Vào nội dung chính
ÚC - VĂN HÓA

Hòa giải ở Úc: Cờ Thổ Dân được treo vĩnh viễn tại Cầu Cảng Sydney

Bang New South Wales, nước Úc, tiến thêm một bước hòa giải với cư dân bản địa. Hôm nay, 19/06/2022, thủ hiến bang thông báo cờ của Thổ Dân sẽ được treo cùng quốc kỳ và cờ của bang tại địa điểm nổi tiếng, Cầu Cảng của thủ phủ Sydney.

Diễu hành đến Quảng trường Victoria / Tarntanyangga, Adelaide, Úc, kỷ niệm 30 năm Lá cờ Thổ Dân, ngày 8/7/2001.
Diễu hành đến Quảng trường Victoria / Tarntanyangga, Adelaide, Úc, kỷ niệm 30 năm Lá cờ Thổ Dân, ngày 8/7/2001. © Wikipedia
Quảng cáo

Reuters cho hay, phát biểu trước báo giới, thủ hiến Dominic Perrottet, khẳng định việc treo cờ của thổ dân là một nỗ lực hòa giải với người bản địa, một phần trong ‘‘tiến trình chữa trị’’ những chấn thương tinh thần của người Úc. Lá cờ ba màu đen, đỏ, vàng của Thổ Dân Úc được một nghệ sĩ thổ dân, ông Harold Thomas, thiết kế vào năm 1971. Lá cờ đen - vàng - đỏ tượng trưng cho các cộng đồng thổ dân, những người đầu tiên cư trú trên lãnh thổ Úc từ khoảng 50.000 năm trước, theo một số nghiên cứu.

Cờ hình chữ nhật chia thành hai phần theo chiều ngang. Nửa đen ở trên tượng trưng cho Dân cư bản địa. Nửa đỏ ở dưới tượng trưng cho Đất đai. Hình tròn màu vàng ở giữa tượng trưng cho Mặt trời. Lá cờ được kéo lên lần đầu tiên vào ngày 9 tháng 7 năm 1971 tại một cuộc biểu tình đòi quyền đất đai ở Quảng trường Victoria / Tarntanyangga, thành phố Adelaide, bang Nam Úc. Lá cờ sau đó đã trở thành một biểu tượng cho sức mạnh của thổ dân, đại diện cho cộng đồng thổ dân và mối liên hệ tâm linh lâu đời của họ với đất đai tổ tiên.

Năm 1995, lá cờ Thổ Dân được chính phủ Úc công nhận là một lá cờ chính thức của nước Úc, theo Đạo luật về Cờ năm 1953. Đến tháng Giêng năm 2022, chính quyền Úc bảo đảm bản quyền của lá cờ Thổ Dân để ngỏ cho công chúng sử dụng miễn phí.

Theo báo chí bang NSW, quyết định treo cờ được đưa ra cùng với khoảng đầu tư 25 triệu đô la, cho phép lằp đặt cột cờ vào cuối năm nay. Đây là số tiền nằm trong khoản đầu tư 401 triệu đô la trong ngân sách, chi cho các sáng kiến “Thu hẹp khoảng cách”. Thủ hiến NSW nhấn mạnh là việc làm này giúp cho ‘‘giới trẻ Úc hiểu được nền văn hóa phong phú và lâu đời’’ của nước Úc. Việc cắm cờ Thổ Dân vĩnh viễn trên Cầu Cảng Sydney là sự tiếp nối của quá trình hàn gắn xã hội, hướng đến Hòa giải.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.