Vào nội dung chính
UKRAINA - KHỦNG HOẢNG

Khủng hoảng Ukraina : Giải thích về Các Thỏa thuận Minsk

Kiev và các nước phương Tây đang nỗ lực giải quyết khủng hoảng biên giới giữa Ukraina và Nga theo đường đàm phán hòa bình, tránh xung đột vũ trang. Một trong những hướng ngoại giao được nhắc nhiều trong thời gian gần đây là hội nghị bốn bên theo « Khuôn khổ Normandie » gồm Ukraina, Nga, Pháp và Đức, cũng như việc triển khai Các Thỏa thuận Minsk.

Ngoại trưởng bốn nước trong "Khuôn khổ Normandie", từ trái qua phải : ngoại trưởng Pháp Jean Jean-Marc Ayrault, Đức Frank-Walter Steinmeier, Nga Sergey Lavrov và Ukraina Pavlo Klimkin trước khi họp tại Minsk, Belarus, ngày 29/11/2016.
Ngoại trưởng bốn nước trong "Khuôn khổ Normandie", từ trái qua phải : ngoại trưởng Pháp Jean Jean-Marc Ayrault, Đức Frank-Walter Steinmeier, Nga Sergey Lavrov và Ukraina Pavlo Klimkin trước khi họp tại Minsk, Belarus, ngày 29/11/2016. AP - Sergei Grits
Quảng cáo

Vậy Các Thỏa thuận Minsk gồm những điểm gì ? Liệu đây có phải là giải pháp ngoại giao duy nhất hiện nay để tránh chiến tranh ? Trang TV5 Monde ngày 08/02/2022 lần lượt giải thích những câu hỏi này.

Tại sao lại là Các Thỏa thuận Minsk ?

Thỏa thuận Minsk II được ký ngày 12/02/2015, chỉ vài tháng sau thất bại của Nghị định thư Minks (Minsk Protocol, ký ngày 05/09/2014). Cuộc đàm phán Minsk II kéo dài suốt 16 tiếng và chỉ chấm dứt khi tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ; « Chúng ta đã tìm được một thỏa thuận về cơ bản ». Tại Dinh Độc Lập ở Minsk, thủ đô của Belarus, bốn nguyên thủ Nga, Ukraina, Pháp, Đức ký thỏa thuận đình chiến ở Ukraina và đổi lại, các bên thực hiện một số cam kết.

Nghị định thư Minsk (Minsk I) và Thỏa thuận Minsk (Minsk II) khác nhau ở điểm nào ?

Nghị định thư Minsk (Minsk Protocol, Minsk I)

Nghị định thư Minsk được các đại diện của Nhóm liên lạc ba bên về Ukraina (gồm Nga, Ukraina và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu, OSCE) ký ngày 05/09/2014 tại Minsk, thủ đô Belarus, nhằm chấm dứt thù nghịch trong vùng Donbass.

Vào thời điểm đó, miền đông Ukraina là nơi giao tranh dữ dội giữa một bên là lực lượng trung thành với Nhà nước Ukraina và bên kia là lực lượng ly khai tại những vùng nói tiếng Nga, được Matxcơva yểm trợ. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée vào tháng 03/2014, hố sâu ngăn cách trở nên nghiêm trọng hơn ở vùng Donbass.

Nghị định thư Minsk năm 2014 chỉ giúp hạ nhiệt căng thẳng trong một thời gian ngắn. Chiến tranh tái bùng phát ngay cuối năm đó.

Thỏa thuận Minsk (Minsk II Agreements)

Trước tình hình căng thẳng tái bùng phát và thất bại của Minsk I, thỏa thuận thứ hai đã được ký ngày 12/02/2015, vẫn tại thủ đô của Belarus, nên được gọi là tắt Minsk II, còn tên đầy đủ là « Tập hợp các biện pháp để áp dụng Các Thỏa thuận Minsk ». Mục tiêu vẫn không thay đổi : Giảm căng thẳng ở Donbass qua việc tuân thủ lệnh ngừng bắn ký ngày 05/09/2014.

13 điểm của Thỏa thuận Minsk II

- Ngừng bắn từ nửa đêm 15/02
- Rút hết vũ khí hạng nặng
- Kiểm tra lệnh hưu chiến
- Đối thoại
- Tha bổng và ân xá bằng thông qua một đạo luật
- Trả tự do và trao đổi “toàn bộ con tin và những người bị bắt giữ trái pháp luật trên cơ sở nguyên tắc “đổi toàn bộ”
- Bảo đảm an ninh cho trợ giúp nhân đạo
- Xác định “các cách tái lập hoàn toàn các quan hệ kinh tế - xã hội”
- Khôi phục hoàn toàn quyền kiểm soát biên giới Nhà nước của chính phủ Ukraina trong toàn khu vực xung đột
- Tất cả các lực lượng vũ trang nước ngoài rút khỏi Ukraina
- Tiến hành cải cách Hiến Pháp ở Ukraina
- Thảo luận về bầu cử địa phương
- Thành lập các nhóm làm việc
 

Nguồn gốc của những thỏa thuận này ?

Các Thỏa thuận Minsk là kết quả của quá trình đàm phán giữa hai tổng thống Nga Vladimir Putin và Ukraina Petro Porochenko. Tuy nhiên, cũng phải kể đến cuộc họp ngoại giao bán chính thức tại lâu đài Bénouville ngày 06/06/2014, nhân kỷ nhiệm Ngày quân đồng minh đổ bộ vào vùng Normandie (Pháp), nên sau được gọi là « Khuôn khổ Normandie ».

Tham dự cuộc họp trên có bốn nguyên thủ Pháp, Đức, Nga và Ukraina và lần đầu tiên vấn đề hòa bình tại Ukraina trở thành trọng tâm cuộc đàm phán ngoại giao. Những đề xuất khác nhau trong khuôn khổ thượng đỉnh này đã được thông qua sau đó và được Nhóm liên lạc ba bên (Ukraina, Nga, OSCE) ký kết. Hai thỏa thuận hòa bình Minsk I và Minsk II ra đời nhờ « Khuôn khổ Normandie ».

Trong hai ngày công du ba nước Nga, Ukraina, Đức (06-07/02/2022), tổng thống Pháp khẳng định muốn « tái khởi động » hội nghị bốn bên theo « Khuôn khổ Normandie » để giảm tình hình căng thẳng hiện nay ở biên giới Ukraina.

Thỏa thuận Minsk thực sự giúp chấm dứt xung đột Ukraina ?

Trả lời AFP, chuyên gia Jean de Gliniasty của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) và là cựu đại sứ Pháp tại Matxcơva cho rằng vần đề chính nằm ở chỗ « hội nghị bốn bên theo khuổn khổ này đã bị tê liệt từ 8 năm nay vì Ukraina không muốn ». Trong khi đó, Matxcơva cũng trách Paris và Berlin ủng hộ Kiev nên từng tẩy chay và chỉ mới chấp nhận tái khởi động hôm 26/01/2022.

Còn theo ông Arnaud Dubien, giám đốc Đài Quan sát Pháp-Nga ở Matxcơva, « khuôn khổ Normandie, rõ ràng là một lối thoát ». Trong bối cảnh hiện nay, đối với tổng thống Nga Putin, « Pháp là một trong số các lá bài, dù thứ yếu nhưng không hẳn là không thú vị ». Cuối cùng, bà Sylvie Bermann, cựu đại sứ Pháp ở Trung Quốc, Anh và Nga thì đánh giá tình hình « khó khăn » nên « các thỏa thuận Minsk hiện vẫn là giải pháp duy nhất được đặt lên bàn ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.