Vào nội dung chính
UKRAINA - LƯƠNG THỰC

Giá lương thực tăng do khủng hoảng Ukraina: Khúc dạo đầu những tác động của biến đổi khí hậu.

Chiến tranh Ukraina đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng nông sản thế giới do cả Ukraina và Nga đều là hai nước xuất khẩu lớn trong lĩnh vực này. Giá cả tăng phi mã, đẩy nhiều người đến nguy cơ nạn đói. Tuy nhiên, đây chỉ là kịch bản đầu tiên. Tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai sẽ tạo ra những hậu quả tồi tệ hơn, nếu không có biện pháp nào. RFI xin trích dịch một bài viết của Aryn Baker, đăng trên trang mạng của tạp chí Time ngày 29/04/2022. 

Hai công nhân nghỉ giải lao trên cánh đồng ở phía Tây Kiev, Ukraina, 16/04/2022. Ukraina là một trong những vựa lúa mì lớn nhất ở châu Âu.
Hai công nhân nghỉ giải lao trên cánh đồng ở phía Tây Kiev, Ukraina, 16/04/2022. Ukraina là một trong những vựa lúa mì lớn nhất ở châu Âu. AFP - GENYA SAVILOV
Quảng cáo

Ukraina là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Trước chiến tranh, kim ngạch xuất khẩu của nước này chiếm 12% lúa mì, 16% ngô và 46 % dầu hướng dương của toàn thế giới. Cuộc xung đột kéo dài từ hơn hai tháng qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa vụ và xuất khẩu của các loại cây trồng chính ở Ukraina, đẩy giá thành lên cao, đồng thời làm dấy lên lo ngại về tình trạng khan hiếm lương thực toàn cầu và đưa ra cảnh báo về việc thế giới phụ thuộc vào các nguồn thực phẩm đơn lẻ. 

Khủng hoảng Ukraina đồng nghĩa với nạn đói 

Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) mới đây ước tính rằng, khủng hoảng Ukraina sẽ đẩy 12 triệu người rơi vào nạn đói. Nguyên do là 1/3 số cây trồng và đất nông nghiệp không thể thu hoạch hoặc canh tác được trong thời chiến, làm mất đi 1/5 sản lượng lúa mì của Ukraina. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, nhà sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới, cũng khiến nguồn cung toàn cầu sụt giảm.  

Ngoài ra, Nga và đồng minh Belarus là những nhà sản xuất phân bón hàng đầu của thế giới. Các biện pháp trừng phạt đã hạn chế khả năng xuất khẩu và cung ứng cho thị trường toàn cầu. Giá cả phân bón bị đẩy lên cao, buộc nông dân nhiều nước phải đưa ra những quyết định khó khăn : giảm bớt sử dụng phân bón và chấp nhận rủi ro sản lượng thấp hơn, hoặc trả nhiều hơn và tính phí nông sản cao hơn. Dù có đưa ra lựa chọn nào, thì giá thành nôngphẩm đều tăng. Chính phủ của một số nước đã thông báo trợ giá phân bón hoặc lúa mì, hoặc cả hai, nhưng không phải quốc gia nào cũng có khả năng này.  

Vào cuối tháng 3, theo báo cáo hàng tháng của FAO, giá của những mặt hàng lương thực căn bản đã tăng lên mức cao nhất, tăng 60 % so với cùng kỳ năm 2021, và cũng là con số cao nhất kể từ lần đầu tiên FAO công bố Chỉ số giá lương thực năm 1990. 

Bản xem trước những tác động của biến đổi khí hậu  

Thế nhưng, việc giá cả của nhiều loại lương thực tăng do khủng hoảng Ukraina chỉ là bản xem trước về viễn cảnh của những tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Nhiệt độ tăng do khí thải nhà kính tăng tỷ thuận với giá lương thực. Viện trợ nhân đạo sẽ chịu tác động đầu tiên. Các quỹ tài trợ mất đi sức mua do giá cả các mặt hàng cơ bản như lúa mì và dầu tăng.

Giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley, cảnh báo tại Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 29/03 : “Giá lương thực tăng sẽ đẩy 125 triệu người đến nguy cơ chết đói do các tổ chức nhân đạo gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lương thực”, đặc biệt là ở châu Phi, châu lục vốn đã phải đối mặt với tình trạng bất ổn an ninh lương thực, nay sẽ trầm trọng hơn. 

Theo giám đốc phát triển nông nghiệp của tổ chức Bill & Melinda Gates, Enock Chikava, tác động toàn diện của biến đổi khí hậu sẽ cho chúng ta thấy rằng những biến động về giá thực phẩm gia tăng hiện nay thực ra chưa đáng kể. Ông khẳng định :

Chúng ta đang sống trong thế giới nóng hơn 1 độ C và chúng ta đã phải chứng kiến cảnh dịch bệnh, hạn hán và các đợt nắng nóng xảy ra liên tiếp. Nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường này, nhiệt độ sẽ tăng thêm, 1,5 - 2 độ C, cửa địa ngục dần hé mở cho chúng ta.

Sản lượng nông nghiệp sụt giảm do biến đổi khí hậu 

Trái đất nóng lên và những hậu họa đi kèm có thể tác động nghiêm trọng hơn đến những nước có nền kinh tế vốn đã gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, được công bố vào 2/2022, các hiện tượng như hạn hán, lũ lụt và hoả hoạn có thể xuất hiện nhiều hơn do nhiệt độ tăng cao, ví dụ như trường hợp ở California, Hoa Kỳ năm 2021 và Nam Âu. Những yếu tố này góp phần làm sản lượng nông sản sụt giảm. 

Tình trạng này đã xảy ra ở một số nơi. Đợt nắng nóng kỷ lục ở Ấn Độ, (bắt đầu từ cuối tháng Tư vừa qua) đã làm sụt giảm sản lượng lúa mì năm nay. Hơn nữa, Ấn Độ cũng đang có kế hoạch tăng cường xuất khẩu để bù đắp những lỗ hổng trên thị trường mà Nga và Ukraina để lại. Còn đối với một vựa lúa mì lớn khác của thế giới là Trung Quốc, bộ trưởng Nông Nghiệp nước nàycảnh báo vào tháng Tư rằng vụ thu hoạch lúa mì mùa đông của Trung Quốc bị ảnh hưởng, do các trận lũ lụt lớn vừa qua.  

Trái đất nóng lên không chỉ tác động tới nông nghiệp, mà các hiện tượng khí hậu cực đoan có thể làm gián đoạn việc xuất khẩu, trung chuyển hàng hoá ở các cảng quan trọng của thế giới, từ Baltimore đến các cảng ở Biển Đen. Giá lương thực sẽ tăng cao, kéo theo đó là tình trạng bất ổn, xung đột nội bộ, như trường hợp ở Sri Lanka và Pakistan.  

Nhập khẩu - biện pháp “mong manh” 

Từ nhiều năm qua, nhiều quốc gia đã có biện pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp, tìm cách giảm thiểu rủi ro qua việc tìm nguồn cung lương thực từ bên ngoài. Như trường hợp của Somalia, quốc gia thường xuyên bị hạn hán, nhập khẩu đến 90 % lúa mì từ Ukraina và Nga.

Theo giám đốc của một cơ quan thuộc tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, Rein Paulsen, chiến lược này sẽ không còn khả thi, không chỉ do xung đột, mà vì biến đổi khí hậu có khả năng ảnh hưởng đến mạng lưới cung ứng lương thực lâu dài. Ông nói : “Một trong những bài học từ thảm kịch xung quanh cuộc chiến ở Ukraina là một số chuỗi nông lương được kết nối với nhau rất mong manh”.  

Theo FAO, giải pháp nhập khẩu lương thực đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với nạn đói, nhưng không có nghĩa là bền vững và không phải không có giải pháp nào thay thế. Giới chuyên gia cho rằng, có những giải pháp đơn giản, như việc hỗ trợ canh tác tại địa phương, có thể góp phần nào đó trong việc ngăn chặn các tác động tồi tệ nhất của tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực.

Nếu các hoạt động nông nghiệp của mỗi địa phương được đầu tư, chuỗi cung ứng lương thực của thế giới sẽ linh hoạt hơn, không chỉ vì phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ở Biển Đen mà còn đối với các chuỗi ảnh hưởng bên ngoài, dường như vô tận. 

Canh tác nông nghiệp địa phương 

Khí hậu bất ổn, các quốc gia cần phát triển khả năng ứng phó ở cấp địa phương, bằng cách áp dụng các cách thức sản xuất nông nghiệp có tư duy. Tại một số nơi, giải pháp được đưa ra có thể là gieo trồng những giống cây thích hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, có khả năng chống lại hạn hán hay lũ lụt; xây dựng hệ thống tưới tiêu chính xác giúp giảm thiểu việc sử dụng nước; tăng cường đào tạo, phổ biến kiến thức về cách sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu phù hợp với loại cây. Các nhà khoa học nông nghiệp cần tập trung phát triển giống cây trồng và vật nuôi mới, có thể chịu nhiệt hoặc có khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn. 

Tuy nhiên, chi phí để thực hiện các biện pháp trên rất cao, và không phải là biện pháp hỗ trợ khẩn cấp. FAO ước tính rằng, cần phải hỗ trợ 157 đô la mỗi năm để giúp một gia đình Afghanistan xoay sở với biến đổi khí hậu: có hạt giống phù hợp và phương pháp canh tác nông nghiệp chống chịu được các tác động của khí hậu. Nếu gia đình này phải mua nhu yếu phẩm ở chợ và giả sử là họ có đủ tiền và nguồn cung có sẵn, thì chi phí hỗ trợ sẽ tăng lên gấp bốn lần. Trong trường hợp mà quốc tế đưa ra hàng loạt biện pháp đối phó với nạn đói đang đến gần, như những gì mà chúng ta đang thấy hiện nay, chi phí này sẽ tăng thêm gấp 7 đến 9 lần.  

Theo ông Paulsen của FAO, viện trợ lương thực trên quy mô lớn là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là vào các mùa khô hoặc khi phải đối mặt với các thảm hoạ thiên nhiên hoặc tình trạng xung đột. Theo ông, điều đáng chú ý là ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, canh tác nông nghiệp vẫn có thể được duy trì ở quy mô hộ gia đình.  Do vậy, tập trung vào sản xuất ở quy mô địa phương có thể là một cách để ứng phó với tình trạng bất ổn an ninh lương thực trong tương lai

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.