Vào nội dung chính
NATO - PHẦN LAN - THỤY ĐIỂN

Tổng thống Phần Lan thăm Thụy Điển thể hiện đoàn kết cùng gia nhập NATO

Ngay từ đầu, Phần Lan và Thụy Điển nhấn mạnh cùng nhau gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thông báo đã được hai nước Bắc Âu lần lượt đưa ra ngày 15 và 16/05/2022. Tình đoàn kết này còn được thể hiện trong chuyến công du Stockholm của tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, bắt đầu từ ngày 17/05.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö bắt đầu chuyến công du Thụy Điển từ ngày 17/05/2022.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö bắt đầu chuyến công du Thụy Điển từ ngày 17/05/2022. © AFP - MARKKU ULANDER
Quảng cáo

Thông tín viên RFI Frédéric Faux tại Stockholm tường trình :

« Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö công du thủ đô Thụy Điển trong hai ngày. Bài diễn văn của ông, dành ca ngợi những giá trị của một « vùng Bắc Âu có trách nhiệm, ổn định và vững mạnh », sẽ được chú ý, cũng như chuyến thăm căn cứ hải quân Berga hoặc MSB, Cơ quan Dự phòng Dân sự của Thụy Điển. Từ khi quyết định cùng nhau gia nhập NATO, Thụy Điển và Phần Lan muốn thể hiện sự đoàn kết không lay chuyển giữa hai nước, cũng như ngay trong nội bộ quốc gia.

Tại Phần Lan, 76% người dân muốn gia nhập NATO. Còn tại Thụy Điển, tỉ lệ tán đồng không cao bằng. Dó đó, thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã chọn cách thể hiện sự đoàn kết này bằng cách khác, đó là tổ chức một cuộc họp báo chung với người đứng đầu phe đối lập vào hôm qua 16/05. Đây là sự kiện chưa từng có từ những năm 1990.

Cả hai nước muốn đoàn kết đối mặt với một tổng thống Vladimir Putin, người tuyên bố không muốn thấy « mối đe dọa sát sườn » trong việc hai nước này gia nhập NATO. Nguyên thủ Nga cũng tuyên bố mọi quyết định triển khai quân sự sẽ dẫn đến biện pháp đáp trả ngay lập tức của Nga ».

Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO

Ngày 16/05, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, ngay sau thông báo của Stockholm. Hai nước Bắc Âu bị ông Erdogan chỉ trích là dung túng và bao che Đảng Lao Động Kurdistan, bị Ankara liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.

Theo thông tín viên RFI tại Istanbul, chính quyền Ankara đặt hai điều kiện để « đổi ý » : dỡ bỏ các lệnh cấm vận vũ khí mà Phần Lan và Thụy Điển, cũng như nhiều nước châu Âu khác, áp đặt từ khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công lực lượng Kurdistan ở Syria vào mùa thu 2019 và dẫn độ những cá nhân bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là « khủng bố ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.