Vào nội dung chính
NGA - BELARUS - TÊN LỬA HẠT NHÂN

Chiến tranh Ukraina: Nga khẳng định sẽ cung cấp tên lửa hạt nhân cho Belarus

Đón tiếp đồng nhiệm Belarus Alexandre Loukachenko ngày hôm qua 25/06/2022 tại thành phố Saint-Pétersbourg, tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết là “trong những tháng tới” Matxcơva sẽ cung cấp cho Minsk loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Theo giới quan sát, đây là một lời đe dọa mới của Matxcơva là sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử nếu căng thẳng với phương Tây leo thang do cuộc chiến tại Ukraina. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Belarus Alexandre Loukachenko, tại Saint-Petersbourg, Nga, ngày 25/06/2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Belarus Alexandre Loukachenko, tại Saint-Petersbourg, Nga, ngày 25/06/2022. © Sputnik/Maxim Blinov/Kremlin via Reuters
Quảng cáo

Trong một phát biểu được truyền hình Nga phát sóng, tổng thống Putin nói rõ là vũ khí được chuyển giao sẽ là “các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M, có thể sử dụng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình, loại hạt nhân và thông thường”. 

Ngoài ra, hai tổng thống Nga và Belarus còn cho biết ý muốn hiện đại hóa lực lượng không quân Minsk để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuyên bố sau khi ông Loukachenko yêu cầu Nga cho “điều chỉnh” máy bay của Belerus để có khả năng vận chuyển vũ khí hạt nhân, ông Putin nhân xét : “Nhiều (chiến đấu cơ) Su-25 đang được quân đội Belarus sử dụng và có thể được cải tiến một cách phù hợp. Công việc hiện đại hóa này phải được thực hiện trong các nhà máy sản xuất máy bay ở Nga và việc đào tạo nhân viên phải được bắt đầu phù hợp tiến trình đó”. 

Theo thông tín viên RFI Paul Gogo tại Matxcơva, với tuyên bố hạt nhân hóa quân đội Belarus, người đứng đầu Điện Kremlin vừa cho thấy quyền khống chế của Nga trên Belarus, đồng minh hiếm hoi của Matxcơva tại châu Âu, vừa gửi đi một tín hiệu cứng rắn trước hội nghị thượng đỉnh của Nhóm G7 vào hôm nay, và thượng đỉnh của khối NATO vào thứ Ba 28/06 :   

“Cuộc gặp Putin-Loukachenko lần này là dấu hiệu của việc sử dụng cụ thể quan hệ giữa Nga và Belarus vào các mục đích địa chính trị. 

Chắc chắn là tổng thống Loukachenko đã được lại mời đến Nga mà không thực sự có được bất kỳ lựa chọn nào khác, để giúp Vladimir Putin gửi đi một thông điệp tới phương Tây. 

Vả lại, chính tổng thống Belarus, sau những tuyên bố của ông Putin, là người đã tô vẽ thêm cho những thông báo mạnh mẽ của đồng nhiệm Nga. 

Alexander Loukachenko chỉ trích Ba Lan và Litva là “tìm kiếm sự đối đầu”. Litva là vì đã làm dấy lên cuộc xung đột, vốn đang trong quá trình giải quyết, trên việc vận chuyển hàng hóa bị cấm vận Liên Âu giữa Nga và vùng đất Kaliningrad thuộc Nga, còn Ba Lan là vì sự hiện diện của hàng chục, thậm chí hàng trăm công dân Ba Lan trong hàng ngũ quân đội Ukraina, điều mà Nga không hề thích. 

Chiến dịch thông tin tuyên truyền vừa được tiến hành - bao gồm các thông báo mạnh mẽ, các vụ oanh kích và các cuộc tập trận chung với Belarus - rõ ràng là nhằm một mục tiêu cụ thể, trước một tuần lễ ngoại giao sôi động của Phương Tây, đặc biệt là hai thượng đỉnh G7 và NATO.  

Nga, quốc gia gần như là đã từ bỏ mọi quan hệ ngoại giao với Phương Tây, như lại muốn nhăc nhở rằng họ vẫn nắm quyền kiểm soát trong khu vực, từ Biển Baltic đến Biển Đen, thông qua biên giới Ba Lan nằm trong tầm bắn. 

Sau cùng, những thông báo này làm dấy lên bóng ma về khả năng Belarus tham gia một cách tích cực và sẵn sàng trả giá vào cuộc chiến Ukraina, một sự tham gia mà cho đến nay tổng thống Belarus luôn từ chối”. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.