Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - PHÁP - ĐỨC

Chiến tranh Ukraina: Trung Quốc ủng hộ nỗ lực vận động ngừng bắn của Pháp và Đức

Hôm qua, 08/03/2022, vào lúc cuộc xâm lăng Ukraina của Nga bước sang ngày thứ 13, chủ tịch Trung Quốc đã có cuộc hội đàm trực tuyến với tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông Tập Cận Bình tuyên bố ủng hộ vận động ngừng bắn của Paris và Berlin.   

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (G), tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong cuộc gặp qua vidéo hội nghị bàn về tình hình Ukraina. Màn hình tại điện Elysee, Paris, Pháp, ngày 08/03/2022.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (G), tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong cuộc gặp qua vidéo hội nghị bàn về tình hình Ukraina. Màn hình tại điện Elysee, Paris, Pháp, ngày 08/03/2022. REUTERS - BENOIT TESSIER
Quảng cáo

Sau cuộc hội đàm, phủ tổng thống Pháp ra một thông cáo nhấn mạnh việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ủng hộ « hành động của Pháp và Đức thúc đẩy đình chiến, và tính cấp thiết của việc tạo điều kiện để dân chúng tiếp nhận các trợ giúp nhân đạo, với sự điều phối của Liên Hiệp Quốc ». Ba lãnh đạo Trung, Pháp, Đức cũng « thỏa thuận sẽ duy trì các liên lạc mật thiết » về xung đột này.  

Hãng tin Pháp AFP dẫn lại thông tin trên truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV về cuộc hội đàm ba bên, theo đó, chủ tịch Trung Quốc « hoan nghênh các cố gắng của Pháp và Đức, với tư cách các bên môi giới về Ukraina », và bảo đảm Bắc Kinh sẵn sàng « đóng một vai trò tích cực ». Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi « kiềm chế tối đa, để tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn ». CCTV cũng dẫn lời ông Tập Cận Bình, khẳng định Trung Quốc « đau xót khi phải chứng kiến một cuộc chiến tranh mới trên lục địa châu Âu ».  

Bắc Kinh phản đối trừng phạt quốc tế 

Trừng phạt quốc tế chống lại hành động xâm lược Nga là chủ đề bất đồng chính giữa hai bên. Theo thông cáo của điện Elysée, trong cuộc hội đàm nói trên, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh đến « những hậu quả bi thảm của cuộc xâm lược Nga tại Ukraina, đặc biệt với số lượng nạn nhân dân sự và người tị nạn gia tăng… và những nỗ lực đang diễn ra, bao gồm các trừng phạt, nhằm đạt được một giải pháp ngoại giao ».  

Về chủ đề này, chủ tịch Trung Quốc có thái độ ngược lại. Ông Tập Cận Bình nhắc lại là, về nguyên tắc, Trung Quốc phản đối các trừng phạt quốc tế đối với Matxcơva, khi cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga « sẽ gây tổn hại cho tất cả các bên ».  

CIA: Tập Cận Bình « bối rối » trước việc Nga sa lầy tại Ukraina 

Về thái độ của Bắc Kinh trước cuộc can thiệp quân sự Nga, giám đốc CIA William Burns, trong cuộc điều trần trước một ủy ban của Quốc Hội Mỹ hôm qua, 08/03, nhận định : chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình « đã có phần bối rối trước những gì đang diễn ra tại Ukraina… Ban lãnh đạo Trung Quốc đã không dự đoán được những khó khăn quan trọng mà Nga sẽ gặp phải » tại Ukraina.  

Giám đốc CIA William Burns cũng nhấn mạnh là: Bắc Kinh « lo ngại » về quan hệ gần gũi giữa Bắc Kinh và Matxcơva sẽ ảnh hưởng xấu đến « uy tín » của Trung Quốc, và hiện đang theo sát việc nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng ra sao. Theo giám đốc CIA, Trung Quốc cảm thấy « lo lắng » trước việc can thiệp quân sự Nga đang khiến quan hệ Liên Âu và Hoa Kỳ được siết chặt, khác hẳn với dự đoán của Bắc Kinh.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.