Vào nội dung chính
NGA - HẠT NHÂN - CHIẾN TRANH

Đài truyền hình Rossiya 1: Tên lửa hạt nhân Nga có thể tấn công Berlin, Luân Đôn, Paris trong vòng 200 giây

Matxcơva tiếp tục bắn tín hiệu đe dọa châu Âu. Báo chí Pháp hôm qua 30/04/2022 thuật lại nội dung một chương trình truyền hình được theo dõi nhiều tại Nga, quảng bá cho loại tên lửa hạt nhân liên lục địa mới, có khả năng hủy diệt cả một quốc gia châu Âu lớn.   

Ảnh do chính quyền Nga công bố về vụ thử thành côn tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Sarmart hôm 20/04/2022, từ vùng Plesetsk, tây bắc Nga.
Ảnh do chính quyền Nga công bố về vụ thử thành côn tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Sarmart hôm 20/04/2022, từ vùng Plesetsk, tây bắc Nga. AP
Quảng cáo

Trên chương trình « 60 phút », của đài truyền hình Nhà nước Nga Rossiya 1 phát hôm thứ Năm 29/04, một số nhà bình luận khẳng định một cuộc chiến tranh thế giới đang bắt đầu, và điện Kremlin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Chương trình « 60 phút » của đài Rossiya 1 được coi là có nhiều khán thính giả theo dõi nhất tại Nga. Đài Pháp BFM TV cho biết, nhà bình luận nổi tiếng với quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan Vladimir Solovyov, khẳng định tên lửa Sarmat của Nga, mang 10 đầu đạn hạt nhân, có thể san phẳng một quốc gia như Pháp hay Anh.   

Người dẫn chương trình sau đó cho biết cụ thể là một hỏa tiễn Sarmat « từ Kaliningrad có thể bắn tới Berlin trong vòng 106 giây, từ Kaliningrad đến Paris trong vòng 200 giây », và đến Luân Đôn « trong vòng 202 giây ». Người dẫn chương trình của đài Rossiya 1 cũng chỉ rõ trên một tấm bản đồ lộ trình giả định của các hỏa tiễn hạt nhân tấn công châu Âu.   

Tên lửa Sarmat – còn có thể Satan 2, theo xếp loại của phương Tây – là loại hỏa tiễn của Nga đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhằm thay thế cho các hỏa tiễn chiến lược tương đương có từ thời Liên Xô. Cách đây mươi hôm, Matxcơva tuyên bố bắn thử thành công lần thứ nhất tên lửa Sarmat, bắn từ một địa điểm ở vùng tây bắc nước Nga trúng mục tiêu tại bán đảo Kamchatka, Viễn Đông, cách nơi xuất phát hơn 5.000 km. Trong khi chưa hoàn tất Sarmat, điện Kremlin hiện sở hữu hỏa tiễn R-36M2 Voyevoda với tính năng gần tương đương (còn gọi là hỏa tiễn Satan).   

Việc đài truyền hình Nhà nước Nga phổ biến nội dung khiêu khích nói trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng. Trong những ngày gần đây, chính quyền Nga liên tục đe dọa về nguy cơ « Đệ Tam Thế Chiến », thậm chí khả năng vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng, trong lúc phương Tây quyết tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraina, về số lượng cũng như chất lượng, đặc biệt với hội nghị hơn 40 quốc gia hỗ trợ quân sự cho Kiev họp hồi đầu tuần. Hoa Kỳ dự kiến chi thêm 20 tỉ đô la phương tiện quân sự cho Ukraina, tương đương gần một phần ba ngân sách quân sự hàng năm của Nga.   

Lầu Năm Góc : Không có nguy cơ Nga tấn công hạt nhân NATO  

Về khả năng Matxcơva liều lĩnh dùng vũ khí hạt nhân, theo AFP, ngày hôm qua, 30/04/2022, một quan chức cao cấp Lầu Năm Góc khẳng định Hoa Kỳ « không cho rằng có nguy cơ (Nga) sử dụng vũ khí nguyên tử, hay các vùng lãnh thổ của khối NATO bị đe dọa ». Đối với chuyên gia chiến lược quân sự người Anh, ông Lawrence Freedman, giáo sư danh dự Đại học King's College Luân Đôn, thì các đe dọa hạt nhân của Nga giờ đây « được ít xem trọng hơn trước » và « sức mạnh của Nga đang suy giảm ».   

Vũ khí hạt nhân là loại vũ khí chỉ được các cường quốc nguyên tử sử dụng để « răn đe ». Việc sử dụng vũ khí hạt nhân có những quy tắc riêng. Hồi đầu năm nay, 5 cường quốc hạt nhân thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ra một tuyên bố chung, khẳng định sẽ « không có bên thắng », nếu nổ ra chiến tranh hạt nhân. Hôm thứ Năm 29/04, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chỉ trích các đe dọa « vô trách nhiệm » từ phía chính quyền Nga.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.