Vào nội dung chính
UKRAINA - NGA - TÒA ÁN CÔNG LÝ QUỐC TẾ

Can thiệp quân sự Nga: Ukraina kiện Matxcơva lên Tòa án Công lý Quốc tế

Hôm nay, 07/03/2022, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ / CIJ) mở phiên tòa xem xét khiếu nại của Ukraina về cuộc tấn công của Nga. Chính quyền Kiev cáo buộc Matxcơva lạm dụng Công ước về Diệt chủng để biện minh cho cuộc xâm lăng, và yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết khẩn cấp. Tuy nhiên, theo tin giờ chót của AFP, phía Nga đã không tham dự phiên tòa.

Ảnh minh họa: Trụ sở Tòa án Công lý Quốc tế, La Haye, Hà Lan.
Ảnh minh họa: Trụ sở Tòa án Công lý Quốc tế, La Haye, Hà Lan. AP - Peter Dejong
Quảng cáo

Nga và Ukraina đều là thành viên của Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng năm 1948. Kiev đã khởi kiện Nga lên định chế Liên Hiệp Quốc này ngày 26/02, tức hai ngày sau khi xẩy ra cuộc xâm lược của Nga.

Thông tín viên Stéphanie Maupas tường trình từ La Haye:   

« Chiến dịch quân sự Nga tại Ukraina dựa trên sự dối trá, vì vậy chiến dịch này là bất hợp pháp, các luật sư của Ukraina khẳng định như trên. Kể từ đầu chiến tranh đến nay, tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà ngoại giao điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định chiến dịch quân sự này được tiến hành nhằm ngăn ngừa một cuộc diệt chủng đang diễn ra tại vùng Donbass, miền đông Ukraina. Theo Công ước quốc tế về Diệt chủng, các quốc gia có nghĩa vụ ngăn chặn mọi hành động diệt chủng. Nước Nga nêu lý do này để biện minh cho cuộc tấn công quân sự.   

Tuy nhiên, đối với Kiev, Matxcơva đang lợi dụng Công ước về Diệt chủng. Theo chính quyền Ukraina, bởi cuộc tấn công của Nga dựa trên sự dối trá, Kiev yêu cầu các thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế ra lệnh khẩn cấp buộc Nga đình chỉ ngay lập tức các chiến dịch quân sự.   

Kể từ đầu cuộc xung đột đến nay, các tuyên bố lên án Nga xâm lược đã liên tiếp được đưa ra. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm 02/03 ra một nghị quyết lên án Nga. Tuy nhiên, tất cả các lên án nói trên đều chỉ là thể hiện lập trường chính trị. Một quyết định tư pháp có lợi cho Ukraina sẽ làm cho Nga khó xử hơn. Đặc biệt là khi quyết định này là của Tòa án Công lý Quốc tế, một định chế rất được các quốc gia tôn trọng trong lĩnh vực ngoại giao.  

Tuy nhiên, hiện tại là thời điểm của phần biện hộ. Sau hai ngày nghe các bên trình bày, các thẩm phán sẽ bắt đầu phần nghị án. Trong các vụ tương tự trước đây, phán quyết sẽ được đưa ra trong vòng hai tháng ».  

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN hôm qua, 06/03, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Washington có « đủ bằng chứng rất đáng tin cậy » về « các tội ác chiến tranh » của Nga tại Ukraina.  

Theo Reuters, các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế mang tính bắt buộc, và nhìn chung các quốc gia tôn trọng các phán quyết của Tòa. Tuy nhiên, định chế tư pháp quốc tế này không có phương tiện buộc các nước liên quan thực thi phán quyết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.