Vào nội dung chính
NGA - UKRAINA - THỔ NHĨ KỲ

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí thuận lợi nhất để làm trung gian trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraina ?

Chiến tranh Nga-Ukraina đã kéo dài hơn 40 ngày và dường như vẫn chưa có một thỏa thuận cụ thể nào có thể khiến hai bên hạ nhiệt căng thẳng. Trang mạng của hãng tin Mỹ CNN có bài phân tích về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraina. RFI xin trích dịch.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (T) họp bàn tại dinh thự Bocharov Ruchei ở Sochi, Nga ngày 29/09/2021.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (T) họp bàn tại dinh thự Bocharov Ruchei ở Sochi, Nga ngày 29/09/2021. AP - Vladimir Smirnov
Quảng cáo

Trong bối cảnh phái đoàn Nga và Ukraina đến Istanbul hôm 29/03/2022 để đàm phán hòa bình, vị thế chính trị độc nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đang được chú ý. Tại sao lại là Thổ Nhĩ Kỳ ? 

Trong khi cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, danh sách các quốc gia « xếp hàng » để làm trung gian hòa giải ngày càng nhiều, những quốc gia muốn dùng tiếng nói của mình để ngăn chặn cuộc đổ máu và xung đột lan rộng ra ngoài biên giới Ukraina. 

Hồi đầu tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức cuộc họp ba bên với các ngoại trưởng Ukraina và Nga tại thành phố phía nam Antalya. Sau đó, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã công du cả Matxcơva và Kiev. Đồng thời, thủ tướng Israel Naftali Bennett cũng có chuyến thăm Matxcơva với mục đích tương tự. Và Trung Quốc cũng đã phát tín hiệu sẵn sàng làm công tác hòa giải. Ngoài ra, những nước khác như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ấn Độ hay Nam Phi cũng nhiều khả năng muốn làm tương tự. 

Hầu như tất cả các quốc gia từng bày tỏ nguyện vọng làm công tác hòa giải đã phải tìm những giải pháp nhằm cân bằng chiến lược giữa phương Tây và Nga trong một thời gian nhất định. Giữ vai trò trung gian là cách để họ ngăn chặn thảm họa trở nên tồi tệ hơn. Nhưng đó cũng là cách để họ tránh phải đưa ra những quyết định khó khăn trong cuộc chiến này, chẳng hạn như việc phải chọn hoặc nghiêng về một bên nào cụ thể hơn. 

Nhưng danh sách những nước không nêu rõ lập trường trong cuộc xung đột Nga-Ukraina không chỉ giới hạn ở những nước muốn đứng ra làm hòa giải. Nhiều quốc gia khác đã chọn đứng ở vị trí "trung lập" như Ai Cập, Ả Rập Xê-út, Pakistan và Maroc. Mỗi nước có những lý do khác nhau để không bày tỏ quan điểm, nhưng cũng có nhiều lý do giống nhau. 

Chính trường quốc tế đang thay đổi. Ý tưởng về một thế giới không còn tập trung vào phương Tây và ngày càng đa cực đang phổ biến ở « thế giới nằm ngoài phương Tây » và điều này được phản ánh trong các chính sách của họ đối với Nga và Trung Quốc. 

Chừng nào cuộc chiến này còn là cuộc đối đầu giữa phương Tây/NATO và Nga, thì nó sẽ còn gây ít tiếng vang ở thế giới nằm ngoài phương Tây. Thêm vào đó, việc các quốc gia không muốn nêu rõ lập trưởng của mình cũng là cách mà họ thể hiện sự bất bình đối với chính sách của Mỹ/phương Tây. 

Điển hình là việc lãnh đạo của UAE và Saudi Arabia, những nước phụ thuộc vào Mỹ về mặt an ninh, đã hạn chế nhận các cuộc gọi từ tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tháng 3. Sự phớt lờ này nhằm thể hiện sự bất bình của họ với Hoa Kỳ vì Washington không hỗ trợ họ đầy đủ cho chiến dịch ở Yemen khiến họ bị thất bại. 

Từ nguồn cung thực phẩm và năng lượng cho đến các lỗ hổng địa chính trị, nhiều yếu tố khác cũng xác định cách tiếp cận của họ đối với cuộc chiến này. Ví dụ, bất chấp mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Mỹ, Ai Cập phụ thuộc rất nhiều vào Nga về an ninh lương thực. Nước này cũng hợp tác chặt chẽ với Nga ở Libya khi cả hai nước đều ủng hộ lãnh chúa Khalifa Haftar, người bị Kiev cáo buộc đã cử lính đánh thuê đến hỗ trợ cho Nga ở Ukraina. 

Tương tự như vậy, Ấn Độ, mặc dù cần phương Tây làm lực lượng đối kháng chống lại Trung Quốc, nhưng từ lâu đã duy trì quan hệ khăng khít với Matxcơva khi New Delhi mua các hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất và đã theo đuổi chính sách cân bằng giữa Nga và phương Tây. 

Nhưng trong số tất cả các quốc gia đang đứng ở vị trí trung lập và cố gắng làm trung gian hòa giải, Thổ Nhĩ Kỳ đứng ở vị trí độc nhất. Quốc gia này là thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ chức quân sự được thành lập trước mối đe dọa từ Nga và trước đây là Liên Xô. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thường xuyên chỉ trích chính trường quốc tế lấy phương Tây làm trọng tâm. Nhưng với tư cách là thành viên của nhiều thể chế phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nước được hưởng lợi, và theo một nghĩa nào đó, là một phần của địa chính trị phương Tây. 

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có biên giới trên biển với cả Ukraina và Nga. Thêm vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Và Ankara cũng đã hợp tác với Matxcơva ở các khu vực có xung đột như Syria, Libya và Nagorno-Karabakh trong những năm gần đây. 

So với các ứng cử viên làm công tác hòa giải khác, Thổ Nhĩ Kỳ là nước chịu nhiều ảnh hưởng nhất trong cuộc xung đột này. Cuộc chiến đang làm thay đổi cơ bản cục diện địa chính trị và cán cân quyền lực ở khu vực Biển Đen, và Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc ở Biển Đen. 

Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ cũng sẽ sớm làm công tác nhân đạo khi số lượng người tị nạn đã lên tới hàng triệu và vẫn đang tăng. Thông báo của tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cùng thực hiện một sứ mệnh sơ tán thường dân ra khỏi ở Mariupol là dấu hiệu cho thấy vai trò nhân đạo có thể trở thành một trọng tâm trong chính sách của ông Erdogan. 

Mặc dù không áp dụng chính sách khiêu khích Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không hoàn toàn theo đuổi chính sách giữ khoảng cách đồng đều. Họ bán máy bay không người lái có vũ trang cho Ukraina, nước đang gây tổn thất đáng kể cho các mục tiêu của Nga, và đã đóng cửa eo biển của mình không cho các tàu chiến băng qua. 

Ngoài việc thống trị Biển Đen, Nga còn có sự hiện diện khá lớn ở Địa Trung Hải, nơi mà Matxcơva nỗ lực can dự vào các xung đột ở Syria và Libya. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biển sẽ gây áp lực đối với chính sách của Nga tại các vùng xung đột này nếu chiến tranh kéo dài. 

Tuy nhiên, không giống như các thành viên NATO khác, Thổ Nhĩ Kỳ không áp dụng các lệnh trừng phạt giống như phương Tây đối với Matxcơva, cũng như không đóng không phận của mình với Nga, và đây cũng là lý do tại sao Nga không từ chối lời đề nghị làm trung gian hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ. Và ngày càng có nhiều nhà hoạt động chống chiến tranh Nga và những nhân vật ủng hộ điện Kremlin đến Thổ Nhĩ Kỳ. 

Về cơ bản, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng thân Ukraina và đồng thời cũng không muốn chống Nga. Thủ đô Ankara bị phụ thuộc quá nhiều vào Nga cả về mặt kinh tế lẫn địa chính trị. Nga là nguồn cung khách du lịch, ngũ cốc và khí đốt lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Dù sao đi cho nữa thì ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy phương Tây thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ trừng phạt mạnh mẽ Matxcơva. Và bất chấp những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc xung đột vẫn chưa đến thời điểm để hòa giải bởi Nga vẫn ưu tiên sử dụng các biện pháp quân sự. Điều này không có nghĩa là các nỗ lực đàm phán sẽ chấm dứt, ngược lại, chúng ta sẽ thấy chúng nhiều hơn trong tương lai. 

Nga muốn cho mọi người thấy rằng họ quan tâm đến các giải pháp ngoại giao nhằm mục đích câu giờ và ngăn chặn các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng vô ích. Chúng ta sẽ không mong chờ có được bước đột phá nào trong tương lai gần. Mặc dù vậy, việc duy trì những ý định nhằm tìm ra các giải pháp ngoại giao vẫn là điều quan trọng. Thêm vào đó, việc đứng ra làm trung gian hòa giải sẽ phục vụ lợi ích Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này sẽ nâng cao tầm vóc quốc tế của Ankara, biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trong những trung tâm ngoại giao lớn của cuộc xung đột này và trì hoãn một số quyết định khó khăn mà Ankara có thể sẽ phải đối mặt. 

Tuy nhiên, nếu chiến tranh kéo dài, xảo thuật « chơi » với cả hai bên như trước đây của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn khả thi, đặc biệt khi Nga đang bị công khai chỉ trích là kẻ thù của NATO và an ninh châu Âu. 

Từ thời đế quốc Ottoman cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã 13 lần đánh nhau, nhưng họ cũng hợp tác với nhau. Trong quá khứ, những bất bình đối với phương Tây, hoặc việc cùng có tư tưởng chống chủ nghĩa phương Tây thường khiến họ xích lại gần nhau hơn. Giờ đây, chủ nghĩa xét lại địa chính trị của Nga và sự thay đổi mạnh mẽ của Putin trong các tham vọng thời hậu Xô Viết sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ ở thế khó xử phải xích lại gần phương Tây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.