Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - CHÂU PHI

Thượng đỉnh Âu - Phi : Cơ hội thắt chặt quan hệ song phương trước ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc

Thượng đỉnh Âu - Phi mở ra tại Bruxelles vào hôm nay 17/02/2022 và kéo dài đến ngày mai 18/02, với sự tham gia của hơn 80 nguyên thủ quốc gia tới từ hai châu lục. Tại thượng đỉnh Âu - Phi lần thứ 6, Bruxelles muốn tái khẳng định ảnh hưởng của Liên Hiệp Châu Âu đối với châu Phi, nơi đang thu hút nhiều đầu tư của Nga và Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (P) và tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi (T), tới trụ sở Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh Âu-Phi, Bruxelles, Bỉ, ngày 17/02/2022.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (P) và tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi (T), tới trụ sở Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh Âu-Phi, Bruxelles, Bỉ, ngày 17/02/2022. REUTERS - POOL
Quảng cáo

Reuters cho biết theo dự kiến, châu Âu sẽ đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ đề giúp châu Phi phát triển về y tế, giáo dục và an ninh. Bruxelles cũng sẽ cam kết trong vòng 7 năm tới cấp cho châu Phi một nửa trong tổng số tiền đầu tư 300 tỉ euro trong khuôn khổ kế hoạch Global Gateway, vốn được coi là dự án làm đối trọng với kế hoạch « Một vành đai, một con đường » (BRI) của Trung Quốc. 

Vốn là hai châu lục có quan hệ khá gắn bó, nhưng đại dịch Covid-19, nhất là chiến dịch tiêm chủng ngừa virus corona, dường như đã khiến châu Phi cảm thấy bị châu Âu bỏ rơi. Thượng đỉnh Âu - Phi lần này vì thế được xem là cơ hội để châu Âu thắt chặt quan hệ với châu Phi. 

Từ Bruxelles, đặc phái viên Paulina Zidi cho biết thêm : 

« Thái độ hoài nghi của châu Phi trước sự lo lắng sốt ruột của các nước châu Âu », đó là nhận định của một chuyên gia về quan hệ Âu-Phi về tâm trạng chung trước thềm hội nghị này. Châu Âu muốn xác định lại quan hệ đối tác giữa hai châu lục. Hồi tháng 03/2020 châu Âu đã đưa ra « chiến lược với châu Phi ». Nhưng trong 2 năm, thái độ lạc quan đã giảm dần, nhường chỗ cho mối quan hệ đối tác thường được xem là « không cân xứng ». 

Bằng chứng là cuộc khủng hoảng Covid-19 với cơ chế đoàn kết tương trợ đã ngưng trệ, nhất là liên quan đến vac-xin và sự xuất hiện của biến thể Omicron, gây ra những căng thẳng về ngoại giao. Một nhà nghiên cứu giải thích : « Nam Phi đã minh bạch, nhưng châu Âu đáp lại bằng cách đóng cửa biên giới ». Điều này đã khiến tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nổi giận. 

Trong bối cảnh quốc tế nhiều bất định, châu Âu cần các đối tác, cần duy trì quan hệ với châu lục vốn gần gũi với châu Âu, vào thời điểm mà nhiều cường quốc khác đang nhòm ngó châu Phi. Ngoài những hứa hẹn về tài trợ, châu Âu cũng sẽ phải để ý tới các mối quan tâm của châu Phi. 

Nhà nghiên cứu Geert Laporte đặt câu hỏi « Châu Âu muốn châu Phi trở thành đối tác ưu tiên, nhưng liệu họ đã sẵn sàng nhượng bộ ? ». Đối với ông, cần phải đặc biệt theo dõi các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề di dân để có những yếu tố đầu tiên cho câu trả lời. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.