Vào nội dung chính
ĐỨC - NGA - UKRAINA

Khủng hoảng Ukraina : Thủ tướng Đức đến Matxcơva gặp tổng thống Nga

Một hôm sau khi ghé Ukraina, thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Matxcơva vào hôm nay 15/02/2022 để tiếp xúc với tổng thống Nga Vladimir trong một nỗ lực ngăn chặn chiến tranh bùng nổ trên vấn đề Ukraina. Cuộc gặp thượng đỉnh Đức-Nga diễn ra sau khi xuất hiện một số tín hiệu hòa hoãn, đặc biệt từ phía Matxcơva. 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự lễ tưởng niệm tại Lăng mộ chiến sỹ vô danh tại Bức tường Kremlin ở Matxcơva, Nga, ngày 15/02/2022.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự lễ tưởng niệm tại Lăng mộ chiến sỹ vô danh tại Bức tường Kremlin ở Matxcơva, Nga, ngày 15/02/2022. AP - Maxim Shemetov
Quảng cáo

Ngay trước lúc hai lãnh đạo Đức-Nga gặp nhau, Berlin đã lên tiếng kêu gọi Matxcơva cho “rút quân” của mình ra khỏi khu vực bao quanh Ukraina.  

Trong một thông cáo được công bố sáng nay, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã bày tỏ thái độ quan ngại trước một “tình hình đặc biệt nguy hiểm và có thể leo thang bất cứ lúc nào” và cho rằng “trách nhiệm của việc giảm leo thang rõ ràng là thuộc về Nga, và Matxcơva phải lui binh”. 

Ngay từ hôm qua, tại thủ đô Ukraina, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhắc lại rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga vào Ukraina đều sẽ gặp phải hậu quả kinh tế nặng nề, do những “biện pháp trừng phạt rất sâu rộng và hiệu quả với sự phối hợp của các đồng minh”. 

Lời nhắc nhở của Đức về các biện pháp trừng phạt kinh tế được cho là rất có trọng lượng vì Berlin là đối tác thương mại số một của Matxcơva ở châu Âu và là khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga. 

Thủ tướng Đức cũng kêu gọi Nga nắm bắt “những đề nghị đối thoại” từ phía Phương Tây. 

Tín hiệu hòa hoãn 

Chuyến công du Nga của thủ tướng Đức diễn ra trong bối cảnh cả phương Tây lẫn Matxcơva đều biểu lộ những tín hiệu hòa dịu hơn.  

Theo hãng tin Pháp AFP, trong cuộc điện đàm vào hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Anh Boris Johnson đã ghi nhận rằng “vẫn còn một cơ hội quan trọng cho ngoại giao”.  

Về phần mình, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng xác định rằng “khả năng đối thoại vẫn còn lâu mới cạn kiệt” và thậm chí ông còn đề nghị “kéo dài và mở rộng” đối thoại với Phương Tây. Điều quan trọng là các tuyên bố của ngoại trưởng Nga được đưa ra khi ông trả lời câu hỏi của tổng thống Nga Vladimir Putin, theo những hình ảnh được phát trên truyền hình. Ông Lavrov cũng gọi một số đề xuất của Mỹ là “mang tính xây dựng”. 

Theo AFP những nhận xét trên đây của ngoại trưởng Lavrov hòa hoãn hơn nhiều so với những tuyên bố đanh thép từ Nga trong những tuần gần đây. Đáng chú ý hơn nữa là phản ứng ngắn gọn - “Tốt” - của tổng thống Putin trước các nhận xét của ông Lavrov. 

Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Stéphane Siohan tại Kiev, bất chấp các dấu hiệu hòa dịu, nguy cơ chiến tranh vẫn còn đó. 

“Vẫn phải thận trọng về triển vọng đột phá ngoại giao trước cuộc gặp Putin-Scholz,  tuy nhiên, các lập trường đã có chút thay đổi. 

Cụ thể là màn dàn dựng nhỏ giữa hai ông Sergei Lavrov và Vladimir Putin, đã mở ra cánh cửa cho việc dừng một số cuộc tập trận nhất định. 

Trong khi đó tại Kiev, thủ tướng Scholz kêu gọi Nga xuống thang, nói rằng việc Ukraina trở thành thành viên NATO không nằm trong chương trình nghị sự. 

Chúng ta có thể đoán được là các nhà lãnh đạo phương Tây đang cố gắng gây áp lực lên Ukraina bằng cách thúc giục nước này giảm thiểu tham vọng gắn mình vào khối Châu Âu-Đại Tây Dương. 

Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng nguy cơ chiến tranh đã bị gác qua một bên. Chúng ta chỉ có cảm tưởng rằng các tác nhân của cuộc khủng hoảng đã lùi một bước khỏi bờ vực thẳm. 

Nhất là khi Nhà Trắng, vào hôm qua, vẫn thông báo rằng bất chấp những tuyên bố của chính mình, Nga vẫn đang tiếp tục tăng cường lực lượng ở biên giới Ukraina. 

Washington đã quyết định đóng cửa đại sứ quán của mình ở Kiev và chuyển nó đến Lviv, gần biên giới Ba Lan. Đây là dấu hiệu cho thấy ván bài vẫn chưa kết thúc.” 

Tịn giờ chót: cuối sáng nay, 15/02, điện Kremlin thông báo quân đội Nga đã hoàn tất các cuộc tập trận và bắt đầu rút ra khỏi vùng sát biên giới chung với Ukraina. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.