Vào nội dung chính
NGA - TRUNG Á

Thượng đỉnh Caspi: Nga khẳng định vị thế thống lĩnh ở Trung Á

Ngày 29/06/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin đến Turkmenistan, chặng cuối trong chuyến công du Trung Á hai ngày, để tham dự thượng đỉnh Caspi quy tụ 5 nước. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tổng thống Putin kể từ khi ông phát động cuộc chiến ở Ukraina ngày 24/02 còn nhằm khẳng định vị thế thống lĩnh của Nga ở Trung Á và củng cố sự ủng hộ của các đồng minh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) gặp đồng nhiệm Tajikistan,  Emomali Rakhmon tại Dushanbe, Tajikistan, ngày 28/06/2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) gặp đồng nhiệm Tajikistan, Emomali Rakhmon tại Dushanbe, Tajikistan, ngày 28/06/2022. AP - Alexander Shcherbak
Quảng cáo

Trước đó, nguyên thủ Nga đã được đồng nhiệm Tadjikistan Emomali Rakhmon tiếp đón tại Dushanbe ngày 28/06. Theo điện Kremlin, chuyến công du của nhằm tăng cường mối quan hệ « hợp tác và đồng minh » giữa Nga và Tadjikistan.

Bên lề thượng đỉnh Caspi tại thủ đô Achagabat (Turkmenistan), nguyên thủ Nga gặp tổng thống Iran Ebrahim Raisi, sau đó trở về Matxcơva tối cùng ngày, theo thông báo của người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov.

Trả lời RFI ngày 28/06, nhà nghiên cứu Michaël Levystone, thuộc Trung Tâm Nga và các quốc gia độc lập mới của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), phân tích ý nghĩa chuyến công du của tổng thống Nga :

« Rõ ràng nước chủ nhà Turkmenistan là lãnh thổ đã bị thu phục. Hội nghị thượng đỉnh Caspi quy tụ 5 nước ven biển Caspi, gồm Nga, Turkmenistan, Kazakhstan, Azerbaïdjan và Iran. Năm nước này đã nhất trí cấp quy chế cho biển Caspi, thực ra không phải là biển, cũng chẳng phải là hồ, mà nằm giữa hai khái niệm này.

Hiện giờ, về mặt quân sự và an ninh, biển Caspi là không gian dành cho năm nước trên. Qua đó, chúng ta có thể thấy một thông điệp rõ ràng được gửi đến các đối thủ của Nga ở Trung Á: Toàn bộ khu vực này, trải dài từ Tadjikistan đông nam Trung Á đến phía tây biển Caspi vẫn bị giám sát bởi cường quốc thống trị là Nga ».

Ngoài ra, Matxcơva cũng gửi một tín hiệu khác về việc mở rộng mạng lưới đồng minh đến phương Tây đang hết mình ủng hộ Ukraina chống xâm lược Nga. Tại Tadjikistan ngày 28/06, tổng thống Putin cam kết rằng Nga sẽ tích cực hoạt động để « bình thường hóa » tình hình ở Afghanistan, đồng thời nêu « trách nhiệm » của Matxcơva trong khu vực.

Nga hiện có một căn cứ quân sự quan trọng ở Tadjikistan, quốc gia có 1.200 km đường biên giới với Afghanistan. Quân đội Tadjikistan thường xuyên phải đối đầu với các băng đảng buôn ma túy của nước láng giềng.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.