Vào nội dung chính
LIÊN ÂU - CHÂU PHI

Thượng đỉnh Âu-Phi : Liên Hiệp Châu Âu hứa đầu tư 150 tỉ euro vào châu Phi

Trong ngày họp thượng đỉnh đầu tiên 17/02/2022 tại Bruxelles (Bỉ), 40 nguyên thủ và thủ tướng châu Phi cùng với 27 nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) nhất trí cùng nhau « tái tạo mối quan hệ » giữa hai châu lục.

Tổng thống Senegal, chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi Macky Sall phát biểu tại thượng đỉnh Liên Âu - Châu Phi, Bruxelles, ngày 17/02/2022.
Tổng thống Senegal, chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi Macky Sall phát biểu tại thượng đỉnh Liên Âu - Châu Phi, Bruxelles, ngày 17/02/2022. AFP - JOHN THYS
Quảng cáo

Chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi Macky Shall kêu gọi « một khởi đầu mới », trong bối cảnh « châu Phi đang biến chuyển và đã thay đổi rất nhiều ». Còn chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel nhấn mạnh đến việc « châu Âu cần một châu Phi ổn định, an toàn và thịnh vượng ».

Kết thúc thượng đỉnh ngày 18/02, hai bên ra một tuyên bố chung, kèm theo danh sách nhiều dự án cụ thể mà Bruxelles hỗ trợ cho châu Phi trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, việc làm, giáo dục, chuyển đổi năng lượng, đến an ninh, thương mại, nhập cư…

Đặc phái viên RFI Juliette Gheerbrant tường trình từ Bruxelles :

« Điểm đầu tiên trong số những đường lối chính đó là cơ cấu tổ chức của cuộc gặp lần này : có 7 thảo luận bàn tròn để trao đổi hiệu quả hơn và hiểu nhau hơn. Phương diện này được chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel nhấn mạnh. Còn đối với chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi Macky Sall, đây chính là cách cùng nhau xây dựng, thông qua một phương thức mới trong mối quan hệ giữa hai lục địa, mà không phải là « sứ mệnh văn minh » mang tính áp đặt, theo phát biểu của ông Macky Sall. Đây chính là điểm mới.

Nhu cầu cũng rất lớn. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) thẩm định châu Phi cần tới hơn 221 tỉ euro trong vòng ba năm tới để giảm bớt cú sốc do đại dịch gây ra. Và Liên Hiệp Châu Âu hứa tài trợ 150 tỉ euro. Đây là con số áng chừng, sẽ bao gồm cả đầu tư công và tư.

Hồ sơ lớn nhất liên quan đến năng lực tiêm chủng. Đây là chủ đề được thông báo vào sáng 18/02, cũng như các vấn đề về khí hậu và năng lượng. Đây là chủ đề gây tranh luận. Chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi Macky Sall ba lần nhắc lại rằng khoảng 600 triệu người dân châu Phi không có điện dùng, cho dù châu Phi đã tham gia Thỏa thuận Khí hậu Paris và dự án Vạn Lý Trường Thành xanh. Theo ông, trong số những công trình hạ tầng cần phát triển thì những nhà máy điện chạy bằng khí đốt vẫn là điều cần thiết ».

EU dự kiến chuyển giao công nghệ vac-xin cho châu Phi

Hiện chỉ có khoảng 11% dân số châu Phi được tiêm ngừa Covid-19 trong khi theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, châu Phi cần tiêm chủng cho hơn 70% để thoát khỏi giai đoạn nguy kịch của đại dịch.

Trong phiên họp sáng 18/02, Liên Hiệp Châu Âu có kết hoạch thông báo chuyển giao công nghệ vac-xin, trong đó có công nghệ ARN thông tin, nhưng không hoàn toàn miễn phí, cho châu Phi. Theo Ủy Ban Châu Âu, ba trung tâm dược phẩm cấp vùng dự kiến được thành lập ở Ghana, Rwanda và Senegal. Các nhà máy ở Rwanda và Senegal dự kiến đi vào hoạt động ngay từ đầu mùa hè nhờ cơ sở hạ tầng do công ty BioNTech cung cấp. Mục tiêu được đề ra là những trung tâm này phải đáp ứng được 60% nhu cầu vac-xin của châu lục từ giờ đến năm 2040.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.