Vào nội dung chính
NGA - XÃ HỘI

Chiến tranh Ukraina: Hàng hóa Nga bị tẩy chay tại phương Tây

Người Pháp có rượu vang Bordeaux, người Nga thích rượu vodka. Do là biểu tượng gắn liền với nước Nga, cho nên rượu vodka là sản phẩm đầu tiên bị các nước Âu Mỹ tẩy chay để phản đối Nga xâm chiếm Ukraina. Song song với các đòn trừng phạt tài chính, phong trào tẩy chay hàng Nga đang lan rộng tại phương Tây, cho dù biện pháp này mang tính tượng trưng, hơn là có hiệu quả kinh tế.

Chai rượu vodka Nga mang nhãn hiệu Russian Standard được bày bán trên quầy một cửa hàng thuộc chuỗi LCBO tại Ottawa, Ontario, Canada, ngày 25/02/2022.
Chai rượu vodka Nga mang nhãn hiệu Russian Standard được bày bán trên quầy một cửa hàng thuộc chuỗi LCBO tại Ottawa, Ontario, Canada, ngày 25/02/2022. REUTERS - PATRICK DOYLE
Quảng cáo

Vào lúc tình hình chiến sự Ukraina vẫn chưa giảm cường độ, số tập đoàn kinh doanh cũng như các cơ quan văn hóa cắt đứt quan hệ hợp tác với Nga đang tăng từng ngày. Theo tuần báo Pháp Capital, một số sản phẩm Nga có bán ngoài siêu thị hay tại các cửa hàng bách hóa bắt đầu bị người tiêu dùng ở phương Tây tẩy chay như sữa đặc, đồ hộp, bánh kẹo, súp solianka, cá trích ngâm giấm, hay dưa chuột chua ngọt zakuski … Nhưng có hai sản phẩm nổi tiếng của Nga bị tẩy chay mạnh nhất là trứng cá muối caviar (kể cả hai loại trứng cá đỏ cũng như caviar đen) và đặc biệt là rượu vodka.

Phản ứng nhanh chóng từ các quốc gia Bắc Mỹ 

Tại Bắc Mỹ, các cơ quan kiểm soát rượu trên lãnh thổ Canada như cơ quan SAQ ở Québec, BC Liquor Stores ở British Columbia hay LCBO của bang Ontario đồng loạt rút các loại rượu mạnh của Nga khỏi hàng ngàn cửa hàng trên toàn lãnh thổ. Các bang khác như Manitoba và Terre-Neuve et Labrador cũng đã ban hành quyết định tương tự.

Về phía Hoa Kỳ, có ít nhất 4 thống đốc bang Ohio, Virginia, Utah, New Hampshire đã yêu cầu hệ thống các cửa hàng bán rượu ngưng phân phối các thương hiệu vodka của Nga, chừng nào chưa có thông báo mới. Đó là các hiệu Beluga, Imperia và Russian Standard. Tính trung bình, mỗi bang có một hệ thống hàng trăm cửa hàng phân phối được đặt dưới quyền kiểm soát của cơ quan chính quyền.

Còn tại New Zealand, một trong những chuỗi cửa hàng lớn nhất chuyên bán bia rượu cũng như các thức uống có cồn cũng đã ra lệnh thu hồi hàng ngàn chai vodka của Nga. Thay vì bị để trống, các kệ hàng lại được lấp đầy bằng những lá cờ hai màu xanh vàng của Ukraina.

Trong khi đó, tập đoàn Endeavour, với doanh thu hàng năm hơn 12 tỷ rưỡi đô la Úc (9 tỷ đô la Mỹ), thông báo các chuỗi cửa hàng rượu lớn nhất của Úc là Dan Murphy's và BWS cũng đã ngừng bán tất cả các sản phẩm xuất xứ từ Nga. 

Bắc Âu đi đầu trong việc tẩy chay hàng của Nga 

Tại Bắc Âu, Thụy Điển và Phần Lan là hai nước từ lâu có truyền thống trung lập, nhưng giờ đây lại có biện pháp mạnh mẽ và triệt để nhất. Báo kinh tế Les Échos trích dẫn phát ngôn viên Anu Koskinen của tập đoàn Phần Lan Alko cho biết công ty độc quyền về rượu đã ngưng phân phối hơn 40 thương hiệu của Nga trong số hàng ngàn sản phẩm có cồn. Tập đoàn này cũng phân phối đủ loại gam sản phẩm, trong đó có vài hiệu vodka thượng hạng của Nga với giá gần 500 đô la một chai, loại hàng này từ nay không còn được bày bán. Chuỗi siêu thị S-ryhmä của Phần Lan cũng đã rút đi khoảng 50 sản phẩm nhập khẩu từ Nga. Quyết định ngưng phân phối được áp dụng trên toàn lãnh thổ, cho tới khi có thông báo mới.

Ở nước Thụy Điển láng giềng, công ty nhà nước Systembolaget độc quyền bán lẻ các thức uống từ 3,5 độ cồn trở lên đã ngưng hẳn vô thời hạn việc kinh doanh hàng Nga. Chuỗi cửa hàng bách hóa số một của Thụy Điển ICA Gruppen ngoài bia rượu còn ngưng phân phối các mặt hàng tiêu dùng khác nhập từ Nga. Đan Mạch cũng đã có hành động tương tự. Tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước này là Salling Group cũng đã loại trừ toàn bộ sản phẩm tiêu dùng của Nga ra khỏi hệ thống phân phối từ kem đánh răng, xà phòng, sữa hộp, phô mai mềm, bánh kẹo, sô cô la, cho tới rượu vodka.

Một số chuỗi siêu thị quốc tế có chi nhánh tại Ba Lan, Hungary hay Rumani, như Carrefour và Aldi, cũng đã tham gia vào phong trào tẩy chay các mặt hàng tiêu dùng của Nga. Thay vì bán rượu vodka Nga, các công ty này chuyển sang khai thác các hiệu vodka của Ukraina là Kozak hay Vektor. Tuy nhiên, nhìn chung, các thương hiệu này do chưa hiện diện đông đảo như trường hợp của Auchan với hơn 350 siêu thị trên toàn lãnh thổ nước Nga, cho nên ban giám đốc tập đoàn đã không ngần ngại lấy quyết định mạnh bạo hơn.

Theo công ty nghiên cứu thị trường IWSR Drinks Market, có trụ sở tại Luân Đôn, được báo Les Échos trích dẫn, việc ngưng bán vodka của Nga chỉ mang tính tượng trưng, chứ ít có tác động chiến lược. Đối với tập đoàn Phần Lan Alko, vodka của Nga chỉ chiếm 0,5% doanh thu của công ty này. Còn trong trường hợp của Mỹ, vodka của Nga chiếm chưa tới 1% tổng giá trị nhập khẩu rượu mạnh vào Hoa Kỳ (1,5 tỷ đô la mỗi năm). Trên thực tế, hơn một nửa lượng vodka tiêu thụ tại Hoa Kỳ đều được "sản xuất trên đất Mỹ", chủ yếu cũng vì vodka cũng như whisky, gin hay rhum là tên gọi chung, chứ không phải là một nhãn hiệu cầu chứng (hay đặc sản gắn liền với địa danh) cho nên Anh, Pháp hay Mỹ đều có thể sản xuất vodka. 

Vodka nhập từ Nga ? Nhầm lẫn xung quanh các thương hiệu

Các quán rượu ở Anh, Đức hay Hà Lan cũng bắt đầu ngưng bán các loại rượu vodka, trong đó có hiệu Stolichnaya. Mặc dù được quảng cáo là vodka chính gốc của Nga, Stolichnaya bắt nguồn từ Nga và được làm theo đúng ''công thức'' của Nga, nhưng khâu chế biến và đóng chai lại được thực hiện ở nhà máy chưng cất Latvijjas Balzams, ở thủ đô Riga thuộc cộng hòa Latvia. Được thành lập vào năm 2013, tập đoàn Stoli Group nổ tiếng nhờ Stolichnaya và nhất là hiệu vodka cao cấp Elit (cũng như hiệu tequila Cenote, gin Tulchan hay rhum Bayou) buộc phải đăng thông điệp ủng hộ Ukraina. Tập đoàn này nhắc nhở Stoli Group không có bất kỳ hoạt động nào ở Nga, mà lại có mặt ở Ukraina cũng như ở nhiều quốc gia khác.

Một thương hiệu nổi tiếng khác là Smirnoff được thành lập vào năm 1864 tại Nga, nhưng kể từ năm 1934 lại di dời cơ sở sản xuất sang Mỹ. Từ giữa thập niên 1980 trở đi, thương hiệu này do tập đoàn Diageo của Anh nắm giữ. Diageo là một trong những công ty hàng đầu thế giới về rượu mạnh, ngoài Smirnoff, còn được biết đến nhờ sản xuất rượu whisky Johnny Walker và hiệu bia nâu Guinness. Riêng hiệu vodka Smirnoff giờ đây có chi nhánh được sản xuất tại nhiều nơi kể cả Pháp và Hoa Kỳ. Thụy Điển cũng nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ dòng sản phẩm Absolute mà hầu như rất nhiều quán bar đều đưa vào trong thực đơn các loại cocktail như một loại thức uống pha chế sành điệu tuyệt đối.

Về phía Pháp, các công ty như Grey Goose, Mont Blanc hay Gallant từ lâu đã muốn chen chân vào phân khúc cao cấp của thị trường rượu mạnh và đi tìm một nét riêng biệt so với vodka Nga. Nếu như đa số các loại vodka hoàn toàn do Nga sản xuất như Kubanskaya, Moskovskaya, Narodnaya, Ruskova, Stolnaya… thường được chế biến từ ngũ cốc, khoai tây, lúa mì hay lúa mạch đen, thì đổi lại các công ty Pháp đi tìm những ''hương vị'' khác, như thảo mộc, hạt ngô với mật ong, hay trong trường hợp của hiệu Cîroc là vodka chế biến từ giống ''nho trắng'' (mauzac blanc) và như vậy dễ kết hợp thêm với hương vị trái cây như mận, đào hay dâu tây.

Theo công ty nghiên cứu thị trường IWSR Drinks Market, các tập đoàn quốc tế giờ đây mua đi bán lại rất nhiều thương hiệu, cho nên càng khó thể nào phân biệt loại sản phẩm nào là thật sự của Nga 100%. Các tập đoàn phân phối Âu Mỹ có thể hiểu rõ nguồn gốc, nhưng người tiêu dùng chưa chắc gi đã biết xuất xứ của sản phẩm. Các đợt tẩy chay hàng hóa nhập khẩu trong thời kỳ có tranh chấp xung đột chẳng có gì là mới, nhưng hẳn chắc là sẽ có một vài trường hợp như Stoli Vodka hay Smirrnoff bị ''tẩy chay'' nhầm, dù không phải là hàng Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.