lý tưởng về Liên Xô « tốt đẹp ». Đối với nhà khoa học chính trị Vladimir Guelman, đó là một hình ảnh đẹp về hệ thống Xô Viết không mang những khiếm khuyết cố hữu, chẳng hạn như sự thiếu hụt quyền tự do dân sự hoặc sự vi phạm hệ thống về quyền tự do dân sự. Khi gợi lên hoài niệm về « thời kỳ vàng son » này của Liên Xô, tổng thống Nga Vladimir Putin và giới thân cận với ông liên tục gọi sự sụp đổ của Liên Xô là một « bi kịch », một « thảm họa ».  

Trong mắt nhà chức trách Nga, Liên Xô còn tượng trưng cho sức mạnh địa chính trị của Matxcơva đối với một phần thế giới sau Đệ Nhị Thế chiến. Chính điều đó cho phép Matxcơva biện minh cho những tham vọng hiện tại của nước Nga, duy trì « hào quang » cường quốc của mình, đặc biệt nhờ vị thế là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Điện Kremlin đã duy trì tinh thần đó trong nhiều năm, và vào năm 2020 đã sửa đổi Hiến pháp Nga, với điều 67.1 quy định Liên bang Nga « thừa kế », hoặc « kế vị » Liên Xô theo luật định.  

Đế chế đã kết thúc tại Nga ?  

Trái ngược với các quốc gia hậu Xô Viết khác, nước Nga vẫn duy trì một mối quan hệ mơ hồ với lịch sử đế chế của mình. 30 năm sau khi Liên Xô tan rã và hơn một thế kỷ sau khi Đế chế Romanov sụp đổ, câu hỏi « Đế chế kết thúc khi nào và quốc gia bắt đầu từ đâu? » vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát trong các cuộc tranh luận ở nước Nga. Giới lãnh đạo Nga thời hậu Xô Viết đã ủng hộ việc thúc đẩy sự tiếp nối liên tục của lịch sử quốc gia, kết nối thời đương đại với chế độ Sa hoàng và Cộng sản, trên danh nghĩa duy trì một Nhà nước mạnh mẽ và vĩnh cửu trong một không gian Á-Âu rộng lớn.  

Đúng là ngay cả bây giờ, Nga vẫn là một Nhà nước tầm đế chế, dù đã bị « thu hẹp », bao gồm các khu vực từng được thống nhất thông qua chinh phục hoặc ít nhiều có sự đồng ý tự nguyện. Những khu vực này, từng được hưởng quy chế lãnh thổ tự trị ở đầu thời kỳ Xô Viết và được gọi là « nước Cộng hòa », là những nơi tập trung các cộng đồng sắc dân với mật độ dày đặc, với ngôn ngữ, văn hóa và phong tục của họ, khác với các cộng đồng dân tộc chiếm đa số trong nước. Mối quan hệ giữa các lãnh đạo địa phương và điện Kremlin gợi lên hệ thống cai trị kiểu đế chế hơn là liên bang, các lãnh đạo địa phương không phải chia sẻ quyền lực nhưng với điều kiện họ phải tuyên bố trung thành tuyệt đối, nếu không muốn nói là phục tùng lãnh đạo tối cao Vladimir Putin.  

Việc duy trì không gian như kiểu ghép các mảnh đa mầu được tổng thống Nga Putin mô tả như một « hành động anh hùng » của người Nga, là nguồn quan trọng tạo tính chính đáng cho chế độ chính trị đang được áp dụng. Chính trong « cuộc chiến Chechnya lần thứ hai », Putin, khi đó mới được bổ nhiệm làm thủ tướng, trước khi kế nhiệm Boris Yeltsin làm tổng thống, đã đặt nền móng cho hình ảnh một người tài giỏi có khả năng ngăn chặn mối họa ly khai và bảo đảm an ninh trật tự cho tất cả mọi người. Sau đó, chính sự ổn định đã được dùng để biện minh cho sự chuyển hướng thành chế độ độc đoán chuyên quyền, mà một trong những mục tiêu là ngăn chặn một giai đoạn tan rã mới của đất nước.  

Tuy nhiên, nỗi sợ về sự tan rã Nhà nước này đã lu mờ dần theo thời gian, sự toàn vẹn lãnh thổ « bằng mọi giá » dần trở thành một chủ đề gây tranh cãi, chẳng hạn một thành viên một hội đồng cố vấn cho tổng thống về nhân quyền còn đề xuất để cho những vùng lãnh thổ « không muốn sống với chúng ta trong cùng Nhà nước » được « ra đi ». Tuy nhiên, tổng thống Nga Putin vẫn cảnh báo không được để tái diễn « kịch bản Nam Tư » ở Nga, ý nói đến các cuộc chiến tranh sắc tộc diễn ra trên lãnh thổ Nam Tư cũ hồi những năm 1990.  

Tình đoàn kết dân tộc ở Nga mong manh ?   

Quá trình xây dựng đất nước ở Nga vẫn còn ghi đậm dấu ấn quá khứ đế chế, nhưng nhà chức trách đang tìm cách huy động các giá trị được cho là gắn kết dân chúng nhất có thể. Đó là những giá trị ái quốc và bảo thủ, hoặc giá trị « truyền thống » mà Nhà nước và các tổ chức ngoài  Nhà nước quảng bá, kể cả phe đối lập ở Quốc Hội trung thành với Điện Kremlin, Nhà thờ Chính giáo Nga hoặc các tổ chức Hồi giáo. Tuy nhiên, « sự đồng thuận bảo thủ » dường như không phải là « cây đũa thần » cho phép vượt qua những chia rẽ nội bộ. Một trong những sự chia rẽ đó là khoảng cách tồn tại dai dẳng từ lâu nay giữa cộng đồng dân tộc - văn hóa và cộng đồng công dân : trong số gần 146 triệu dân của nước Nga, có khoảng 30 triệu người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số.   

Sự đa dạng vốn có này cũng được thể hiện ở khía cạnh tôn giáo. Khoảng 70% dân chúng tự nhận là người Cơ đốc chính thống giáo (cho dù đây là bản sắc văn hóa hơn là tôn giáo), 20 triệu cư dân của Nga theo văn hóa Hồi hoặc Hồi giáo. Nhưng tỉ lệ người Hồi có thể có xu hướng tăng lên trong những thập niên tới, do xu hướng nhân khẩu học và yếu tố di cư. Điều này sẽ tác động đến các cuộc tranh luận về bản sắc trong nước. Thúc đẩy sự gắn kết thành viên trong cộng đồng công dân Nga có thể giúp vượt qua những khác biệt về văn hóa - dân tộc kể trên. Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó có thể bị cản trở do tư tưởng « bài ngoại » tồn tại dai dẳng nhắm vào những người mà qua ngoại hình có thể đoán là người thuộc sắc dân thiểu số.     

Chủ nghĩa bài ngoại cũng không buông tha những công dân không thuộc dân tộc Nga, họ bị kỳ thị và phân biệt đối xử một cách có hệ thống. Các nhóm thiểu số, dù là sắc dân bản địa hay người mới nhập cư (chẳng hạn từ các nước Trung Á), đều là mục tiêu của các cuộc bạo động sắc tộc hoặc chủng tộc. Hơn nữa, cũng khó có thể nói là Nga có một cộng đồng quốc gia tôn trọng một cách có ý thức Nhà nước và hệ thống luật pháp. Nhiều người Nga không mấy tin tưởng vào các cơ quan công quyền, kể cả ở cấp địa phương hay quốc gia.   

Những sự lựa chọn của chính quyền Nga cũng mơ hồ, không rõ ràng ?  

Những điều kể trên thực ra cũng phản ánh sự mơ hồ trong các chiến lược mà chính quyền Nga đã áp dụng để đối phó với tình hình.  

Đầu tiên, nhà chức trách Nga công khai lên án mọi biểu hiện bài ngoại, nhưng trên thực tế chính quyền góp phần hợp pháp hóa các thái độ bài ngoại thông qua việc sử dụng các khái niệm như « tội phạm sắc tộc » hoặc có các diễn ngôn bài nhập cư. Ví dụ, thị trưởng Matxcơva Sergei Sobyanine coi « tội phạm sắc tộc » là « một trong những vấn đề chính » ở thủ đô Nga và muốn thay thế lao động nhập cư tại công trường bằng những người dân « có chất lượng cao hơn », tức là các công dân Nga sống ở các khu vực lân cận Matxcơva.   

Nhưng kể từ đầu những năm 2010, chính quyền Nga đã trấn áp các nhóm nhỏ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tìm cách, trong bối cảnh địa chính trị mới được ghi dấu bằng cuộc đối đầu gay gắt giữa Nga và Tây phương, khơi dậy lòng thù hận của nhiều người dân nhắm vào di dân và các sắc dân thiểu số. Trên thực tế, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina hồi năm 2014 đã khiến tâm lý bài ngoại trong nội bộ giảm đáng kể, tâm lý bài ngoại chuyển hướng phần nào nhắm vào Mỹ và Ukraina.   

Sau đó, giới lãnh đạo Nga đề cao một cách có hệ thống các phát biểu về nước Nga như một quốc gia « đa sắc tộc và đa tín ngưỡng », nhấn mạnh đến quyền bình đẳng của công dân thuộc các sắc tộc hoặc tôn giáo khác nhau. Đồng thời quảng bá nhiều hơn cho từ « rousskiï » (tính từ gắn với ngôn ngữ, văn hóa và sắc tộc Nga) hơn là « rossiïskiï » (tính từ gắn với Nhà nươc và các lĩnh vực công của Nga), nhằm củng cố chính sách gây ảnh hưởng đối với cộng đồng người Nga, không ở các nước thuộc Liên Xô cũ, mà còn hơn thế nữa. Thế nhưng, quyết định của Vladimir Putin chấm dứt việc bắt buộc dạy ngôn ngữ thiểu số trong trường công lập ở các nước Cộng hòa tự trị có thể gieo mầm cho những xung đột trong tương lai.  

Và cuối cùng, cuộc khủng hoảng Ukraina, vẫn kéo dài chưa hồi kết, đã đặt dấu chấm hết cho ý tưởng về một dự án hợp nhất quốc gia có thể có giữa Nga và Ukraina. Sự chia rẽ của hai quốc gia vốn gần gũi về lịch sử và văn hóa có thể tạo đà mới cho việc xây dựng quốc gia ở Nga, như chuyện đã bắt đầu diễn ra ở Ukraina. Tuy nhiên, kể từ khi sáp nhập Crimé, Liên bang Nga đã nhận thấy biên giới quốc gia đang và sẽ vẫn còn bị tranh chấp từ bên ngoài.  

Do đó, có thể nói rằng 30 năm sau khi Liên Xô tan rã, các cấu trúc bản sắc của xã hội Nga vẫn chưa được xác định rõ ràng, và những trở ngại đối với việc « hợp nhất quốc gia » vẫn còn rất nhiều.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.