Vào nội dung chính
BẮC ÂU - QUỐC PHÒNG

Các nước Bắc Âu tăng cường tiềm lực quân sự đề phòng nước Nga

Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga khiến cho các nước Bắc Âu Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan phải tăng cường tiềm lực quân sự, đồng thời cũng khiến cho dư luận hai nước Thụy Điển và Phần Lan ngày càng ủng hộ việc gia nhập khối NATO.

Bính lính Na Uy tuần tra dọc theo biên giới với Nga tại Kirkenes, Na Uy.
Bính lính Na Uy tuần tra dọc theo biên giới với Nga tại Kirkenes, Na Uy. AP - Annika Byrde
Quảng cáo

Na Uy tháo khoán thêm 300 triệu euro

Gần đây nhất chính phủ Na Uy ngày 18/03 đã thông báo là năm nay sẽ tháo khoán thêm hơn 300 triệu euro cho ngân sách quốc phòng nhất là để tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này ở vùng Bắc Na Uy gần biên giới với Nga. 

Trong một cuộc họp báo, bộ trưởng Quốc Phòng Odd Roger Enoksen đã tuyên bố: “ Cho dù có rất ít khả năng Nga tấn công Na Uy, nhưng phải thấy là chúng ta có một láng giềng phía đông ngày càng nguy hiểm và ngày càng khó lường”. Tại vùng Bắc Cực, Na Uy có chung 196 km biên giới trên bộ với Nga, cũng như một biên giới rất dài với Nga trên biển Barents.

Ông Enoksen còn nhấn mạnh: “Nước Nga có các lợi ích an ninh đáng kể trong khu vực chung quanh chúng ta và Vùng Bắc Cực có một tầm quan trọng kinh tế đối với Nga” 

Khoản ngân sách mới 300 triệu euro sẽ được dùng để gia tăng sự hiện diện của hải quân Na Uy ở miền bắc, gia tăng huấn luyện cho lực lượng chính quy và lực lượng dự bị, tăng kho dự trữ đạn dược, nhiên liệu và các thiết bị quan trọng khác, cải thiện khả năng tiếp nhận các lực lượng đồng minh và tăng cường khả năng phòng thủ trên mạng và tình báo.

Các cuộc tập trận hải quân, không quân và bộ binh quy mô lớn hiện đang diễn ra tại Na Uy với sự tham gia của khoảng 30.000 quân đến từ 27 quốc gia là thành viên của khối NATO hay đối tác của Liên Minh ( Thụy Điển và Phần Lan ).

Cuộc tập trận Cold Response 2022 chính là nhằm trắc nghiệm khả năng của Na Uy tiếp nhận lực lượng tăng viện của đồng minh trong trường hợp bị tấn công, chiếu theo điều 5 của Hiến chương NATO quy định toàn bộ các nước thành viên của Liên Minh phải ứng cứu một nước trong số họ bị tấn công. 

Thụy Điển : Mục tiêu 2% GDP ngân sách quốc phòng

Trước đó, ngày 10/03/2022, chính phủ Thụy Điển đã công bố dự án đẩy nhanh việc tái đầu tư cho quân đội nước này, với mục tiêu đạt được tỷ lệ 2% GDP chi tiêu quốc phòng “nhanh nhất có thể được”.

Thật ra thì ngay từ năm 2014, khi Matxcơva sát nhập bán đảo Crimée, Stockholm đã bắt đầu gia tăng chi tiêu quân sự. Lần này chính phủ Thụy Điển không nêu cụ thể lịch trình, nhưng cho biết là nỗ lực phát triển quân đội sẽ kéo dài cả chục năm. Số thanh niên phải làm nghĩa vụ quân sự bắt buộc, được khôi phục vào năm 2017, cũng sẽ tăng thêm

Trong thời gian Chiến tranh lạnh, Thụy Điển đã dành đến 4% GDP cho quốc phòng, nhưng trong những thập niên 1990 và 2000 đã giảm đáng kể chi tiêu quân sự, xuống chỉ còn 1%. 

Tỷ lệ 2% GDP cũng là mục tiêu mà Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO đề ra cho các nước thành viên của khối này, nhưng đa số các nước vẫn chưa đạt được mục tiêu này. 

Vào tháng 10 năm ngoái, Thụy Điển đã thông báo tăng 40% ngân sách quốc phòng, thêm 2,5 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2025. Cộng thêm các khoảng tăng được dự trù cho khoảng thời gian 2014-2020, chi tiêu quân sự của Thụy Điển đã tăng đến 85%, mức tăng cao nhất kể từ thập niên 1950, theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Peter Hultqvist. 

Đan Mạch tăng số quân nhập ngũ

Về phần Đan Mạch, nước này dự trù sẽ gia tăng số quân nhập ngũ trước mối đe dọa quân sự của Nga, theo lời một phát ngôn viên đảng Xã hội Dân chủ cầm quyền ngày 02/03/2022. 

Hiện giờ, có chưa tới 5.000 người nam giới đi quân dịch mỗi năm ở Đan Mạch, với thời hạn là khoảng 4 tháng. Con số quân nhập ngũ đã giảm trong thập niên trước. Dự án, mà ngay cả phe đối lập cũng ủng hộ, tăng số quân nhập ngũ chính là nhằm đáp ứng tham vọng của Copenhague tăng cường khả năng và ngân sách quốc phòng. Ngay sau khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraina, nữ thủ tướng Mette Frederiksen cũng đã tuyên bố ủng hộ việc tăng ngân sách quân sự của Đan Mạch. 

Là thành viên của cả Liên Hiệp Châu Âu và NATO, Đan Mạch đã mở cửa đón tiếp lính Mỹ trên lãnh thổ của mình, cắt đứt với chủ thuyết mà nước này vẫn theo đuổi từ sau Thế chiến Thứ hai. 

Ngân sách quốc phòng hiện nay của Đan Mạch là 3,6 tỷ euro cho năm 2022. Quân đội Đan Mạch hiện nay sử dụng tổng cộng 19.500 người, trong đó có 14.700 quân nhân. 

Phần Lan trang bị hệ thống phòng không của Israel

Riêng đối với người dân Phần Lan, quốc gia có đường biên giới chung dài đến 1.300 km với Nga, cuộc xâm lược Ukraina khiến họ nhớ lại cuộc “chiến tranh mùa đông”, tức cuộc kháng chiến kiên cường chống quân xâm lăng Liên Xô trong hai năm 1939 và 1940.

Mối lo ngại đối với kẻ thù cũ càng gia tăng sau khi vào cuối tháng 2, Nga đã cảnh cáo Phần Lan về những “hậu quả chính trị và quân sự” nếu nước này cũng xin gia nhập khối NATO. Trong tình hình căng thẳng đó, theo báo chí Israel vào đầu tháng 3, Phần Lan đã quyết định mua các hệ thống phòng không của Israel, song song với việc gia tăng chi tiêu quốc phòng và tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. 

Cũng giống như nước Thụy Điển láng giềng, lần đầu tiên Phần Lan đã phá vỡ một điều cấm kỵ trong chính sách an ninh của họ: không xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự cho một quốc gia đang có chiến tranh. Vào cuối tháng 2, chính phủ Phần Lan đã quyết định gởi các vũ khí sát thương sang Ukraina để giúp nước này chống trả cuộc xâm lăng của Nga, cụ thể là gởi 2.500 súng trường tấn công, 1.500 súng bắn rocket và nhiều đạn dược.

Nói chung, cuộc xâm lăng của Nga đang buộc Phần Lan phải đặt lại vấn đề về quy chế trung lập, một nguyên tắc tối thượng của quốc gia này.

Thuy Điển, Phần Lan trông chờ vào Liên Âu

Trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Nga, Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia không phải là thành viên của khối NATO nay trông chờ vào điều khoản về tương trợ lẫn nhau của Liên Hiệp Châu Âu trong trường hợp một trong 27 nước thành viên bị tấn công vũ trang.

Theo lời thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson trong một cuộc họp báo ngày 08/03 tại Stockholm, chính phủ hai nước Thụy Điển đã cùng viết thư cho các thành viên khác của Liên Âu để nhắc lại “ tầm quan trọng của điều khoản về tương trợ quốc phòng của hiệp ước Lisbonne”.

Điều khoản này quy định là “ trong trường hợp một quốc gia thành viên bị tấn công vũ trang trên lãnh thổ mình, các nước thành viên khác phải trợ giúp nước này bằng mọi phương tiện có trong tay.”

Tuy nhiên, phạm vi cụ thể của nghĩa vụ tương trợ quốc phòng của các nước Liên Âu chưa được xác định và tính chất bó buộc của điều khoản nói trên vẫn còn gây tranh cãi. 

Tuy nhấn mạnh đến nghĩa vụ tương trợ quốc phòng của các nước Liên Âu, Thụy Điển và Phần Lan cho tới nay vẫn loại trừ khả năng xin gia nhập khối NATO. Kể từ khi Putin phát động chiến tranh xâm lược Ukraina ngày 24/03, số người dân Thụy Điển và Phần Lan ủng hộ việc gia nhập khối NATO đã tăng vọt và nay đã chiếm đa số, theo kết quả các cuộc thăm dò mới nhất.

Nhưng nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối NATO, Matxcơva chắc chắn sẽ rất phẫn nộ, bởi vì Putin vẫn không muốn thấy Liên minh Bắc Đại Tây Dương mở rộng đến sát nước Nga. 

Tuy vậy, nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ gần đây của tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, nguyên tắc về tăng cường hợp tác ba bên Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển đã được thông qua. Theo các nhà phân tích, trong trường hợp hai nước này bị Nga tấn công, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ để chống trả, nhưng đây sẽ không phải là một bảo đảm chính thức công khai.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.