Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - TỰ DO BÁo CHÍ

Tự do báo chí : Hồng Kông tuột 68 hạng trong bảng xếp hạng của RSF

Nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới, 03/05/2022, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters sans Frontières, RSF) công bố bảng xếp hạng 2022 về tự do báo chí trên thế giới. Hồng Kông gây bất ngờ khi tuột xuống hạng 148 trên tổng số 180 nước. 

Bản đồ tự do báo chí trên thế giới của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 03/05/2022.
Bản đồ tự do báo chí trên thế giới của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 03/05/2022. © RSF
Quảng cáo

Ông Cedric Alviani, phụ trách văn phòng Đông Á của RSF tại Đài Loan, đánh giá “đây là sự sụt giảm lớn nhất trong năm, nhưng Hồng Kông hoàn toàn đáng bị như thế vì những vụ tấn công không ngừng nhắm vào tự do báo chí và việc Nhà nước pháp quyền đang dần biến mất ở đặc khu này”

Theo AFP, mức độ tự do báo chí ở trung tâm tài chính châu Á chỉ tương đương với các nước Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ. Cách đây 20 năm, Hồng Kông được coi là “ốc đảo tự do” ở châu Á, đứng thứ 18 trong bảng xếp hạng đầu tiên của RSF năm 2002. Cơ chế “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông đã bị Bắc Kinh loại bỏ với hàng loạt biện pháp hà khắc trong khuôn khổ Luật An ninh Quốc gia được ban hành năm 2020 để trấn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.  

Theo ông Cédric Alviani, sau thời gian đầu nhắm đến các nhà đối lập chính trị và các nhà đấu tranh dân chủ, vào năm 2021, chính quyền đã áp dụng Luật An ninh Quốc gia với các cơ quan truyền thông địa phương. Apple Daily và Stand News đã phải đóng cửa sau khi nhiều lãnh đạo của hai cơ quan truyền thông đối lập này bị bắt và tài sản bị phong tỏa. Hiện 13 người làm truyền thông ở Hồng Kông vẫn bị giam. RSF đánh giá đây là một con số “rất lớn”, tương đương với 10% số các vụ bắt giữ nhà báo được biết đến ở Trung Quốc. 

Báo cáo của RSF đánh giá “những nhiễu loạn thông tin” “thông tin sai lệch” đang làm gia tăng căng thẳng trên thế giới. Tình hình tại 73% trên tổng số 180 các nước trong bảng xếp hạng bị RSF đánh giá là “rất nghiêm trọng”, “khó khăn” hoặc “có vấn đề” liên quan đến quyền tự do hành nghề của các nhà báo. 

Ba nước đứng đầu bảng xếp hạng đều nằm ở Bắc Âu, gồm Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển. Trong số những nước cuối bảng, Việt Nam đứng ở vị trí 174, chỉ hơn Trung Quốc (175), Miến Điện (176), Turkmenistan (177), Iran (178), Erytrea (179) và Bắc Triều Tiên (180).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.